Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng Đồng Nai trở thành đô thị thông minh

07:05, 28/05/2022

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành đô thị thông minh để hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành đô thị thông minh để hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững.

Hoạt động tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Biên Hòa. Ảnh: Phạm Tùng
Hoạt động tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Biên Hòa. Ảnh: Phạm Tùng

* Xu thế tất yếu

Đồng Nai là một trong gần 20 tỉnh, thành phố tiến hành thực hiện đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Theo đánh giá, Đồng Nai có nhiều nền tảng sẵn có và sẵn sàng cho việc tích hợp để xây dựng đô thị thông minh.

Hiện Đồng Nai đã bước đầu triển khai một số ứng dụng giám sát, điều hành thông minh như: thành lập trung tâm điều hành giao thông để tập trung giám sát hành trình xe buýt, hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, giám sát nguồn nước thải thông qua hệ thống trạm quan trắc tự động.

Theo UBND tỉnh, trong những năm qua, Đồng Nai đã đặc biệt chú trọng đến vai trò của công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế, xã hội. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Đồng Nai đã được đẩy mạnh và đạt được những kết quả khả quan. Nhiều năm liền, Đồng Nai luôn nằm trong số các tỉnh, thành phố có chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ở mức khá và là một trong các tỉnh, thành phố đứng tốp đầu của cả nước trong sử dụng văn bản điện tử và thư điện tử. Đây chính là những tiền đề quan trọng để Đồng Nai đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị thông minh.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã có quyết định số 1179/QĐ-UBND ngày 10-5-2022 phê duyệt đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cuộc sống của người dân và cung cấp tối đa tiện tích để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến năm 2030, Đồng Nai trở thành đô thị thông minh với những đổi mới căn bản, toàn diện về hoạt động quản lý điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh Đồng Nai hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn.

Đồng thời, phát triển Đồng Nai trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phát triển kinh tế dựa trên khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó, tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đằng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng sống của người dân.

Về mục tiêu cụ thể, đề án đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, Đồng Nai sẽ xây dựng các nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh; xây dựng điểm trung tâm giám sát điều hành thông minh tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh để có cơ sở đánh giá hiệu quả và nhân rộng xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh tại các huyện; xây dựng trung tâm điều hành thông minh một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, giao thông, TN-MT…

Đối với giai đoạn 2026-2030, tiếp tục triển khai, hoàn thiện các nội dung đã thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 và mở rộng những lĩnh vực còn lại để đảm bảo chương trình xây dựng đô thị thông minh tỉnh được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh và tất cả các lĩnh vực, đem lại sự phát triển mạnh mẽ, bền vững, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn.

* Lấy người dân làm trung tâm

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn Đồng Nai đã đạt được những kết quả nhất định, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung bước đầu đã được xây dựng những thành phần cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn rất hạn chế trong xây dựng các cơ sở dữ liệu cốt lõi. Các ứng dụng, cũng như các yếu tố đô thị thông minh còn ở mức chưa cao. Chính vì vậy, để phát triển mô hình đô thị thông minh, thời gian tới, tỉnh xác định lựa chọn các lĩnh vực và hạng mục ưu tiên, phân kỳ hợp lý, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống để phát huy hiệu quả.

Về nguyên tắc xây dựng đô thị thông minh, Đồng Nai xác định lấy người dân làm trung tâm. “Việc xây dựng đô thị thông minh phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị thông minh” - đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ.

Dựa trên nguyên tắc này, Đồng Nai xác định rõ, trong quá trình thiết kế, triển khai các dịch vụ của đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm. Khi áp dụng các công nghệ mới, thay đổi các quy trình làm việc cả cán bộ, công chức hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

Để quá trình xây dựng đô thị thông minh đạt hiệu quả cao, Đồng Nai xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển trước. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai ưu tiên triển khai xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh với các lĩnh vực gồm: xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho phát triển đô thị thông minh; phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Đồng Nai; xây dựng hệ thống quản lý và điều hành thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: giáo dục, y tế, giao thông, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tư, quản lý TN-MT, nông nghiệp, xây dựng, năng lượng thông minh.

Trước đó, vào đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai, phiên bản 1.0.

Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai là kiến trúc công nghệ phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh nhằm mục đích vạnh ra các nguyên tắc, các hướng dẫn để tạo lập, giải thích, phân tích và trình bày kiến trúc, giải pháp ICT cho đô thị thông minh; đảm bảo tính kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin đã và sẽ được xây dựng trong tỉnh, tránh trùng lặp, lãng phí; đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu, dễ sử dụng, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai bền vững.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều