Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi in dấu chân Người…

09:05, 28/05/2022

Một ngày tháng 5, trong không gian tĩnh mịch, nhuốm màu thời gian, những đoàn người lặng lẽ ngắm nhìn các hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM (Q.4, TP.HCM). Nơi đây còn được biết đến với tên gọi Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời thương cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

Một ngày tháng 5, trong không gian tĩnh mịch, nhuốm màu thời gian, những đoàn người lặng lẽ ngắm nhìn các hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM (Q.4, TP.HCM). Nơi đây còn được biết đến với tên gọi Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời thương cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM (Bến Nhà Rồng), nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM (Bến Nhà Rồng), nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, để ghi nhớ sự kiện trên, sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), Nhà Rồng (xây dựng năm 1862) được cải tạo làm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 2-9-1979, nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tháng 10-1995, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM theo quyết định của UBND TP.HCM. Đây là chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

Không chỉ là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật, hình ảnh, điểm đặc biệt khiến Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu chính là nơi ghi dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Là nơi khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm con đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp). Trong vai người phụ bếp, Bác đã rời Tổ quốc thân yêu để mở đầu hành trình tìm đường cứu nước suốt 30 năm ròng rã với biết bao gian lao, vất vả. Đó là chặng đường lênh đênh sóng bể mà nếu không có trái tim yêu Tổ quốc, nhân dân thiết tha, quyết tâm cháy bỏng tìm ra con đường giải phóng dân tộc thì không thể bước đi.

Bộ quần áo kaki, áo lụa nâu, nón cối, dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại bảo tàng
Bộ quần áo kaki, áo lụa nâu, nón cối, dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại bảo tàng

Xúc động ngắm nhìn viên gạch màu nâu, được giới thiệu là viên gạch cùng loại, cùng thời với viên mà Bác Hồ đã dùng để sưởi ấm trong những ngày đông giá lạnh tại ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, Q.17, thủ đô  Paris, Pháp (1921-1923) được trưng bày tại bảo tàng, chị Nguyễn Thị Cẩm Hương (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Được tìm hiểu những hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời của Bác trong một giai đoạn lịch sử càng thêm yêu, kính trọng Người. “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”, Bác đã ra đi, sống và làm việc, vượt qua những khắc nghiệt, gian lao nơi xứ người với một trái tim yêu nước nồng nàn, khát khao mang độc lập, hạnh phúc cho nhân dân”.

Cùng cả gia đình đến thăm bảo tàng, anh Nguyễn Ngọc An (TP.HCM) cho biết, ở thế hệ của anh, hình ảnh của Bác đã khắc sâu trong tâm khảm với sự kính trọng, biết ơn sâu sắc, anh muốn con của mình ngoài học trên sách vở có thể hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những hy sinh, công lao to lớn của Bác qua những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật sống động để biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hôm nay.

Mô hình tàu Amiral Latouche Tréville
Mô hình tàu Amiral Latouche Tréville

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, ngoài phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phòng trưng bày “Hồ Chí Minh - dấu ấn một chặng đường”; “Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ”, còn có 4 phòng trưng bày theo chủ đề. Khách tham quan có thể lần giở theo từng hình ảnh, hiện vật tái hiện thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam (1890-1920). Tiếp theo đó là chặng đường Người đấu tranh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920-1930). Đó còn là chặng đường Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930-1954). Cuối cùng là chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (1954-1969).

 Người dân tham quan bảo tàng
Người dân tham quan bảo tàng

Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911-5-6-2022), nhớ về Bác, trong những ngày này, các đoàn khách và cá nhân từ nhiều tỉnh, thành đến tham quan bảo tàng đông hơn, có những ngày lên đến hơn 1 ngàn khách. Chị Trần Thị Cẩm Giang, thuyết minh viên tại bảo tàng chia sẻ: “Là thuyết minh viên trẻ được dẫn đoàn, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, tôi vẫn đang tiếp tục học tập mỗi ngày để có thể chuyển tải thông tin một cách cô đọng, cảm xúc đến khách tham quan. Dù đã quen với công việc những mỗi lần thuyết minh tôi vẫn rất xúc động, nhất là về những năm tháng Người rời xa Tổ quốc, trải qua biết bao chông gai, gian khổ để tìm con đường giải phóng dân tộc…”

Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng đã góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Người, đồng thời là “địa chỉ đỏ” để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu và trân trọng các di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại.  

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM đặt trong ngôi nhà trước đây là trụ sở của Tổng công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 và hoàn thành vào năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt” nên nơi đây còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. 

Nhật Hạ

Tin xem nhiều