Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nghề của 3 nữ trưởng ban

08:06, 18/06/2022

Báo Đồng Nai có 3 ban chuyên môn và điều đặc biệt, phụ trách quản lý 3 ban chuyên môn là 3 nữ nhà báo bản lĩnh, năng động và giỏi nghề, đảm đương tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực mình phụ trách. Sau đây là tâm tình của 3 nữ nhà báo.

Báo Đồng Nai có 3 ban chuyên môn và điều đặc biệt, phụ trách quản lý 3 ban chuyên môn là 3 nữ nhà báo bản lĩnh, năng động và giỏi nghề, đảm đương tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực mình phụ trách. Sau đây là tâm tình của 3 nữ nhà báo.

Tổng biên tập Đào Văn Tuấn (thứ 2 từ phải sang), Phó tổng biên tập Đinh Kim Tuấn trao đổi nghiệp vụ với 3 trưởng ban
Tổng biên tập Đào Văn Tuấn (thứ 2 từ phải sang), Phó tổng biên tập Đinh Kim Tuấn trao đổi nghiệp vụ với 3 trưởng ban. Ảnh: Huy Anh

Nhà báo NGUYỄN PHƯỢNG, Trưởng ban Chính trị - văn hóa - xã hội: Nỗ lực thực hiện tốt các đợt tuyên truyền

Từ tháng 9-2019, khi Báo Đồng Nai trở thành nhật báo, công việc của một trưởng ban chuyên môn tăng lên gấp nhiều lần so với tuần làm 4 số báo trước đó.

Với số lượng thành viên đông nhất trong 3 ban chuyên môn, Ban Chính trị - văn hóa - xã hội nhận đảm nhiệm khá nhiều trang tuyên truyền thuộc nhiều lĩnh vực trên một số báo. Chính vì vậy, áp lực công việc với Trưởng ban và bản thân các phóng viên cũng tăng lên. Song với sự đoàn kết, thống nhất của tập thể Ban, thời gian qua, Ban luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Một trong những nội dung tuyên truyền quan trọng của Ban Chính trị - văn hóa - xã hội là các sự kiện chính trị, những ngày lễ kỷ niệm của đất nước và của tỉnh. Để không bỏ sót sự kiện, vào đầu mỗi tháng, khi tiến hành họp ban, các phóng viên phụ trách lĩnh vực phải báo cáo với Trưởng ban xem trong tháng trên lĩnh vực của mình có ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện nào cần tuyên truyền. Trên cơ sở đó, cùng với định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Biên tập, tôi phân công trực tiếp phóng viên cho từng sự kiện hoặc đặt bài cộng tác viên. Hằng tuần, tôi cùng với Tòa soạn rà soát để tránh bỏ sót sự kiện.

Nhà báo Nguyễn Phượng cho biết: “Chính nhờ tinh thần chủ động và sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Ban Chính trị - văn hóa - xã hội mà trong nhiều năm qua, Ban luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Đối với các sự kiện chính trị lớn trong năm, tôi thường chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo với Ban Biên tập, trao đổi với Phòng Tòa soạn để xin ý kiến chỉ đạo, từ đó lập đề cương chi tiết cho từng số báo. Không chỉ phóng viên phụ trách lĩnh vực được phân công tuyên truyền những sự kiện này mà tôi thường tổ chức thành một ê-kíp nhằm đa dạng phong cách cho từng trang tuyên truyền. Đây cũng là cách để tăng khả năng làm việc nhóm cho phóng viên đồng thời giúp phóng viên làm quen với nhiều lĩnh vực khác nhau, có khả năng tác nghiệp được ở nhiều lĩnh vực. Khi một phóng viên trong Ban nghỉ phép hoặc có việc bận, Ban hoàn toàn có thể bố trí phóng viên khác phụ trách lĩnh vực của phóng viên đó mà không gặp khó khăn gì.

Chẳng hạn như trong đợt tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, tất cả các phóng viên trong Ban đều tham gia tác nghiệp. Vì thế, trong ngày bầu cử 23-5, dù phóng viên phụ trách chính về bầu cử ở trong khu vực bị phong tỏa do Covid-19 không thể ra ngoài làm việc, các thành viên trong Ban đã có sự phối hợp nhịp nhàng để ai cũng làm được việc và hoàn thành tốt đợt tuyên truyền quan trọng nhất của năm.

