Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam hướng đến World Cup 2026

03:04, 02/04/2022

"Bốn năm nữa!" - HLV Park Hang-seo đã đề cập đến thì tương lai ngay sau khi ông cùng đội tuyển Việt Nam kết thúc vòng loại FIFA World Cup 2022 bằng trận đấu cuối "hòa như thắng" (1-1) ngay trên sân của đội mạnh Nhật Bản.

“Bốn năm nữa!” - HLV Park Hang-seo đã đề cập đến thì tương lai ngay sau khi ông cùng đội tuyển Việt Nam kết thúc vòng loại FIFA World Cup 2022 bằng trận đấu cuối “hòa như thắng” (1-1) ngay trên sân của đội mạnh Nhật Bản.

Tuấn Anh (11) tranh bóng với thần đồng Takefusa Kubo của Nhật Bản
Tuấn Anh (11) tranh bóng với thần đồng Takefusa Kubo của Nhật Bản

Ngay cả khi ông Park Hang-seo khẳng khái thừa nhận ông “không biết còn ở Việt Nam hay không” ở thời điểm 4 năm nữa (FIFA World Cup 2026) thì mọi người vẫn hiểu ngụ ý đầy xác đáng của vị thầy người Hàn Quốc này là nền bóng đá Việt Nam (dù có ông hay không) cũng phải hướng đến một tương lai mới từ những điều có được của ngày hôm nay, khi lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á và có chiến thắng vẻ vang 3-1 trước tuyển Trung Quốc trên sân nhà Mỹ Đình và trận hòa 1-1 với Nhật Bản trên sân khách như một lời chia tay đẹp, một “đoạn kết trong mơ”.

Những trải nghiệm vô giá

Nhìn lại, những điều mà đội tuyển Việt Nam gặt hái được tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 thật vô giá! Cho dù Quang Hải và đồng đội đã thua liên tục “xiểng niểng” tới 7 trận đầu tiên (đến nỗi ông Park buộc phải thốt lên chua chát: “Kiếm 1 điểm thôi mà khó đến vậy sao”), cho dù cuối cùng thua đến 8/10 trận, thì có lẽ cũng không ai nỡ trách các chiến binh sao Vàng vì phải thấu hiểu rằng: đội tuyển chúng ta vẫn còn một khoảng cách về đẳng cấp khi đối đầu với những đội bóng mạnh nhất
châu Á.

“Vì tinh thần của chúng ta là không bao giờ từ bỏ. Vì khát vọng của chúng ta là không dừng lại ở vòng loại thứ ba World Cup. Khép lại hành trình này để bước vào một cuộc trường chinh khác với nhiều khó khăn và thử thách hơn. Tiến lên Việt Nam!” - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Thẳng thắn mà nói từ thực tế, đội tuyển do thầy Park dẫn dắt thua kém Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Oman lẫn Trung Quốc cả về thể hình, thể lực, kỹ thuật, kinh nghiệm… Về chiến thuật, chúng ta buộc phải áp dụng lối đá “kẻ chiếu dưới” là phòng ngự số đông và tận dụng cơ hội phản công ở hầu hết 10 trận đấu (điểm sáng hơn chỉ ở hai trận đi - về với Trung Quốc hoặc một vài thời điểm trong trận trước Oman, Saudi Arabia, Australia).

Điều đáng khen ngợi nhất chính là tinh thần “bại không nản”, ý chí chiến đấu quả cảm kiên cường, “không bỏ cuộc” của các tuyển thủ. Chính những điều tích cực này đã giúp Việt Nam suýt cầm hòa Trung Quốc ở trận lượt đi và thắng oanh liệt láng giềng ở trận lượt về. Chính lòng “tự tôn” dân tộc (từ dùng của thầy Park) đã giúp đội tuyển giành thêm 1 điểm quý giá trên sân Saitama của người Nhật trong trận cuối cùng.

“Chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình” - tiền vệ đội trưởng Hùng Dũng nói. Ông Park Hang-seo cũng chưa từng chê trách học trò sau mọi trận thua, ông luôn khẳng định “các cầu thủ của tôi đã nỗ lực hết mình”. Đó là những điều mà người hâm mộ ghi nhận và trân trọng đội tuyển chứ không đơn thuần khen chê dựa trên kết quả thắng - thua nữa.

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển Việt Nam vào tới vòng loại ba World Cup và giành được 4 điểm - ngang thành tích của tuyển Thái Lan trước đây. Song tập thể mà HLV Park Hang-seo dẫn dắt có quyền tự hào khi trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên có một trận thắng ở vòng loại ba. Việt Nam cũng lần đầu tiên trong lịch sử có trận thắng chính thức trước Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử ghi bàn vào lưới tuyển Nhật Bản trong trận đấu chính thức (đồng thời chấm dứt suốt 15 năm qua toàn thua Nhật Bản kể từ trận đại bại 1-4 tại Asian Cup 2007).

Với những “lần đầu tiên” như vậy, chúng ta có thể ngẩng cao đầu để hướng về tương lai một cách thực tế - nghĩa là vừa ý thức sự thua kém của mình hiện tại lẫn kỳ vọng vào tương lai bằng những hành động quyết tâm phát triển một cách thực tế, có căn cơ, có bài bản và có chiến lược rõ ràng.

Đó là gì? Ông Park Hang-seo đã vạch rõ sau trận hòa Nhật Bản: “Bóng đá Việt Nam còn thiếu rất nhiều thứ để phát triển. Việt Nam cần xây dựng hệ thống nền tảng về hành chính, cơ cấu, hỗ trợ cho cầu thủ trải nghiệm để phát triển. Trong tương lai, khi nền kinh tế đi lên kéo theo tiềm năng bóng đá Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn…”. Nói chung, thầy Park mong muốn bóng đá Việt Nam cần “xây nhà từ móng” chứ không phải “từ nóc” như phát biểu bất hủ của cố HLV Alfred Riedl (1949-2020) ở thời điểm ông thầy người Áo dẫn dắt tuyển Việt Nam cuối thập niên 90.

Mong lắm thay lời nói của ông Park sẽ thành hiện thực. Bởi cột mốc “4 năm nữa” cũng không phải là còn quá xa đâu, nhất là với mục tiêu lịch sử (và vĩ đại) của bóng đá Việt Nam chính là lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup 2026!         

Bửu Tín

Tin xem nhiều