Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo vì học trò

11:01, 07/01/2022

Cùng có đam mê, tâm huyết với nghề dạy học và phối hợp ăn ý, cô Lương Thị Hồng Yến và cô Tô Kim Yến (giáo viên môn Toán, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) đã cùng nhau làm nhiều mô hình dạy học, áp dụng có hiệu quả thực tế. Càng bắt tay vào làm việc, 2 cô càng có thêm nhiều ý tưởng mới và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.

Cùng có đam mê, tâm huyết với nghề dạy học và phối hợp ăn ý, cô Lương Thị Hồng Yến và cô Tô Kim Yến (giáo viên môn Toán, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) đã cùng nhau làm nhiều mô hình dạy học, áp dụng có hiệu quả thực tế. Càng bắt tay vào làm việc, 2 cô càng có thêm nhiều ý tưởng mới và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.

Cô Lương Thị Hồng Yến (thứ 2 từ phải sang) và cô Tô Kim Yến (thứ 3 từ phải sang) nhận giải nhất Chương trình 6 năm 2020. Ảnh: Hải Yến
Cô Lương Thị Hồng Yến (thứ 2 từ phải sang) và cô Tô Kim Yến (thứ 3 từ phải sang) nhận giải nhất Chương trình 6 năm 2020. Ảnh: Hải Yến

Trong 7 lần tham gia Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập (Chương trình 6), 2 cô có 3 lần đoạt giải nhất, 4 lần đoạt giải nhì. Mới đây, cô Lương Thị Hồng Yến đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo.

* Say mê sáng tạo

2 cô Hồng Yến và Kim Yến đều đã có hơn 30 năm gắn bó với Trường THCS Trần Hưng Đạo. Yêu nghề dạy học, tâm huyết với học trò, 2 cô luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tìm cách truyền đạt sao cho học sinh dễ hiểu, đồng thời kích thích khả năng tìm tòi, suy luận, sáng tạo của các em.

Vận động để các đồng nghiệp trẻ cùng tham gia

Cô Tô Kim Yến chia sẻ: “Chúng tôi vẫn còn ý tưởng để làm đồ dùng dạy học và mong muốn sáng tạo thêm. Tuy nhiên, điều kiện sức khỏe có phần hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong các đồng nghiệp trẻ sẽ cùng tham gia sân chơi sáng tạo này để tạo thêm nhiều thiết bị, đồ dùng hữu ích, phục vụ quá trình dạy học”.

Để các bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp học trò yêu thích môn học hơn, từ năm 2013, cô Hồng Yến và cô Kim Yến bắt đầu phối hợp với nhau để làm đồ dùng học tập. Vốn đã là những người đồng nghiệp thân thiết, hiểu ý nhau nên 2 cô có nhiều thuận lợi trong quá trình trao đổi ý tưởng, phân chia công việc và cùng nhau hoàn thành sản phẩm.

Cô Hồng Yến cho biết: “Chúng tôi thường tranh thủ gặp nhau vào giờ giải lao ở trường trao đổi ý tưởng. Sau đó, cả 2 cùng nhau đi mua vật liệu, phân chia mỗi người phụ trách một việc, những việc còn lại thì cùng nhau làm”.

Còn theo cô Kim Yến, việc làm đồ dùng dạy học đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Với mỗi đồ dùng dạy học mới, 2 cô đều lên ý tưởng chi tiết rồi thiết kế ra mẫu vật nhỏ, sau đó mới tìm vật tư làm bộ sản phẩm lớn để có thể sử dụng trong thực tế. Các mô hình, sản phẩm đều do 2 cô tự mày mò, tự làm, có khi thức cả đêm để cắt dán thủ công. Có khi sản phẩm làm xong không như mong muốn thì lại bỏ đi làm lại.

“Trước tiên, việc sáng tạo là do nhu cầu của bản thân chúng tôi thấy cần phải làm đồ dùng để giảng dạy tốt hơn, sau đó là do đam mê học hỏi. Chúng tôi có 7 lần tham gia Chương trình 6. Mỗi lần thi là học thêm một chút, mở mang thêm kiến thức, cứ vậy chúng tôi “nắm tay” nhau mà đi” - cô Kim Yến chia sẻ.

Trong 7 lần tham gia Chương trình 6, 2 cô có 3 lần đoạt giải nhất và 4 lần đoạt giải nhì. Với 7 bộ đồ dùng học tập đã sáng tạo nên, 2 cô đã làm lợi cho nhà trường tổng số tiền khoảng 150 triệu đồng.

* Tự học để không bị tụt hậu

Cô Hồng Yến tốt nghiệp loại giỏi Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai năm 1988 và chọn về công tác tại Trường THCS Trần Hưng Đạo. Năm 2004, cô ôn luyện để dự thi hệ đại học chuyên tu và tốt nghiệp đại học năm 2006. Chia sẻ về lý do học tập của mình, cô Hồng Yến cho biết: “Thời điểm đó, việc nâng chuẩn chưa phải là vấn đề được đặt ra đối với giáo viên, tôi đi học thực sự vì đam mê và mơ ước của bản thân, đồng thời cũng muốn nâng cao trình độ chuyên môn”.

Theo cô Hồng Yến, cũng như sự vận động của xã hội, việc dạy học hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Giáo viên không còn gắn với “phấn trắng, bảng đen” với lối dạy truyền thống nữa mà phải năng động, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng nhiều. Về nội dung, học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn.

Góp phần đào tạo nhiều học sinh giỏi

Cô Lương Thị Hồng Yến là giáo viên được tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán. Với những nỗ lực của cá nhân, cô Hồng Yến đã góp phần bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi Toán cho nhà trường. Trong 3 năm trở lại đây, cô bồi dưỡng được 4 học sinh giỏi cấp thành phố, 20 học sinh giỏi cấp tỉnh, 7 giải trong kỳ thi toán Amo Hoa Kỳ cấp quốc gia.

Việc trải nghiệm, thực hành sẽ kích thích khả năng sáng tạo của học sinh. Vì vậy, trong quá trình dạy học, cô Hồng Yến rất chú trọng các bài thực hành. Cô luôn chuẩn bị kỹ dụng cụ, tổ chức chu đáo các tiết thực hành để học sinh có thể thực hiện ngay tại lớp học. Cùng với đó, cô cũng dạy học theo chủ đề STEM, thực hành ngoài trời, giúp học sinh được trải nghiệm thực tế nhằm phát huy khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Đối với ứng dụng CNTT, cô Hồng Yến thường sử dụng các phần mềm dạy học toán như: Sketchpad, Mathtype toán học, Imindmap V4, ActivInspire, sử dụng thiết bị tiên tiến, sử dụng phần mềm sách giáo khoa điện tử… Đồng thời, cô đổi mới hình thức và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.

“Bí quyết để dạy tốt là bản thân giáo viên phải có niềm đam mê đối với nghề. Tự bản thân phải trang bị kiến thức CNTT cho bản thân. Có như vậy thì mới đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay, nếu không thì sẽ bị tụt hậu”- cô Hồng Yến tâm sự.

Hải Yến

Tin xem nhiều