Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia sẻ cả gánh nặng và lợi ích

07:10, 15/10/2022

"Giá xăng dầu tăng" lâu nay luôn là một trong những lý do mà các nhà sản xuất lẫn kinh doanh hàng hóa đưa ra khi quyết định tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Không thể phủ nhận xăng dầu là một mặt hàng cơ bản và có tác động nhất định đến toàn bộ các khâu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (vận chuyển nguyên liệu, sản xuất, lưu thông hàng hóa…), do đó khi giá xăng dầu tăng, nhiều loại chi phí trong suốt quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo.

“Giá xăng dầu tăng” lâu nay luôn là một trong những lý do mà các nhà sản xuất lẫn kinh doanh hàng hóa đưa ra khi quyết định tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Không thể phủ nhận xăng dầu là một mặt hàng cơ bản và có tác động nhất định đến toàn bộ các khâu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (vận chuyển nguyên liệu, sản xuất, lưu thông hàng hóa…), do đó khi giá xăng dầu tăng, nhiều loại chi phí trong suốt quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo.

Một trạm xăng dầu trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) đã mở bán trở lại
Một trạm xăng dầu trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) đã mở bán trở lại. Ảnh: Lam Phương

Tuy nhiên, không phải loại hàng hóa, dịch vụ nào cũng chịu ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá xăng dầu. Thực tế có không ít loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo kiểu “té nước theo mưa”.

Vấn đề đáng nói ở đây là khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ lại “đứng im”, giữ nguyên mức giá đã tăng mà không có động thái giảm theo. Báo cáo giá cả hàng hóa mỗi ngày của Sở Công thương Đồng Nai trong 2 tháng gần đây cho thấy, dù giá xăng dầu liên tục giảm, số lượng hàng hóa giảm giá theo là rất ít.

Dĩ nhiên, trong một mức độ nào đó, khi giá của một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó tăng quá mức chấp nhận, người tiêu dùng sẽ hạn chế mua sắm, sử dụng loại hàng hóa, dịch vụ đó và điều này về lâu dài sẽ gây khó khăn cho nhà sản xuất lẫn đơn vị kinh doanh - nhất là trong bối cảnh thị trường đang có nhiều mặt hàng cùng loại cạnh tranh lẫn nhau quyết liệt.

Tuy vậy, ở góc độ quản lý nhà nước và kiềm chế lạm phát, việc theo dõi giá cả thị trường và có những biện pháp bình ổn giá kịp thời là rất cần thiết. Nhà nước đã triển khai công tác cân đối cung cầu hàng hóa, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu nhằm có phương án bình ổn kịp thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Một trong yếu tố cần quan tâm nhất trong việc bình ổn giá là tính thời điểm. Trong đó, cần chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, có phương án điều tiết nguồn cung khi cần thiết, nhất là vào các đợt cao điểm để tránh tình trạng người kinh doanh ghim hàng, tăng giá, tạo sự khan hiếm giả tạo để kiếm lời và gây méo mó thị trường.

Cuối cùng, dù các phương án bình ổn giá có được thực hiện bài bản đến đâu, hoặc các “mệnh lệnh hành chính” được áp cho thị trường có mạnh đến đâu, thì cuối cùng, để có một thị trường hàng hóa lành mạnh, có lợi cho cả người bán lẫn người mua thì sự chia sẻ cả gánh nặng lẫn lợi ích cho nhau mới là yếu tố bền vững nhất.

Vi Lâm

Tin xem nhiều