Được biết đến qua vai trò Giám đốc sáng tạo thiết kế nên những tác phẩm nghệ thuật, thương mại được công chúng quan tâm, họa sĩ thiết kế Lê Đức Hiệp tiêu biểu cho quá trình phấn đấu vươn lên của một người trẻ đam mê đồ họa.
Được biết đến qua vai trò Giám đốc sáng tạo thiết kế nên những tác phẩm nghệ thuật, thương mại được công chúng quan tâm, họa sĩ thiết kế Lê Đức Hiệp tiêu biểu cho quá trình phấn đấu vươn lên của một người trẻ đam mê đồ họa.
Họa sĩ Lê Đức Hiệp và tác phẩm cổ động Ở nhà là yêu nước |
Từ thuở bé đã yêu thích vẽ, đam mê sáng tạo ra những tác phẩm mang phong cách riêng, Lê Đức Hiệp có gần 15 năm thiết kế hình ảnh cho báo chí (Hoa Học Trò, tạp chí Người Đẹp…), giữ vị trí Giám đốc nghệ thuật (Art Director) báo chí, rồi vai trò Giám đốc sáng tạo (Creative director) cho nhiều sản phẩm thiết kế hình ảnh phim điện ảnh Việt Nam. “Chân trời nghệ thuật cứ thế rộng mở với tôi và mỗi dự án nghệ thuật tôi đều đưa vào cảm xúc, gu thẩm mỹ của mình” - họa sĩ đồ họa Lê Đức Hiệp nói trong cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần.
Nghề chọn người
Anh bén duyên với lĩnh vực thiết kế poster điện ảnh như thế nào?
- Vốn là một chuyên viên thiết kế đồ họa (graphic designer) làm việc cho nhiều tờ báo và tạp chí, tôi đến với lĩnh vực thiết kế poster phim điện ảnh rất tình cờ khi có bạn giới thiệu với cố đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, nhà sản xuất/diễn viên Ngô Thanh Vân và họ nhờ tôi thiết kế các sản phẩm liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu phim của họ (poster phim, poster nhân vật, các thiết kế quảng bá trên mạng xã hội, rạp chiếu…). 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy là poster phim điện ảnh đầu tiên mà tôi thiết kế (năm 2015). Sau đó là poster phim Cô Ba Sài Gòn (năm 2017) giúp tôi được biết đến trong giới làm phim.
Lê Đức Hiệp sáng tạo thiết kế nhiều poster phim Việt Nam năm 2022 |
Sau đó “tiếng lành đồn xa”, nhiều nhà sản xuất phim khác mời tôi cộng tác. Có thể nói đây là cơ duyên “nghề chọn người”. Công việc khá vất vả và căng thẳng, nhưng cũng rất thú vị. Vì mỗi poster làm ra đều dựa trên chất liệu tạo cảm hứng sáng tạo đó là nội dung kịch bản, các nhân vật, thông điệp… của bộ phim. Với các sản phẩm khác như báo, tạp chí thì tôi thường lấy cảm hứng từ cuộc sống đương thời, những nhân vật, sự kiện diễn ra xung quanh mình.
Những thử thách, buồn vui của nghề thiết kế sáng tạo?
Anh có chia sẻ gì đối với các bạn trẻ muốn theo nghề thiết kế sáng tạo? - Muốn thành công trong nghề thiết kế sáng tạo phim ảnh, trước hết bạn hãy là người yêu điện ảnh, yêu đồ họa, yêu thích việc sáng tạo hình ảnh. Thứ hai là phải chăm chỉ vì nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Thứ ba là chăm học hỏi, luôn tự bồi bổ kiến thức cho bản thân, chịu khó xem, tìm hiểu nhiều thứ để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng và thúc đẩy sáng tạo cho mình. Cuối cùng hãy tìm hiểu về kiến thức truyền thông/quảng bá để định hướng sàng tạo phù hợp chiến dịch chung của nhà sản xuất. |
- Đặc điểm hậu trường bếp núc của công việc thiết kế, sáng tạo hình ảnh cho phim cũng không có gì quá khác biệt với các chiến dịch thiết kế sáng tạo cho quảng cáo, quảng bá khác. Tùy từng dự án phim mà người thiết kế như tôi được tiếp cận hình ảnh chụp sẵn từ nhà sản xuất phim hay họ tạo điều kiện cho tôi quyền tổ chức chụp lại hình ảnh mới theo ý đồ (concept) dùng cho poster.
