Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiện "chốt" hàng online

09:03, 19/03/2022

Hiện nay, mua sắm online ngày càng phát triển, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể đặt mua đủ loại mặt hàng từ cao cấp đến bình dân.

Các trang mạng bán hàng online thường đưa ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Phương Liễu
Các trang mạng bán hàng online thường đưa ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Phương Liễu

Hiện nay, mua sắm online ngày càng phát triển, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể đặt mua đủ loại mặt hàng từ cao cấp đến bình dân.

Tiện ích của mua sắm online là tiện dụng, đa dạng, nhiều khuyến mãi hấp dẫn, dễ mua nên không ít người tiêu dùng dễ sa đà “chốt” hàng quá tay, dẫn đến đến lãng phí, vượt khả năng chi tiêu tài chính.

* “Chốt” hàng quá tay...

Để đẩy mạnh kênh bán hàng online, nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội (MXH), các sàn thương mại điện tử. Do đó, mỗi khi lướt MXH hoặc đọc thông tin trên máy tính, điện thoại, lập tức nhiều mặt hàng bán online giảm giá, khuyến mãi xuất hiện khiến người dùng phải chú ý. Đặc biệt, khi người dùng quan tâm một sản phẩm hoặc một loại hàng hóa nào đó thì ngay lập tức, các trang MXH thường xuyên đưa ra hàng loạt sản phẩm, mặt hàng có kiểu dáng, công dụng tương đương hấp dẫn người tiêu dùng mua hàng.

Theo Cục Quản lý thị trường, các trang bán hàng online đang nở rộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua bán hàng hóa thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng này rất khó khăn. Bởi người bán hàng thường ở một nơi và hàng hóa được để nơi khác nên hầu như lực lượng chức năng khó tiếp cận; nhất là giao dịch đều thực hiện qua MXH, không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng nên không có căn cứ để xử lý. Do đó, khi mua hàng online, người tiêu dùng cần chọn mua ở những trang mạng bán hàng có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng.

Dù tủ giày dép, quần áo, giỏ xách đã chật kín nhưng mỗi khi thấy shop thời trang, giày dép quảng cáo giảm giá là chị T.N.N. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) lại “chốt” hàng. Thậm chí có lần thấy kiểu đầm mình thích những 3 màu: đỏ, kem và nâu, do không biết chọn màu nào nên chị “chốt” luôn cả 3 chiếc. Đặc biệt, từ khi nhiều shop cho kiểm hàng trước khi thanh toán, chị N. mua sắm càng nhiều với tâm lý “thích thì chốt, không được thì trả lại hàng” nhưng phần lớn hàng giao về chị đều nhận hết.

“Mỗi ngày lướt điện thoại, tôi lại mua hàng online. Lúc mua, mỗi món chỉ vài trăm ngàn đồng nên không đắn đo, nhưng khi hàng về, tôi phải trả số tiền lên đến vài triệu đồng, gần cả nửa tháng lương, trong đó có những món hàng mua về mấy tháng mà vẫn... xếp cất vì không dùng đến. Tự nhủ nhiều lần là bớt mua lại, nhưng rồi vẫn không bỏ được cái tật “chốt” hàng quá tay” - chị N. chia sẻ.

Không mê thời trang nhưng bà N.N.L. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) rất mê đồ gia dụng, sinh hoạt gia đình, đặc biệt là đồ dùng trong nhà bếp.

Mới đây, khi lướt Facebook, thấy một trang MXH bán hàng Nhật đồng giá 69 ngàn đồng/món bà đã bị “hút” vào gian hàng này gần một buổi và cuối cùng mua đến... 18 món gồm: bộ thau rổ nhựa, bộ dao, bộ kéo, cây lau nhà, chảo đá, nước xả, bàn chải đánh răng, sữa tắm, kem tẩy tế bào chết...

Mấy ngày sau khi shipper giao đến 2 thùng hàng to, bà L. mới thấy mình đã “chốt” hàng quá nhiều, trong đó có những thứ chưa dùng đến như: bộ dao, kéo khi trong nhà đang có cả chục con dao lớn nhỏ, vài ba cái kéo đủ kích cỡ.

Theo kinh nghiệm của một số người “nghiện” mua hàng online, người tiêu dùng online dễ bị cuốn vào 3 “chiêu” sau: tâm lý ham rẻ, miễn phí giao hàng (freeship) và cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán... khiến người mua chủ quan “lấy về không ưng thì trả lại hàng” rồi  thẳng tay “chốt” hàng.

Bà N.K.A. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nhiều năm bán hàng online “bật mí”, chiêu dùng giá với đuôi số 9 khiến nhiều người “say nắng” với việc mua hàng online. Thay vì giá 50 hoặc 100 ngàn đồng, nhưng người bán chỉ để giá 49 và 99 ngàn đồng... nhằm dễ gây cảm giác giá rẻ, dù chỉ là rẻ hơn... 1 ngàn đồng, không đáng kể. Kế đến là freeship khi mua từ 2-3 sản phẩm. Thay vì mua 1 món hàng hết 200 ngàn đồng và tốn 30 ngàn phí ship, nhưng để được miễn tiền ship 30 ngàn đồng thì người mua lại phải bỏ ra 600 ngàn đồng... Và thời gian gần đây, nhiều shop bán hàng online đã cam kết cho khách kiểm tra hàng trước khi thanh toán, thích thì lấy, không ưng thì trả lại mà không tốn phí... càng khiến các “thánh” nghiện hàng online siêng “chốt” hàng hơn.

* Hãy làm người tiêu dùng thông minh

Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều người, nhiều gia đình thu nhập giảm sút, kinh tế khó khăn... thì cách tiêu xài thông minh trước sức hấp dẫn của thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú chính là ý thức của mỗi người khi “chốt” hàng online.

“Nghiện” mua hàng online nên nhiều quần áo chị T.N.N. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) mua về nhưng không dùng đến. Ảnh: Phương Liễu
“Nghiện” mua hàng online nên nhiều quần áo chị T.N.N. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) mua về nhưng không dùng đến. Ảnh: Phương Liễu

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chia sẻ, trong điều kiện dịch bệnh nhưng nhu cầu tiêu dùng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình vẫn hiện hữu. Vì thế, việc đi chợ trực tiếp hay trực tuyến đều là những hoạt động bình thường và cần thiết. Chuyện “chốt” hàng chỉ thực sự gây phiền toái cho bản thân và gia đình khi người mua hàng không tính đến sự hữu dụng của nó, mà chỉ mua sắm vì... thích.

Một thực tế cho thấy, vì “nghiện” mua sắm online nên nhiều người có xu hướng mua những thứ mình thích chứ không hẳn những thứ cần thiết. Sau một hồi dạo chợ, không mua thấy thiếu thiếu nên phải “chốt” một thứ gì đó để thỏa mãn sở thích nhất thời. Chẳng hạn đặt rất nhiều đồ ăn khi nhà chuẩn bị có khách, đặt mua nhiều trang phục, vật dụng cho một chuyến đi chơi nhưng lại không có điều kiện dùng đến, hay thích mua đồ dùng nhà bếp thật đầy đủ nhưng chẳng mấy khi vào bếp nấu nướng...

Để tránh “chốt” hàng quá tay gây lãng phí tiền bạc, theo khuyến cáo của ông Phạm Gia Hải, người tiêu dùng chỉ thực hiện giao dịch khi bản thân, gia đình thực sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm, cân nhắc kỹ trước khi “chốt” đơn hàng cũng như lưu ý khi đặt số lượng. Không nên mua những loại hàng khi ở nhà đã có sản phẩm tương tự, đặc biệt là thực phẩm không nên mua số lượng nhiều vì để lâu hoàn toàn không tốt.

Để hạn chế tình trạng “chốt” hàng quá tay vì thích, người tiêu dùng khi mua những thứ hàng ngoài nhu cầu cấp thiết cơ bản hằng ngày như thực phẩm, thuốc men thì nên tự trả lời các câu hỏi đại loại như: mua món hàng này để làm gì, tần suất sử dụng sản phẩm này như thế nào, tiền chi mua sản phẩm này lấy từ khoản nào, có ảnh hưởng đến những nhu cầu cần thiết khác không...

Cũng theo ông Hải, nhất là các chị em phụ nữ lâu lâu dành thời gian sắp xếp, thu soạn lại đồ đạc để biết nhà mình còn những đồ dùng nào, sản phẩm nào chưa dùng đến... để tránh tình trạng “chốt” hàng mà không biết nhà mình vẫn đang có thứ sản phẩm ấy. Việc này sẽ giúp tránh lãng phí tiền bạc và làm cho nhà cửa của mình thêm chật chội bởi phải chứa những món đồ mua vì... “nghiện”.

Một số lưu ý khi mua hàng online

Ông PHẠM GIA HẢI, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo khi mua hàng online cần chú ý chọn mua sắm ở những trang thương mại điện tử có uy tín; không nên quá tin vào hình ảnh minh họa sản phẩm quảng cáo; cảnh giác với những món hàng được chào bán với giá quá rẻ so với giá trị thật; không nên chuyển số tiền lớn khi chưa nhận hàng; lưu lại hóa đơn, mã xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán và đặc biệt là không cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch để tránh bị lừa đảo.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Cung cấp dịch vụ seo audit hiệu quả
Gói Data Viettel tại vietteldata.vn