Hay trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, có đến hơn một nửa phóng viên trong Ban sống trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, việc tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng nhờ sự chủ động và nỗ lực của từng thành viên trong Ban, các nội dung tuyên truyền do Ban phụ trách vẫn được đảm bảo. Trong đó, riêng công tác tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 được đẩy mạnh với số lượng tin, bài lớn được đăng tải cả trên báo in và báo điện tử. Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban trong việc kịp thời, nhanh chóng cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính thống, chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Nhà báo Phan Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế: Niềm vui, trách nhiệm, áp lực và thách thức

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, thói quen, nhu cầu, xu hướng của bạn đọc cũng đã thay đổi rất nhiều trong vòng 7-8 năm nay. Những người làm báo ở tuổi “trẻ chưa qua, già chưa tới” như chúng tôi cũng phải tự đặt mình vào những trách nhiệm mới, áp lực mới với cả niềm vui lẫn thách thức.

Vào nghề 16 năm và có hơn 10 năm phụ trách Ban Kinh tế của Báo Đồng Nai, tôi chứng kiến thời kỳ “hoàng kim” của báo giấy với lượng phát hành “khủng” của những tờ báo lớn như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công an TP.HCM, Tiền Phong, Sài Gòn Giải Phóng… Và khoảng 5 năm nay, lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của báo in và sự lên ngôi của báo điện tử (cùng với những nền tảng truyền tải thông tin tích hợp mới mẻ như: YouTube, TikTok, Podcast…).

Với 68,72 triệu người sử dụng internet, chiếm 70,3% dân số  (theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam), thì rõ ràng việc chuyển từ thói quen chờ đợi mỗi sáng để cầm trên tay tờ báo in, ngóng chờ tin tức từ các tờ báo lớn đã gần như biến mất, bởi chỉ cần một cái quẹt tay là hàng triệu tin tức có thể “đổ” về thông qua chiếc smart phone nhỏ bé. Công nghệ cũng khiến bạn đọc được “kéo” gần hơn với các nguồn tin, có thể tương tác ngay với tác giả, với tờ báo, có thể tự sản xuất và phát tán tin tức của chính mình ngay trên các nền tảng mạng xã hội.

 

“Tại Đồng Nai - một địa bàn phát triển kinh tế sôi động bậc nhất phía Nam, thì việc những người làm báo như chúng tôi phải học hỏi, đổi mới cách thể hiện và truyền tải thông tin là điều bắt buộc, là xu hướng không thể đảo ngược mà tôi cùng các anh chị em phóng viên đã xác định và quyết tâm làm - dù nó đi kèm với nhiều áp lực và thách thức” - nhà báo Kim Ngân chia sẻ.

Nhìn từ những người làm báo, thì sự độc tôn về cung cấp tin tức đã không còn, thậm chí về tốc độ cung cấp tin, có vẻ đội ngũ các nhà báo nói chung cũng khó có thể nhanh bằng hàng chục triệu bạn đọc ngoài kia vì nhà báo còn mất thời gian để xác tín nguồn tin trước khi xuất bản.

Điểm sơ “vài đường” để thấy rằng, thế hệ làm báo chúng tôi hiện nay đang đứng trước rất nhiều trách nhiệm và thách thức. Chúng tôi buộc phải biết sơ về công nghệ, về những thể tài mới của báo chí (longform, megastory, inforgaphic, podcast...), về các nền tảng hạ tầng phát tán tin tức mới (YouTube, TikTok hay các kênh mạng xã hội tích hợp khác), nhưng đồng thời vẫn phải giữ đúng những nguyên tắc của nghề: tính chính xác, tính định hướng… Và do đó, dù nhanh hay chậm, chúng tôi biết mình buộc phải thay đổi tư duy làm báo để thích nghi.

Với một báo Đảng địa phương, tại địa bàn có 3,2 triệu dân - cũng là 3,2 triệu bạn đọc, tôi ý thức rằng những người làm báo như mình cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chúng tôi phải học để sử dụng công nghệ, hợp tác và chia sẻ để có những giải pháp truyền tải thông tin nhanh hơn, mạnh hơn, rộng hơn, bởi thông tin có hay đến mấy, chính xác đến mấy, nội dung mà chúng tôi sản xuất ra có hấp dẫn đến mấy thì nếu không thể sử dụng đúng và đa dạng các kênh truyền tải, thì sẽ uổng phí về cả thông tin lẫn nguồn lực. Chưa kể, các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước mà chúng tôi có nhiệm vụ thông tin đến người dân cũng sẽ dễ dàng “chìm” vào một biển thông tin trong thời đại ngày nay.