Niềm vui trong nghề là mỗi khi được nhà sản xuất, nhà phát hành phim lắng nghe, tôn trọng và “chịu chơi” với những ý tưởng mới táo bạo mà tôi đề nghị. Ngược lại, nếu ý tưởng (idea) mình thích mà nhà sản xuất không đồng ý hoặc không thể thực hiện được thì buồn một chút.
Dung hòa các ý tưởng
Theo anh, thiết kế, sáng tạo hình ảnh cho phim hiện nay phải có những yếu tố, tiêu chuẩn gì?
Tôi yêu thích thiết kế sáng tạo nên rất hạnh phúc và thoải mái khi làm việc. Những lúc xem phim ảnh, tài liệu, triển lãm nghệ thuật để tìm ý tưởng cũng chính là lúc tôi giải trí, thư giãn” - họa sĩ LÊ ĐỨC HIỆP nói. |
- Nói đơn giản thì một bộ hình ảnh thiết kế cho phim thành công, nhất là poster chính, phải lôi kéo được khán giả mua vé xem phim. Có nghĩa là ngoài yếu tố về “chất lượng nghệ thuật” thì tấm poster phải bắt mắt và khiến khán giả chú ý hơn bộ phim, khiến họ chịu vào rạp thưởng thức. Tôi luôn thấy hài lòng nhất mỗi khi dung hòa được những ý tưởng thiết kế, nghệ thuật của riêng mình với yêu cầu “hút mắt, ăn khách, hấp dẫn” từ nhà sản xuất.
Những poster phim tôi ưng ý nhất như Song Lang (năm 2018) hay Đêm tối rực rỡ (năm 2022). Song Lang thì tôi lấy cảm hứng thiết kế từ câu chủ đề phim “Khi sân khấu và cuộc đời hòa quyện”. Còn Đêm tối rực rỡ thì cảm hứng từ câu chuyện đi tìm “ánh sáng trong màn đêm” của phim. Những tác phẩm này tôi ưng ý vì hình ảnh đưa ra trước công chúng không chỉ đẹp mà còn “rất Việt Nam”, chỉ cần nhìn qua là biết đây là phim Việt, mang hơi thở Việt.
Những dự định sắp tới của anh?
- Tôi hy vọng mình sẽ hoàn thành 10 dự án thiết kế sáng tạo poster cho phim Việt Nam trong năm nay. Sắp tới bộ phim Thanh Sói mà tôi có tham gia tạo hình nhân vật sẽ ra mắt khán giả. Tôi nghĩ đến khi mình tham gia thiết kế hình ảnh cho 100 bộ phim Việt thì có thể mở một triển lãm nho nhỏ để nhìn lại một quá trình, đồng thời cũng đóng góp cho sự phát triển của ngành thiết kế sáng tạo poster trong nước.
Cảm ơn và chúc anh tiếp tục thành công!
Lê Đức Hiệp (35 tuổi) từng đoạt giải thưởng Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 và Giải Sáng tạo xuất sắc tại giải Ngôi Sao Xanh 2017. Anh là nhà thiết kế sáng tạo cho rất nhiều phim Việt Nam như: Tấm Cám chuyện chưa kể, Hai Phượng, Bạn gái tôi là sếp, 100 ngày bên em, Ước hẹn mùa thu, Tháng năm rực rỡ, Ròm, Bố già, Maika, Trạng Tí, Chìa khóa trăm tỉ, 1990, Nghề siêu dễ, Bẫy ngọt ngào, Quỳnh Hoa nhất dạ, series phim Lật mặt, Gái già lắm chiêu… Năm 2021, Lê Đức Hiệp thiết kế tác phẩm cổ động Ở nhà là yêu nước trong thời gian giãn cách xã hội giữa đại dịch Covid-19, tạo tiếng vang trong nước và quốc tế (trang Nikkei Asia đưa tin). Anh bán poster để đóng góp vào chương trình ATM gạo miễn phí cho người nghèo trong mùa dịch. Qua đó, họa sĩ nâng tác phẩm nghệ thuật cá nhân thành một dự án thiện nguyện được đông đảo mọi người hưởng ứng. |
Trung Nghĩa (thực hiện)