Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết, mang về những yêu thương

02:01, 22/01/2022

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau 2 tuần phát hành, bài hát Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu có đến trên 41 triệu người xem, nằm trong tốp bài hát thịnh hành, tạo được dấu ấn trong đời sống âm nhạc Việt Nam cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau 2 tuần phát hành, bài hát Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu có đến trên 41 triệu người xem, nằm trong tốp bài hát thịnh hành, tạo được dấu ấn trong đời sống âm nhạc Việt Nam cuối năm 2021, đầu năm 2022. Từ trên các trang mạng xã hội, cho đến ngoài đời thường, từ em nhỏ cho đến những người trưởng thành đều nhớ đến giai điệu và bàn luận về ý tứ của bài hát.

Chị Phạm Thị Huyền (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM, quê ở xã Phú Ngọc, H.Định Quán) sửa soạn quà tết biếu người thân, bạn bè. Ảnh: L.Viên
Chị Phạm Thị Huyền (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM, quê ở xã Phú Ngọc, H.Định Quán) sửa soạn quà tết biếu người thân, bạn bè. Ảnh: L.Viên

Dù cho xung quanh nội dung bài hát còn có những ý kiến phản biện khác nhau nhưng thông qua bài hát, những người trẻ thêm cơ hội bày tỏ mong muốn và suy nghĩ của mình đối với cha mẹ và gia đình, nhất là trong những ngày Tết đến - Xuân về.

* Mang tiền hay mang tình?

Ngoài giai điệu dễ nghe, hiện đại, lời bài hát còn chạm vào cảm xúc, khơi gợi cho người nghe nhiều suy tư về cuộc sống của mỗi người... Ban đầu, Mang tiền về cho mẹ có thể là câu chuyện tâm tình của cá nhân tác giả Đen Vâu, nhưng một khi nó được sự yêu thích, cộng hưởng chung của nhiều người cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh thì bài hát trở nên nổi tiếng trọng cộng đồng, như đại diện cho tâm trạng, suy nghĩ của nhiều người.

Đó là tiếng lòng, mong mỏi của những người con muốn mang về cho mẹ những đồng tiền tốt - chứ không phải “tiền tệ”. Mang tiền về cho mẹ còn như là động lực thôi thúc những người con lao động hăng say, chăm chỉ. Tiền là biểu hiện cụ thể về sự thành đạt của người con nên “mang tiền về cho mẹ” thực sự là niềm vui lẫn tự hào của cả người trao lẫn người nhận. Đối với chị Phạm Thị Huyền (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM, quê ở xã Phú Ngọc, H.Định Quán) suốt quãng thời gian gần 20 năm đi học, đi làm tại TP.HCM, gia đình, cha mẹ ở quê luôn là động lực để chị phấn đấu.

MV Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu thu hút hàng chục triệu người xem trong 2 tuần. Ảnh: Cắt từ YouTube
MV Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu thu hút hàng chục triệu người xem trong 2 tuần. Ảnh: Cắt từ YouTube

Theo quan điểm của chị Huyền: “Mang tiền về cho mẹ là chuyện bình thường. Trước khi có thể làm gì cao xa hơn như: tặng cho mẹ một món quà mẹ thích, mời mẹ đi du lịch, thì cách đơn giản nhất là có thể tặng tiền. Ở đây, không phải là đặt nặng vấn đề vật chất mà việc mang tiền về cho mẹ còn thể hiện được việc người con đã tự lập, đã đi làm và tự lo cho bản thân mình và “con có thể biếu mẹ và mẹ có thể yên tâm, từ giờ không phải lo cho con nữa””.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung bài hát trọng giá trị vật chất, dễ gây tủi thân cho những người vì sự không may mắn nào đó trong bước đường lập thân lập nghiệp mà họ chưa thành đạt, chưa thể mang tiền về cho cha mẹ như những gì họ mong muốn. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở những đồng tiền, mà thiếu đi sự quan tâm thăm hỏi cha mẹ thì việc mang tiền về cho cha mẹ không còn nhiều ý nghĩa vốn có nữa...

“Tôi nghĩ, có tiền biếu cha mẹ đã là điều tốt, và còn quý hơn khi đằng sau đó chính là những giá trị tinh thần, tình cảm như: sự quan tâm, sự sẻ chia gần gũi giữa các thành viên trong gia đình...” - chị Nguyễn Thị Ngân (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Nhiều người tham gia cộng đồng mạng cảm thấy thú vị với những lời chế ăn theo bài hát như: “Mang bầu về cho mẹ”, “Mang bồ về cho mẹ”, “Mang bằng về cho mẹ”… Âu cũng là gửi gắm những dự định, mong mỏi của cha mẹ dành cho con mình…

* Áp lực và tâm tư của người trẻ

Theo thống kê, năm 2021, Đồng Nai có lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc lên đến hơn 1,6 triệu người, trong đó có nhiều lao động từ khắp các vùng miền đến làm việc, mang theo niềm hy vọng, hoài bão của gia đình ở quê.

