Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ an toàn cho trẻ mùa tựu trường

09:09, 10/09/2022

Chỉ sau 1-2 ngày rộn ràng trong tiếng trống trường khai giảng chào mừng năm học mới cùng con trẻ, hàng ngàn phụ huynh ở TP.Biên Hòa lại canh cánh nỗi lo về an toàn cho trẻ trong và ngoài trường học khi chiều 6-9, một cơn mưa lớn đã làm đổ một đoạn tường rào bảo vệ của Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (P.Long Bình).

Chỉ sau 1-2 ngày rộn ràng trong tiếng trống trường khai giảng chào mừng năm học mới cùng con trẻ, hàng ngàn phụ huynh ở TP.Biên Hòa lại canh cánh nỗi lo về an toàn cho trẻ trong và ngoài trường học khi chiều 6-9, một cơn mưa lớn đã làm đổ một đoạn tường rào bảo vệ của Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (P.Long Bình). Nước mưa từ bên kia tường rào chảy xối xả tràn vào một số lớp học và xuống sân trường.

1 ngày sau đó, ngày 7-9, hơn 3.600 em học sinh Trường THCS Phước Tân 1 (P.Phước Tân) đã phải dừng buổi học sớm để về nhà nhằm đảm bảo an toàn phòng khi nước lũ sông Buông dâng quá cao học sinh không về được. Đến ngày 8-9, các em cũng tạm thời chưa thể đến trường để chờ nước lũ rút và tiến hành tổng vệ sinh trường lớp. Qua thống kê bước đầu của UBND P.Phước Tân, trong 2 ngày 7 và 8-9, đã có gần 1.200 nhà hộ dân bị ngập nước, trong đó có khoảng 100 hộ bị ngập từ 1-1,2m nhà.

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng về sự an toàn, tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ khi đến trường. Ngoài vấn đề về thiên tai bất ngờ như các trường hợp nêu trên, hay nguyên nhân từ việc trẻ bất cẩn, chưa ý thức đầy đủ được các hành vi nguy hiểm; thì còn có những nguyên nhân xuất phát từ sự lơ là, chủ quan, bất cẩn của người lớn. Đó là những nguy cơ tiềm tàng từ “nhân tai” như: xe đưa rước học sinh không đảm bảo, trẻ chưa đủ tuổi được cho phép sử dụng xe máy phân khối lớn, trẻ không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà vệ sinh trong trường học không đảm bảo, bạo lực học đường…

Thực tế, vấn đề giữ an toàn cho học sinh năm nào cũng được các cấp, các ngành, địa phương và nhà trường quan tâm sát sao và xem là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong mùa tựu trường, dù vậy, thỉnh thoảng trên thông tin báo chí, cũng đều xuất hiện những thông tin về tai nạn thương tích, thậm chí xảy ra những sự việc đau lòng “không thể cứu vãn”, khiến các bậc cha mẹ không khỏi bất an.

Ngoài những vấn đề có nguyên nhân do thiên tai “trở tay không kịp” cần cấp thời có các giải pháp ứng phó, khắc phục cho thầy và trò, thì tai nạn từ nguyên nhân từ “nhân tai” hoàn toàn có thể phòng tránh.

Để không phải “mất bò mới lo làm chuồng”, nhà trường cần rà soát ngay những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho trẻ để có hướng khắc phục. Bởi qua báo chí thông tin, có những vụ việc đáng tiếc xảy ra chỉ từ nguy cơ đơn giản, đến mức “không ngờ đến” như: cây xanh gãy đổ đè chết học sinh; trượt lan can cầu thang trường học, học sinh tử vong; “bỏ quên” học sinh ngoài xe đưa rước; cơ sở vật chất trường học xuống cấp… Bên cạnh đó, gia đình cũng cần quan tâm trang bị cho con các kỹ năng cần thiết phòng ngừa tai nạn, đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông, không cho con sử dụng xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi…

Việc chung tay giữ một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho trẻ không chỉ giúp trẻ vui chơi, học tập hiệu quả mà các bậc cha mẹ cũng yên tâm lao động, công tác.

Lâm Viên

Tin xem nhiều