Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng hàm lượng chuyển đổi số trong ngành thương mại, dịch vụ

09:02, 19/02/2022

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã mang đến nhiều tác động bất lợi đối với nền kinh tế, song không làm suy giảm động lực phát triển kinh tế số, thậm chí còn đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số diễn ra nhanh trong hoạt động thương mại, dịch vụ như một xu hướng tất yếu trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi.

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã mang đến nhiều tác động bất lợi đối với nền kinh tế, song không làm suy giảm động lực phát triển kinh tế số, thậm chí còn đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số diễn ra nhanh trong hoạt động thương mại, dịch vụ như một xu hướng tất yếu trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi.

Lãnh đạo tỉnh tham quan khu vực trải nghiệm thực tế sóng 5G của Viettel tại Viettel Đồng Nai
Lãnh đạo tỉnh tham quan khu vực trải nghiệm thực tế sóng 5G của Viettel tại Viettel Đồng Nai

Trên thực tế, về mức độ, hàm lượng chuyển đổi số ở các địa phương như Đồng Nai ngày càng được nâng cao trong những năm qua. Để phát triển bền vững, quá trình chuyển đổi số này là “chuyện không của riêng ai” trong bối cảnh xu hướng về tiêu dùng, trải nghiệm dịch vụ của người dân ngày càng tăng cao, hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển…

* Hạ tầng công nghệ chưa “bắt kịp”

Một trong những yếu tố then chốt để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ đó là hạ tầng về công nghệ, thông tin. Đây chính là điều kiện cần để các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa…

Vào cuối tháng 12-2021, Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức được ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trải nghiệm dịch vụ, các doanh nghiệp có thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm… Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của sàn này vẫn cần có sự kết nối giữa các nền tảng công nghệ về đặt hàng, vận chuyển, logistics, thanh toán trực tuyến…

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Bộ Công thương) nhấn mạnh, để bắt kịp xu hướng phát triển về thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử của địa phương như ecdn.vn cần xây dựng kế hoạch mở rộng triển khai ứng dụng trên thiết bị cầm tay như: điện thoại thông minh, máy tính bảng… để việc mua bán trên sàn được dễ dàng hơn, nhất là khi giới trẻ - những người thường xuyên đặt hàng trực tuyến đa phần sử dụng điện thoại thông minh…

Hay đối với các loại hình dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, trên thực tế, cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được đầu tư nhiều hơn, từ siêu thị, nhà hàng, các trang mua sắm điện tử… đều đầu tư cho việc khuyến khích người dùng hạn chế tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ như: máy POS, ví điện tử, thẻ tín dụng…

Để người dân quan tâm nhiều hơn đến các hình thức thanh toán không tiền mặt, ngân hàng trực tuyến, các ngân hàng và các tổ chức, công ty thanh toán trực tuyến cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử với sự kết nối, tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực trong hoạt động thương mại, dịch vụ để khách hàng có thể đa dạng hóa các kênh giao dịch thanh toán trực tuyến, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công một cách thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích… để tạo động lực thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh tiếp tục chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an toàn kho quỹ, tài sản, đáp ứng đủ lượng và cơ cấu các loại tiền cho lưu thông và ATM; tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh toán thẻ qua POS.

Trong thời gian qua, nhiều trải nghiệm về dịch vụ công nghệ, dịch vụ viễn thông mới đã được giới thiệu, thí điểm và triển khai trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần từng bước phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ của Đồng Nai.

Vào cuối năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức lễ khai trương dịch vụ 5G tại Đồng Nai, góp phần giúp Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước bắt đầu triển khai “sóng” 5G. Hiện người dân địa phương có thể sử dụng 5G miễn phí tại các khu vực xung quanh UBND tỉnh, Ban chỉ huy quân sự TP.Long Khánh và trụ sở Viettel Đồng Nai. Việc xây dựng mạng 5G này sẽ góp phần giúp địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi số được hiệu quả hơn, toàn diện hơn.

* Chuyển đổi số: Chưa dành cho tất cả?

Bài toán về ứng dụng công nghệ là giải pháp để ngành dịch vụ, thương mại vững vàng hơn trước những rủi ro về thị trường, dịch bệnh. Cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ của các loại hình bán lẻ hiện đại, các kênh bán lẻ truyền thống cũng cần có những thay đổi để giữ vững sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để có thể chuyển mình, thích nghi với công nghệ và sự thay đổi của thị trường, người tiêu dùng, đó không phải là chuyện một sớm một chiều.

Nhân viên Ngân hàng VietinBank chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số của VietinBank
Nhân viên Ngân hàng VietinBank chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số của VietinBank

Việc ứng dụng về công nghệ, triển khai các nền tảng số vẫn còn có sự “lệch pha” giữa thế hệ trẻ với người lớn tuổi, giữa các đô thị lớn và các vùng nông thôn, giữa mô hình bán lẻ hiện đại với các loại hình kinh doanh truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ… Ngoài ra, nhiều loại hình dịch vụ có đặc thù tương tác trực tiếp cao như: phòng tập gym, yoga, các dịch vụ đào tạo trực tiếp… cũng không dễ “chuyển đổi số”.

Ông Thanh Tùng, chủ tiệm tạp hóa ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, tiệm bán lẻ truyền thống của ông gắn chặt với hình thức bán buôn lâu đời, quen thuộc ở khu vực dân cư xung quanh. Hiện các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang xuất hiện ngày càng nhiều, tạo thành áp lực mới trong cuộc cạnh tranh của bán lẻ hiện đại. Không chỉ gây ấn tượng bởi mặt bằng đẹp mắt mà các cửa hàng này còn tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như: đi chợ online, mua hàng qua ứng dụng, giao nhanh miễn phí... Mặc dù gặp khó khăn bởi áp lực cạnh tranh lớn nhưng các cửa hàng truyền thống như ông Tùng chưa tìm ra được hướng “chuyển mình” thích hợp.

Tương tự, bà Hoàng Châu, chủ một quán ăn uống ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho hay, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nói chung. Do vậy, người con trẻ rành công nghệ của bà đã đăng ký giúp bà một định danh tài khoản trên các ứng dụng giao đồ ăn online như Shopee Food, Baemin để bán hàng trong thời gian dịch bệnh bùng phát làm gián đoạn hoạt động nhiều lần. Trong khó khăn, những giải pháp số hóa đã phát huy một số tiện ích, giúp nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cầm cự làm ăn, thông qua đó bán được hàng đến tay khách.

“Giải pháp bán hàng online chỉ là tạm thời khi có các con nghỉ dịch ở nhà hỗ trợ. Hiện tại, các con của tôi đã trở lại với công việc riêng, không thể trực điện thoại 24/7 để giúp tôi nhận đơn, giao hàng, tương tác với khách hàng online được. Nhìn chung, những người lớn tuổi như tôi khó tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ phức tạp trên điện thoại. Để chuyển đổi hiệu quả, cần phải có thời gian nhất định bởi việc vận hành bán hàng đa kênh không phải muốn là có thể thực hiện được ngay” - bà Châu chia sẻ.

Ngoài ra, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng cũng tác động tới quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là sau những biến động do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 như trong thời gian qua. Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) chia sẻ, bên cạnh các hình thức bán hàng trực tiếp, trong hơn 1 năm qua, siêu thị ngày càng chú trọng phát triển các nền tảng đặt hàng, bán hàng trực tuyến.

Hải Hà

Tin xem nhiều