Báo Đồng Nai điện tử
En

Cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, cần "sức nóng" từ địa phương

10:09, 30/09/2022

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố từ nhiều năm qua được coi là một trong những thước đo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trong cả nước.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố từ nhiều năm qua được coi là một trong những thước đo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trong cả nước. Đối với Đồng Nai, là địa phương thuộc tốp đầu phát triển kinh tế của Việt Nam song đánh giá về PCI của tỉnh vẫn đang ở mức khiêm tốn, năm 2021 chỉ xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố.

Là người nhiều năm thực hiện khảo sát PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã có những chia sẻ về bộ chỉ số này và những khuyến nghị với địa phương nhân dịp tham gia hội nghị đánh giá kết quả PCI Đồng Nai năm 2021 giải pháp để cải thiện được tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua.

PCI là một trong những công cụ để “soi lại mình”

 Qua nhiều năm thực hiện khảo sát đánh giá, theo ông, chỉ số PCI có vai trò gì trong thúc đẩy tính cạnh tranh của mỗi tỉnh, thành?

- PCI là bộ chỉ số được đánh giá độc lập, lấy thông tin trực tiếp từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Khi được công bố rộng rãi thì thông qua đây, các DN có thể dễ dàng phản ánh những vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh tại địa phương, vượt qua được những e ngại, tế nhị khi phản ánh trực tiếp khó khăn của mình với các cơ quan tại chính quyền địa phương.

Về phía lãnh đạo cấp tỉnh, có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng DN để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh, có sức ép và động lực để tiến hành những cải cách. Những thông tin độc lập là kênh để các lãnh đạo địa phương kiểm nghiệm, so sánh, đối chiếu với các nhận định, đánh giá của cấp dưới xem có thực tế có được như các báo cáo hay không.

Chỉ số PCI được công bố rộng rãi cũng giúp các địa phương định vị mình so với tỉnh, thành bạn, từ đó phấn đấu để khắc phục những hạn chế và học hỏi từ những địa phương có mô hình hay.

 Theo ông, sức nóng cải thiện môi trường kinh doanh, tính cạnh tranh của địa phương được thể hiện như thế nào trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội?

- Cải cách vẫn luôn là xu hướng chủ đạo trong những năm vừa qua. Đặc biệt, trước yêu cầu thực tiễn khi dịch bệnh và nhiều khó khăn khác dồn xuống, cộng đồng DN mong muốn có môi trường kinh doanh bớt gập ghềnh hơn. Nếu như trước đây, quá trình cải cách môi trường kinh doanh tập trung ở không nhiều tỉnh, thành phố thì hiện nay, từ Bắc vào Nam, đồng bằng hay miền núi đều cảm nhận được những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đang được cải thiện trước những yêu cầu bắt buộc. Cộng đồng DN đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh. Địa phương nào có nhiều hoạt động gặp mặt đối thoại, trao đổi, tháo gỡ khó khăn thì tác động rất lớn đến niềm tin của DN với chính quyền.

 Môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, vậy dư địa cho cải cách thủ tục hành chính sẽ thế nào, thưa ông?

- Tất nhiên, cải cách cải thiện thì theo thời gian, trước yêu cầu thực tế của xã hội vẫn luôn tiếp diễn. Đối với môi trường kinh doanh, ở góc nhìn nào đấy, không gian cải cách của chúng ta vẫn còn lớn. Đơn cử như tỷ lệ 41% DN phải trả phí không chính thức vẫn còn cao, tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu như: đăng ký DN, tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh. DN cũng thường trả chi phí không chính thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như: quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy, chữa cháy và đất đai.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục công việc cải cách thủ tục hành chính mà những năm qua chúng ta đang thực hiện.

Điều cốt yếu là địa phương phải cho thấy được sự “sốt ruột” của mình

 Ông đánh giá thế nào về chỉ số PCI của Đồng Nai thời gian qua?

