Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số trong báo chí: Xu thế tất yếu

05:06, 18/06/2022

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và báo chí cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm mang đến những trải nghiệm sát với nhu cầu của công chúng trở thành yêu cầu cấp bách, thậm chí "sống còn" với báo chí.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và báo chí cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm mang đến những trải nghiệm sát với nhu cầu của công chúng trở thành yêu cầu cấp bách, thậm chí “sống còn” với báo chí.

Việc ứng dụng công nghệ giúp các cơ quan báo chí tương tác chủ động với độc giả, hiểu độc giả của mình hơn từ đó giúp tờ báo phục vụ bạn đọc tốt hơn. Đặc biệt, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ trong việc hỗ trợ tiếp cận công chúng báo chí.

* Nhận diện, thúc đẩy chuyển đổi số…

Để thực hiện sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội cũng như trụ vững và phát triển trong dòng chảy số, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số. Theo đó, cần nhận diện rõ hơn về chuyển đổi số, hình thành tư duy và định vị tờ báo của mình trên bản đồ chuyển động số đang vô cùng khẩn trương và rộng khắp trên toàn cầu. Báo chí thế giới đã đi những bước dài trong quá trình chuyển đổi số, thích ứng nhanh nhạy với xu thế và vận dụng hiệu quả công nghệ số để tiếp cận độc giả, phát triển kinh tế báo chí. Những kinh nghiệm trên thế giới cũng cho báo chí trong nước những bài học và động lực để bước tiếp và bắt buộc phải bước tiếp.

Nhiều tờ báo trên thế giới đã trở thành điển hình về thành công trong chuyển đổi số. Có thể kể đến như The New York Times (Mỹ) với nguồn thu từ digital (báo số) đã vượt báo giấy; Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã giới thiệu hệ thống viết tin tự động để đưa tin về các trận đấu trong khuôn khổ Giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) từ năm 2017; Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ra mắt một bản tin thời sự với “người dẫn chương trình ảo” có giọng nói, cử chỉ khuôn mặt phát triển trên nền trí tuệ nhân tạo từ năm 2018…

Tại diễn đàn “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân LÊ QUỐC MINH khẳng định: “Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hóa”.

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã và đang diễn ra với sự tham gia của nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương. Mới đây, Báo Nhân Dân cũng đã đưa ra chiến lược để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực. Đi đầu về đổi mới và sáng tạo trong phát triển nội dung, hình thức thông tin, TTXVN đã đoạt những giải thưởng quốc tế cho những sản phẩm báo chí hoặc công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí, trong đó có sản phẩm RapNewsPlus và sản phẩm chatbot. Năm 2017, TTXVN đã khai trương trang infographics.vn, dẫn đầu xu thế báo chí dữ liệu ở Việt Nam và đặc biệt phát huy hiệu quả trong đợt dịch Covid-19. Từ tháng 6-2018, VietnamPlus chính thức trở thành báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam thu phí người đọc với mô hình “freemium” - chỉ thu phí một phần nội dung chất lượng cao.

Nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Báo Lao Động chính thức ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên hệ thống LDO-AI vào tháng 7-2021.

Ngoài Facebook, YouTube, những năm gần đây TikTok trở thành nền tảng mạng xã hội có tốc độ phát triển chóng mặt với 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Nắm bắt được sự chuyển động này, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam như: VTV24, Nhân Dân, Vietnam Plus, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… cũng đã sớm có mặt trên TikTok. Ra mắt lần đầu vào tháng 3-2020, kênh TikTok vtv24news đã được vinh danh là Kênh thông tin của năm (News Media Chanel of the Year) tại TikTok Awards Việt Nam 2020 và hiện có 5 triệu người theo dõi…

* Báo Đồng Nai trên chặng đường chuyển đổi số

Cùng với các cơ quan báo chí địa phương, Báo Đồng Nai đã và đang nỗ lực đổi mới, ứng dụng các nền tảng công nghệ để tiệm cận với các mục tiêu chuyển đổi số. Tuy nhiên phía trước là một chặng đường rất dài khi các nền tảng chuyển đổi số chỉ mới được định hình sơ khai. Từ năm 2019, Báo Đồng Nai cải tiến Báo Đồng Nai điện tử theo hướng báo chí đa phương tiện. Điều này đã giúp tờ báo có nhiều sản phẩm đa dạng cùng lúc, giúp truyền tải một cách chân thực và sinh động các thông tin, bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc. Đồng thời hướng đến lấy báo điện tử làm trục trung tâm trong dây chuyền sản xuất đa dạng các sản phẩm báo chí khác trên nền tảng công nghệ số.

Hiện ngoài báo điện tử được tích hợp video clip các tin, phóng sự, được độc giả quan tâm thì Báo Đồng Nai cũng đã mở fanpage Facebook với việc tiếp cận hơn 100 ngàn độc giả. Công nghệ số cũng hỗ trợ các phóng viên trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đồng Nai trong 2 năm vừa qua, có những thời điểm phát hành báo in vô cùng khó khăn thì dòng chảy tin tức vẫn duy trì trên Báo Đồng Nai điện tử, Tòa soạn đã được duy trì hoạt động bằng hình thức online, các hình thức tác nghiệp của phóng viên cũng được hỗ trợ tích cực bằng các thiết bị công nghệ.

Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, Thứ trưởng Bộ TT-TT PHẠM ANH TUẤN cho biết trong khi chờ đợi đề án được phê duyệt, trong năm nay Bộ TT-TT sẽ đào tạo 10 ngàn công chức số, viên chức số cho đất nước, riêng khối báo chí là từ 3-5 ngàn người...

Tuy nhiên, hiện nay báo vẫn chưa thể hiện được những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như: longform, e-magazine, mega-story, infographics… Bên cạnh đó, việc nắm bắt nhu cầu, tương tác với bạn đọc; việc phát triển các kênh thu hút quảng cáo, hỗ trợ phát hành thông qua các ứng dụng công nghệ còn hạn chế… Báo vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cách thức làm báo hiện đại, cả về hệ thống công nghệ lẫn các kỹ năng mới. Dù đã thu hút được lượng truy cập đều đặn nhưng cách vận hành báo điện tử vẫn tương đối đơn giản, đặc biệt là các hệ thống quản trị nội dung (CMS) chỉ ở dạng cơ bản, không hỗ trợ các định dạng nội dung mới, linh hoạt để phóng viên có thể chủ động hơn trong sản xuất, xuất bản tin, bài.

Với việc đầu tư, cải tiến giao diện, nội dung Báo Đồng Nai điện tử cùng với nỗ lực xây dựng tòa soạn hội tụ khi có điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ hoàn thiện trong thời gian tới; đặc biệt là hình thành tư duy, tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số và xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên giàu khát vọng và có trình độ ứng dụng công nghệ số được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến mới của tờ báo trên chặng đường chuyển đổi số.

Hành trình chuyển đổi số chắc chắn đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm và cả những trợ lực từ chính sách, cơ chế. Đó không phải là câu chuyện của một tờ báo lớn hay của những nhà báo đam mê công nghệ mà đòi hỏi một chiến lược tổng thể, dài hơi và bám sát thực tiễn hoạt động báo chí sôi nổi, đa chiều. Đặc biệt việc xây dựng đội ngũ những người làm báo có đam mê, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng nắm bắt và đổi mới là rất quan trọng.

Suy cho cùng, con người vẫn là yếu tố chủ thể quyết định đến kết quả của quá trình chuyển đổi số, công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng khó thành công nếu thiếu tư duy, chiến lược và cả quyết tâm.

         Nhật Hạ

Tin xem nhiều