Xa gia đình vào vùng đất phương Nam lập nghiệp đã hơn 10 năm, chị T.L. (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Cũng như các gia đình khác, tôi biết rằng cha mẹ và gia đình ở quê đều mong các anh chị em chúng tôi lập nghiệp phương xa sẽ thành công. Khi thấy chúng tôi công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, cha mẹ đều an lòng. Đó cũng là động lực để anh chị em chúng tôi, suốt mấy năm qua, dù xa gia đình nhưng vẫn cố gắng học tập và làm việc, hoàn thành nhiệm vụ của mình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mỗi dịp cuối năm, tôi thường tự nhìn lại một năm đã qua, bên cạnh báo tin vui cho cha mẹ về một năm cố gắng, tôi cũng dành một ít quà dành biếu cho cha mẹ vui lòng…”.

Vào mỗi dịp cuối năm, tâm trạng chung của nhiều người con đều chất chứa ít nhiều suy tư. Nếu công việc và cuộc sống phát triển, thuận lợi thì đã là điều may mắn; nhưng ở chiều ngược lại, có khó khăn, trắc trở, gặp những thất bại, họ cần sự chia sẻ, động viên hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, có nhiều người thành công khi rời quê nhà đến những đô thị lớn để học tập rồi tìm kiếm cơ hội việc học, việc làm, thì cũng đồng thời có không ít người phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt về yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực, cạnh tranh trong làm ăn kinh doanh, hay nỗi lo cơm áo gạo tiền… Rõ nhất là trong một năm 2021 nhiều biến động chưa từng có tiền lệ do dịch Covid-19 gây ra, hàng loạt nhà máy, công ty phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, việc làm, thu nhập của người lao động ít nhiều bị ảnh hưởng…

* Trọn vẹn ý nghĩa ngày Tết cổ truyền

“Với những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn các con mình thành công trong công việc và cuộc sống. Nhưng những lúc đường đời có khó khăn, vất vả, cha mẹ và gia đình luôn mở rộng lòng đón các con để chia sẻ, động viên. Vợ chồng chúng tôi thường điện thoại hỏi thăm con cháu, nếu các con cần gì trong khả năng chúng tôi đều sẵn lòng hỗ trợ hoặc đôi khi chúng tôi gọi điện thoại để động viên, an ủi, tiếp thêm tinh thần cho các con...” - bà Trần Chi (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ. Vợ chồng bà có 4 người con, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng với mỗi người con, ông bà đều dành tình cảm như nhau và luôn dõi theo hành trình của các con.

Mỗi năm, câu chuyện về quê hay không về quê luôn là đề tài thời sự của nhiều người lập nghiệp xa quê. Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, nhiều người chọn giải pháp ở lại Đồng Nai đón Tết để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình. Dù không được về quê đón Tết nhưng qua các phương tiện liên lạc hiện đại, chắc chắn nhiều người đều cân đối các khoản chi tiêu ngày Tết để biếu gia đình, thăm hỏi cha mẹ từ xa, chia sẻ với người thân về những kế hoạch, dự định của mình trong năm mới…

Việc mang tiền về cho mẹ không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất cụ thể nữa mà quan trọng hơn, trân quý hơn, đó còn mang trong mình tình cảm, tấm lòng thơm thảo của người con hướng về gia đình thân yêu của mình. Phải chăng, ý nghĩa thiêng liêng đó chính là cách đón Tết cổ truyền của dân tộc một cách trọn vẹn, đủ đầy…

Mỗi gia đình có sự thể hiện sự quan tâm, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ khác nhau, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh. Song tựu trung, đó đều là tấm lòng thơm thảo, kính trọng của những người con đối với cha mẹ mình. “Không đợi đến dịp Tết, lễ mới mang quà về biếu cha mẹ, mà những năm gần đây, anh chị em chúng tôi lập một nguồn quỹ. Mỗi tháng, mỗi quý, chúng tôi sẽ gửi vào quý đó một số tiền tiết kiệm cho cha mẹ dưỡng già” - chị T.L. (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho hay.

Lâm Viên

Tin xem nhiều