Nhà báo Đặng Thị Ngọc Thư, Phụ trách Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc: Đồng hành với phóng viên làm tin “nóng”

Thực tế một trong những áp lực lớn trên lĩnh vực chúng tôi phụ trách chính là thông tin phải kịp thời, chính xác. Trước sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH) có vô vàn thông tin “thượng vàng hạ cám”, xét về một góc độ nào đó MXH có một thế mạnh vượt trội so với báo chí truyền thống khi MXH có thể đăng ngay lập tức các sự việc, vụ việc vừa xảy ra, thậm chí còn có thể live stream để tường thuật sự việc.

Tuy nhiên, các thông tin trên MXH có những hạn chế như: thiếu kiểm chứng, phiến diện, không đầy đủ, theo ý chủ quan của người dùng MXH... Vậy nên, báo chí chính thống vẫn là một kênh thông tin đáng tin cậy cho bạn đọc khi họ cần đọc, xem, nghe về những tin tức, sự việc thực sự xảy ra. Do đó, chúng tôi nhận thấy, thế mạnh của báo chí chính thống và thấy mình cần phải có trách nhiệm tìm giải pháp tốt hơn để đưa thông tin đến với bạn đọc nhanh, chính xác nhất.

Để đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, chính xác, thời gian gần đây, Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc đã thống nhất quy trình “sản xuất” tin nóng. Theo đó, người phụ trách Ban cũng phải đồng hành và trực tiếp tham gia làm khi có những vụ việc “nóng”, sự kiện lớn xảy ra, diễn ra trên địa bàn, thay vì chỉ để cho một mình phóng viên phụ trách lĩnh vực trực tiếp làm. Phóng viên buộc phải báo thông tin cho người phụ trách Ban khi đánh giá vụ việc xảy ra nghiêm trọng (tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, tai nạn lao động có nhiều người chết, bị thương; cháy, nổ…). Kế tiếp phóng viên xuống hiện trường vừa chụp hình, vừa quay clip, vừa làm phỏng vấn, viết tin chuyển về cho người phụ trách Ban biên tập ngay. Trong trường hợp phóng viên gõ tin không kịp, thì có thể gọi điện về đọc thông tin chính cho người phụ trách Ban “gõ” giúp thành bản tin hoàn chỉnh.

Nhà báo Ngọc Thư tâm niệm: “Với vai trò quản lý một ban chuyên môn của Báo Đồng Nai, ngoài nỗ lực không ngừng học hỏi, kết nối, tôi cũng xác định phải luôn đồng hành, hỗ trợ phóng viên về chuyên môn với mong muốn duy nhất là mang lại những thông tin nóng, hữu ích, kịp thời đến với bạn đọc, góp phần ngày càng thu hút sự quan tâm và niềm tin của bạn đọc với Báo Đồng Nai”.

Việc quản lý ban tham gia ngay từ đầu đối với một bản tin nóng sẽ kịp thời định hướng cho phóng viên nội dung chính cần tuyên truyền; trong thời gian ngắn phóng viên có thể khai thác thông tin có chiều sâu, đầy đủ cho cả báo in và báo điện tử; kịp thời đưa thông tin lên báo điện tử và cập nhật liên tục diễn tiến thông tin, vụ việc; hạn chế sai sót do phóng viên tác nghiệp trong điều kiện phải đưa tin nhanh… Ngoài ra, việc đồng hành với phóng viên trong làm “tin nóng” cũng là sự chia sẻ một phần khó khăn, vất vả của phóng viên; giúp phóng viên năng động, tích cực, tự tin hơn trong xử lý các “tin nóng” về sau.

Ngoài ra, người phụ trách Ban cũng phải phối hợp tốt với Phòng Báo điện tử để đăng tải bản tin nóng lên kịp thời. Một khi trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn liên quan và phóng viên được tăng cường thì chắc chắn thông tin “nóng” được đăng tải nhanh và chuẩn xác cao hơn.

Từ khi áp dụng các phương pháp nêu trên, Ban Pháp luật - đời sống và bạn đọc đã khắc phục đáng kể tình trạng chậm trễ thông tin, hạn chế lỗi sai sót; nhiều tin, bài thời sự, dân sinh được cập nhật và nhận được nhiều like, comment, chia sẻ của bạn đọc trên fanpage Báo Đồng Nai. Cụ thể như các tin, bài: Dũng cảm cứu người trong cơn sóng dữ, Một người tử vong sau vụ cháy trường tiểu học, Cháy Công ty Chanshin, Chìm xuồng, 6 người bị rơi xuống Hồ Đa Tôn, 2 người mất tích…

Tin xem nhiều