- Chất lượng điều hành thể hiện trong vài năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Trước đây đứng ở giữa, thậm chí ở phía sau của bảng đánh giá nhưng hiện nay đã tốt dần lên, ở nhóm 20 tỉnh, thành tốt nhất. Theo chúng tôi đây cũng là sự nỗ lực rất khích lệ.

Để yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần được tạo dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi
Để yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần được tạo dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi

Tất nhiên, chất lượng điều hành cũng chỉ là một phần của môi trường kinh doanh. Đồng Nai vẫn là điểm sáng thu hút nhà đầu tư, cả đầu tư nước ngoài lẫn trong nước. Bởi vì Đồng Nai là địa phương có lợi thế về hạ tầng, chất lượng khu công nghiệp, nhân lực cũng như các lợi thế khác như gần cảng biển và sau này có cả cảng hàng không...

Những lợi thế ấy sẽ thu hút các nhà đầu tư tìm đến để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Lợi thế ấy sẽ càng lớn hơn nếu địa phương tiếp tục thêm các dư địa cải cách ngày càng mạnh mẽ của mình.

 Nhưng có một vấn đề mà các chuyên gia, ngay cả lãnh đạo địa phương cũng đánh giá là kết quả chỉ số PCI của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Theo ông, địa phương cần lưu ý gì?

- Đồng Nai xứng đáng để có được sự nhìn nhận, đánh giá cao hơn từ cộng đồng DN. Tỉnh đã có thời gian dài tạo ấn tượng trong phát triển kinh tế, trong đầu tư khu công nghiệp, đây là địa bàn trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI và cũng là trong nhóm các tỉnh đóng góp ngân sách cao nhất.

Nếu chúng ta chỉ hài lòng với những điều đã có cũng là một chuyện, vấn đề ở đây là phải nâng cấp hơn nữa môi trường kinh doanh của tỉnh nhà. Việc nâng cấp môi trường kinh doanh ở đây không chỉ là đón được vốn đầu tư nhiều hơn mà chất lượng dòng vốn cũng phải tốt hơn.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, các tập đoàn lớn thường yêu cầu môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, thuận lợi cao hơn so với những nhà đầu tư thông thường.

 Cụ thể sẽ là những việc gì cần thực hiện ngay, thưa ông?

- Một số lĩnh vực cần phải thực hiện để nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền. Thực tế, trong các Nghị quyết, các chương trình cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh của Trung ương hay cấp tỉnh triển khai, mỗi đơn vị sở, ngành, địa phương thực tế đều có những đề án, những kế hoạch được xây dựng rất bài bản. Tuy nhiên, việc thực hiện đến đâu cần được đong đếm, xếp hạng mới tạo ra sức ép cho cả hệ thống của bộ máy vận hành, tạo ra sự thay đổi tích cực.

Sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố không phải là ban hành nhiều kế hoạch cải cách, nhiều nghị quyết, nhiều chương trình hoành tráng mà đến từ chất lượng thực thi chính sách.

Khi thấy sự chững lại, chúng tôi cho rằng hơn ai hết, địa phương phải thực sự sốt ruột. Ở đây, có vai trò của những người đứng đầu rồi sau đó đến bộ máy chính quyền. Nếu địa phương thấy sốt ruột, nhận thấy cần thay đổi và đi nhanh, khát vọng mạnh mẽ hơn, từ mỗi cán bộ, lãnh đạo từng cấp, ngành cộng lại chắc chắn sẽ giúp tỉnh nhà có những thành công hơn nữa.

Bên cạnh PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị và sở, ngành (DDCI) cũng do VCCI xây dựng. DDCI đang được Đồng Nai nghiên cứu để triển khai tại địa phương nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở, ngành. Đây là cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế như: hộ kinh doanh, DN, HTX và các nhà đầu tư. DDCI hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền đối với DN, tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, DN tham gia góp ý. Từ đó, là cơ sở giúp UBND tỉnh xây dựng động lực, hệ thống hành động và giám sát nhằm liên tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của mình.

 Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều