Báo Đồng Nai điện tử
En

"Gieo" duyên nghề may

11:04, 08/04/2022

Với niềm đam mê nghề may từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Lam (hiện là giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonasezi) quyết tâm trở thành cô giáo để có cơ hội truyền "ngọn lửa" nghề cho các thế hệ sinh viên.

Với niềm đam mê nghề may từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Lam (hiện là giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonasezi) quyết tâm trở thành cô giáo để có cơ hội truyền “ngọn lửa” nghề cho các thế hệ sinh viên.

Cô Nguyễn Thị Lam (bìa trái) hướng dẫn học sinh vẽ rập. Ảnh: N.Sơn
Cô Nguyễn Thị Lam (bìa trái) hướng dẫn học sinh vẽ rập. Ảnh: N.Sơn

2 năm trở lại đây, cô Lam còn tự mày mò quay video clip và đăng tải trên YouTube hướng dẫn những người đam mê may. Đồng thời, cô lập nhóm trên Facebook mang tên Dạy cắt may online miễn phí - cắt may mẹ Bống để tập hợp, tạo môi trường cho những người đam mê may giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

* Quyết theo đuổi đam mê

Cô Lam chia sẻ, cha mẹ cô làm công nhân viên, nhà lại đông anh em nên cuộc sống gia đình cô thời điểm ấy cũng không khá giả gì. Mẹ của cô ngày đi làm, tối về có thời gian là lại đo đo, vẽ vẽ lên những mảnh vải khúc, vải vụn giá rẻ rồi cắt, kỳ cạch bên chiến máy may cũ may quần áo cho các con để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Mỗi lần mẹ may, cô Lam lại ngồi bên cạnh ngó nghiêng, xin mẹ những miếng vải thừa để may những chiếc váy cho búp bê.

Cô Nguyễn Thị Lam chia sẻ, cuộc sống, công việc có lúc áp lực khiến cô mệt mỏi và nhiều lần nghĩ đến việc từ bỏ nhưng thấy các chị em nhiệt tình, hào hứng khi có mẫu mới, khi chỉ được cho ai đó khắc phục được những lỗi, may ra sản phẩm hoàn thiện… bản thân cô cảm thấy rất vui và đó là động lực để cô tiếp tục duy trì nhiệt huyết với nghề.

Tuổi thơ gắn liền với chiếc máy may cũ kỹ của mẹ, những bộ quần áo tự tay mẹ cắt may, những chiếc váy búp bê do chính tay mình tạo ra đã dần nhen nhóm niềm đam mê với nghề may trong Lam. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Lam vừa nộp hồ sơ thi vào ngành Y theo sự định hướng của gia đình, vừa nộp hồ sơ thi vào Khoa May - thời trang Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Không đủ điểm để vào học ngành Y nhưng cô lại đậu vào ngành may, giúp cô có điều kiện để theo đuổi đam mê của mình.

Gần tốt nghiệp, cô Lam đi thực tập tại một công ty may ở TP.Biên Hòa và được nhận vào làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vì đam mê với nghề, muốn được truyền “ngọn lửa” nghề cho thế hệ sau nên trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp, cô Lam được biết Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi có Khoa May nên thỉnh thoảng sau giờ làm cô vẫn thường lui tới trường để xem thông tin tuyển dụng giáo viên.

Năm 2012, các giảng viên ngành may của trường được cử đi học tu nghiệp tại Pháp nên thiếu người, cô Lam nộp hồ sơ và được tuyển dụng vào làm giảng viên. Trong quá trình giảng dạy, cô Lam luôn tự trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Cô Lam cho biết, sau khi ổn định với việc giảng dạy, năm 2014, cô Lam tiếp tục học lên cao học chuyên ngành quản lý công nghiệp tại Trường đại học Bách khoa  (Đại học Quốc gia TP.HCM). Bên cạnh đó, cô đọc sách, xem YouTube và tự rèn luyện. Hằng năm, cô sắp xếp thời gian đến doanh nghiệp may để học hỏi những cái mới, cập nhật nhu cầu của doanh nghiệp để điều chỉnh trong quá trình giảng dạy giúp sinh viên khi ra trường dễ tìm kiếm việc làm hơn.

* Lan tỏa niềm đam mê nghề may

Ngoài công việc giảng dạy ở trường, cùng chồng quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc con nhỏ đã chiếm gần hết quỹ thời gian nhưng cô Lam vẫn bố trí một phòng may với đủ máy móc, trang thiết bị, nguyên phụ liệu để thỏa mãn niềm đam mê khi ở nhà. Cô Lam chia sẻ, vì không có nhiều thời gian nên cô không nhận đồ may tại nhà mà chỉ may đồ cho con, cho bản thân, người thân. Mỗi lần hoàn thiện một sản phẩm nào đó cô lại chụp hình đăng lên Facebook, Zalo. Mỗi lần như vậy, một số bạn bè, người quen thích may, biết may cơ bản hỏi cách may, đề nghị mở lớp may…

Cô Nguyễn Thị Lam tỉ mỉ hướng dẫn cho học sinh, sinh viên từng đường kim mũi chỉ. Ảnh: N.Sơn
Cô Nguyễn Thị Lam tỉ mỉ hướng dẫn cho học sinh, sinh viên từng đường kim mũi chỉ. Ảnh: N.Sơn

Trước nhu cầu của bạn bè, cách đây gần 2 năm cô Lam đã nảy ra ý tưởng vừa may đồ cho con, vừa quay video clip để ai cần có thể xem và làm theo. Cô Lam cho biết, mục tiêu lúc đó của cô là hướng đến những người muốn học mà không có thời gian và may cho gia đình chứ không phải là may nâng cao. Mới đầu, để quay được một video clip hoàn chỉnh, cô phải mất mấy ngày. Cô quay từng đoạn rồi sử dụng phần mềm để cắt, ghép các đoạn lại với nhau rồi lồng chữ. Khi hoàn thiện video clip, cô lại đăng lên kênh YouTube Cắt may mẹ Bống.

Cùng thời điểm này, cô Lam lập nhóm trên Facebook với tên gọi Dạy cắt may online miễn phí - cắt may mẹ Bống để tập hợp những người “tay ngang” với nghề may, tạo điều kiện để các chị em yêu thích may được học miễn phí các bài hướng dẫn may từ cơ bản đến nâng cao; được hỗ trợ hướng dẫn may ra sản phẩm hoàn thiện; được chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau… Với mục đích “truyền lửa” đam mê may trong cộng đồng, trang YouTube Cắt may mẹ Bống sau gần 2 năm ra đời đã có trên 40,2 ngàn người đăng ký theo dõi (chủ yếu là người Việt Nam yêu thích nghề may); nhóm Facebook Dạy cắt may online miễn phí - cắt may mẹ Bống đã có 59,7 ngàn thành viên.

Không dừng lại ở việc lan tỏa niềm đam mê may, cô Lam còn tổ chức game tặng máy may cho những chị em thích may nhưng hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua sắm máy may. Cô Lam cho hay, lúc mới lập nhóm trên Facebook, một thành viên trong nhóm đề nghị tặng lại máy may cũ cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Thấy ý tưởng khá hay nên cô quyết định đăng thông tin tặng máy. Thông tin vừa đăng, có rất nhiều người đăng ký để được tặng máy. Nhu cầu rất nhiều nhưng máy thì có một chiếc, rất khó để quyết định dành tặng chiếc máy đó cho ai nên cô Lam quyết định tổ chức game.

Theo đó, mỗi thành viên tham gia game sẽ may hoàn thiện một sản phẩm bằng tay và chụp hình đăng lên nhóm Facebook Dạy cắt may online miễn phí - cắt may mẹ Bống. Số lượt thích, bình luận, chia sẻ sẽ là cơ sở để chọn ra người thắng cuộc. Hơn 1 năm qua, cô Lam đã tổ chức game và tặng 13 máy (gồm: 12 máy may và 1 máy vắt sổ) cho chị em yêu may vá có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó có máy do thành viên trong nhóm tặng, có máy do cô Lam tự dành tiền để mua tặng giúp cho nhiều thành viên trong nhóm cho điều kiện thực hiện đam mê; đồng thời khuyến khích các thành viên khác tiếp tục cố gắng để theo đuổi đam mê, sở thích của mình.

Nga Sơn


Chị LÊ THỊ PHÚC (H.Bình Chánh, TP.HCM): Tiếp thêm động lực để theo đuổi đam mê

Trong một lần lướt Facebook, tôi đăng ký tham gia vào nhóm Facebook Dạy cắt may online miễn phí - cắt may mẹ Bống và được xem các video clip mẹ Bống hướng dẫn, tôi bắt đầu học vẽ rập và tự cắt may. Những chỗ nào khó hiểu tôi nhắn hỏi và được mẹ Bống hướng dẫn rất tỉ mỉ, tận tình. Từ chỗ chỉ biết may cơ bản, nay tôi đã có thể may được quần áo, đầm váy cho bản thân, các con và những người xung quanh. Với những thành quả ban đầu, tôi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê.

VŨ BÙI HOÀNG NHI (học nghề tại Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonasezi): Nỗ lực gắn bó với nghề may

Sau khi tốt nghiệp THCS, em không có điều kiện để học THPT nên lựa chọn hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa. Gần 2 năm học tại Khoa Kỹ thuật công nghệ cũng là khoảng thời gian em được học với cô Lam. 2 năm không phải là dài nhưng cũng đủ để em cảm nhận được cô Lam là giảng viên yêu nghề và rất kỹ tính - một phẩm chất rất cần có ở một người gắn bó với nghề may. Đó cũng là điều mà em học được ở cô.        

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều