Ngọc Khánh là một cô giáo suốt đời tận tụy với văn chương, bằng một tình yêu dường như vô điều kiện. Chị viết say mê, bền bỉ, nhưng chưa có một tập sách của riêng mình...
Ngọc Khánh là một cô giáo suốt đời tận tụy với văn chương, bằng một tình yêu dường như vô điều kiện. Chị viết say mê, bền bỉ, nhưng chưa có một tập sách của riêng mình...
* Miền quê gắn bó
Nhiều năm trước, tôi đã đọc một bài bút ký hết sức xúc động, mà chưa từng biết đến tác giả - cô giáo Ngọc Khánh (tên thật Nguyễn Thị Khánh, sinh năm 1956). Bút ký viết về những năm tháng khốn khó của gia đình chị trong thời bao cấp, và câu chuyện chị và anh em mình lớn lên, trưởng thành, chọn cho mình những công việc lương thiện như thế nào. Chị đã chọn nghề giáo, về dạy Văn ở Nhơn Trạch khi ấy còn nghèo nàn, heo hút. Chị tìm thấy động lực nhờ đọc tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi ấn tượng mạnh với bài bút ký đó, nên thường đón đọc sáng tác của chị, và luôn cảm thấy tâm hồn thư thái hơn khi được trò chuyện với tác phẩm của chị.
Ngọc Khánh là một nhà văn đặc biệt, chị thường chỉ viết về những gì gắn bó với cuộc sống và công việc của mình, không hề hư cấu. Những bước chân cha mẹ, ông bà của chị cũng mang những dấu ấn của lịch sử, họ là những người từ miền Bắc (tỉnh Vĩnh Phúc) vào Nam, mang theo ước mơ về một cuộc đời tươi sáng hơn. Song đó cũng là sự lưu lạc của những người con đất Việt, phải đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mong đến ngày hòa bình thống nhất để ổn định cuộc sống, rồi vươn lên không ngừng để xây dựng những giá trị mới cho bản thân và xã hội. Đó là những câu chuyện mang cảm hứng tích cực của những con người biết yêu thương và chấp nhận, như đoạn trích bài ký Cuộc sống miền quê:
“Cả nhà dồn công sức cho mấy công ruộng bên sông. Cấy lúa trên loại đất này phải theo con nước thủy triều. Nước rút thì chọc lỗ để cấy mạ xuống. Cấy xong phải lo đi giặm vì những con cáy mai đỏ bò khắp mặt ruộng, có thể cắp cây mạ ra khỏi lỗ cấy. Cấy vào tháng sáu âm lịch, gặt vào tháng Chạp. Người làng thường làm đổi công cho nhau. Mỗi lần sang ruộng thăm lúa rủ nhau đi bắt ba nha, cáy, cua, chem chép thật vui. Mùa cấy mùa gặt, từng đoàn thuyền nối nhau trên sông nhộn nhịp. Những đêm trăng sáng, không gian thoáng đãng, xe bò lọc cọc trên đường làng, mùi rơm rạ tỏa nồng theo gió. Cuộc sống thanh đạm, bình yên”.
Thời kỳ “đêm trước đổi mới”, nhiều người bỏ Nhơn Trạch mà đi, riêng gia đình Ngọc Khánh vẫn gắn bó với miền quê ấy. Chị viết về tình yêu của anh chị mình thật cảm động:
“Nhân duyên se định anh lấy một người vợ miền Nam trong xã Phú Hội. Chị cũng con nhà nông... Chị dâu hiền lành, siêng năng. Sớm mai thức dậy đốt đèn dầu khơi bếp rơm nấu cơm đem sang đồng. Quang gánh kĩu kịt trên đường xa. Áo quần ướt sũng lúc lội rạch đẩy xuồng. Bàn tay nhanh nhẹn rải thức ăn trên sân cho bầy gà, ngan ngỗng. Thỉnh thoảng mẹ tôi nhìn chị, bùi ngùi đọc câu ca dao: “Một ngày hai bữa cơm đèn. Lấy gì má thắm răng đen hỡi chàng!”.
Khoảnh khắc hạnh phúc của anh chị có lẽ là những đêm trời quang, mây tạnh. Ánh trăng tỏa trên sân gạch. Anh ôm đàn ngồi hát cho chị nghe... Giọng hát trầm ấm của anh chất chứa bao nỗi niềm tâm sự. Còn lời bài hát gợi cho chị bao nhiêu việc phải làm!”.
“Chuyện đời tự kể” của Ngọc Khánh luôn tìm đến những niềm vui giản dị, nhưng cũng là những điều thiêng liêng, quý giá đối với đời người. Bút ký của chị phần lớn nói lên niềm tin tưởng, tự hào dành cho gia đình, quê hương mình. Qua những ngả đường Nhơn Trạch, Sắc màu xe bus, Sông quê, Mùa nở hoa... là những bút ký rất thú vị về Nhơn Trạch, giúp người đọc hình dung ra màu sắc, phong vị, và những đổi thay từng ngày trên miền đất đáng yêu này.
Ai đã đọc nhiều sáng tác của Ngọc Khánh sẽ tự nhiên yêu luôn mảnh đất Nhơn Trạch, sẽ thấy đó là mảnh đất đáng sống, qua tình cảm thuần khiết và qua thái độ sống và viết của chị.
* Trong trẻo văn chương
Ngọc Khánh không chỉ có bút ký, chị đã có nhiều bài thơ giàu cảm xúc, mang ánh sáng trong trẻo của văn chương. Dường như cuộc sống và thơ văn của chị đồng nhất với nhau, khi chị mang đến cho học trò tình yêu văn chương; đồng thời chị tự mình viết nên những câu văn, những vần thơ chân chất, mộc mạc nhưng sâu sắc, thấm đượm tình người.
Ngọc Khánh có một giọng bút ký riêng, không lẫn vào đâu được nhờ sự khoan thai, kỹ càng trong mọi chi tiết và câu chữ, nhờ những câu chuyện rất thật giúp con người tin tưởng hơn vào cuộc đời. Thơ của chị thăng hoa hơn, lãng mạn hơn khi chị thấu cảm gần như hoàn toàn với những người phụ nữ. Nét đẹp của thơ Ngọc Khánh là ở sự dịu dàng của nữ tính, là cuộc sống lao động, là tình yêu thương dành cho tha nhân. Hạnh phúc đối với chị là mong muốn bình an, là nhịp sống êm đềm và sự sẻ chia, tận hiến. Người đọc có thể “phát hiện” ra một nghịch lý là hầu như không thể tìm thấy trong tác phẩm của chị những mâu thuẫn đời sống, những góc khuất của tâm hồn, sự tranh chấp giữa tốt - xấu, thiện - ác...
Yêu thương giúp chị chủ động kết nối với những điều mới mẻ trong cuộc sống, chị viết về học trò của mình một cách tự hào:
“Tôi mỉm cười một mình. Vậy là lại thêm một học trò cũ miền quê sắp trở thành công dân toàn cầu... Mới tuần trước, Facebook của tôi hiện lên thêm những gương mặt thành đạt. Một ảnh chụp ngày nhận bằng thạc sĩ công nghệ thông tin với dòng ghi chú “Ngày thành công của em, 13-5, gần College Station, Hoa Kỳ”. Một hình cười tươi ở George Bush Intercontinental Airport với một dòng tự hào: “Cô có nhìn thấy em trong nhóm bạn bè quốc tế không? Chàng trai Việt đâu có thua gì mấy bạn Tây phải không cô?”.
Ấn tượng nhất là Hương, một học trò cũ, khoe một tấm ảnh chụp đang ngồi trên một phòng tầng cao của Willis Tower, Chicago. Căn phòng ấy chung quanh toàn là kính, nên nhìn ra chung quanh thấy toàn cảnh cả một thành phố lớn hiện đại. Tôi viết một lời bình: “Ngồi trên cao như vậy ngắm được cả thế giới. Chúc em vững vàng lên cao nữa”.
Lời chị bộc bạch khiến chúng ta thêm yêu những mái trường xưa: “Thời tôi ở độ tuổi em, những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, vùng đất Nhơn Trạch này còn cơ cực, chưa mang diện mạo một đô thị tương lai như bây giờ. Chưa có những khu công nghiệp rộng lớn với những công ty xí nghiệp do nước ngoài đến đầu tư. Chưa có những con đường rộng thênh thang. Chưa có nhịp sống tấp nập, hối hả. Chưa có cả ánh điện sáng tưng bừng. Tôi vừa là một giáo viên, vừa là một nông dân...”.
Gắn bó suốt đời với nghiệp Văn, Ngọc Khánh luôn khiêm nhường, lặng lẽ. Hôm nay chị đã chia tay với nghề giáo, vui với những điều đã làm được; nhưng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp, học trò của chị luôn mong chị tìm thêm được nhiều niềm vui trong sáng tác thơ văn.
Trần Thu Hằng
CHÙM THƠ NGỌC KHÁNH
Thêm một mùa Xuân
Rằm tháng Giêng,
Nhớ ngày đôi ta hò hẹn
Mái tóc anh bồng bềnh sóng biển
Môi em ngọt thơm hoa trái quê nhà.
Trăng tỏa ánh vàng xa,
Chúng ta gần nhau hạnh phúc
Quên đi những tháng ngày xa cách,
Vòng tay ôm ghì chặt cả thời gian.
Nhớ một bài thơ Xuân,
Người phụ nữ Trung Hoa lên lầu ngậm ngùi “Khuê oán”*,
Hối tiếc đã giục chồng xông ra chiến trận,
Vinh hoa phù du, mòn mỏi xuân thì.
Bao mùa Xuân qua đi,
Người phụ nữ Việt Nam vẫn nặng tình chung thủy,
Khi người chồng lên đường vì chính nghĩa,
Trừ diệt ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền.
Sóng biển Đông,
Bao lần dâng cao căm hận,
Chứng kiến những chiếc tàu gây hấn,
Điên cuồng phá vỡ biển bình yên.
Thêm một mùa Xuân,
Thêm người phụ nữ phương xa nào lên lầu ngóng trông khắc khoải?*,
Nhìn sắc xanh dương liễu bên đường chờ đợi,
Nỗi oán sầu đau đớn tận tâm can!
Thêm một mùa Xuân,
Em và anh lại sống trong nỗi nhớ,
Nhưng dù vầng trăng nguyên tiêu có xẻ đôi hai nửa.
Ta vẫn một lòng giữ trọn đất quê hương.
Hoa giấy
Giữa nắng vàng ánh ngời lên sắc đỏ
Tưởng không gian cũng nồng cháy theo hoa
Cây cằn cỗi bỗng dưng bừng sức trẻ
Bừng niềm vui theo đột biến sắc hoa
Nở tung hết những sắc màu rực rỡ
Dẫu rất bình thường không vẻ đẹp kiêu sa
Vẫn cứ muốn hiến dâng đời tất cả
Hoa giống như những người tốt quanh ta.