Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân và hình thành các thành phố thông minh, việc ưu tiên thu hút các dự án khu đô thị thông minh là xu hướng tất yếu.
Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân và hình thành các thành phố thông minh, việc ưu tiên thu hút các dự án khu đô thị thông minh là xu hướng tất yếu.
Một góc mô hình khu đô thị Aqua City TP.Biên Hòa |
* Xu thế tất yếu
Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, Đồng Nai đang đẩy mạnh xây dựng và hình thành các thành phố thông minh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đồng hành với chủ trương, dự án của chính quyền, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tỏ ý quan tâm và đề xuất được xây dựng mô hình đô thị thông minh tại những khu vực đang triển khai các dự án lớn.
Giữa tháng 8-2020, Công ty TNHH TP.Amata Long Thành chính thức đề xuất thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng khu đô thị TP.Amata Long Thành lên UBND tỉnh. Khu đô thị TP.Amata Long Thành nằm trong khu vực quy hoạch chung thuộc khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành có diện tích hơn 750ha.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong năm 2020 những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường. Không những vậy, những dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hóa được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội. |
Theo đại diện Công ty TNHH TP.Amata Long Thành, trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn đã bám theo định hướng phát triển một khu đô thị thông minh theo mô hình của TP.Yokohama (Nhật Bản). “Hiện nay đang là bước xây dựng nền tảng của khu đô thị thông minh. Sau khi hình thành, đơn vị sẽ thực hiện các bước tiếp theo, đưa vào sử dụng các hệ thống quản lý thông minh như: quản lý giao thông, rác thải, năng lượng… thông minh. Quỹ đất đã được quy hoạch sẵn để bổ sung thêm các chức năng của một đô thị thông minh trong đồ án quy hoạch” - đại diện Công ty TNHH TP.Amata Long Thành cho biết.
Trước đó, vào cuối năm 2019, dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland với quy mô rộng lớn lên đến hơn 600ha theo mô hình đô thị thông minh cũng được giới thiệu với các nhà đầu tư. Dự án này được bao bọc bởi cả một hệ thống sông lớn như Đồng Nai, sông Buông và được phát triển theo mô hình đô thị sinh thái thông minh đáp ứng nhu cầu sống xanh chất lượng. Tập đoàn Novaland cam kết dành hơn 70% diện tích để phát triển mảng xanh và các tiện ích nội khu đồng thời sử dụng yếu tố công nghệ trong nhiều hạng mục tại Aqua City như: pin năng lượng mặt trời vào các tiện ích công cộng, hệ thống gom rác thải phân loại tại nguồn, camera nhận diện người lạ…
Trên thực tế, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ, việc đầu tư xây dựng các khu đô thị thông minh cũng đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
* Tiêu chí số 1 để thu hút đầu tư
Xây dựng thành phố thông minh đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các đô thị trên thế giới. Thành phố thông minh là tương lai mô hình của các đô thị trên thế giới, đóng vai trò nâng cao chất lượng đô thị, giới hạn các tiêu chuẩn của đô thị hiện nhằm giúp các thành phố trở nên đáng sống hơn.
Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới phát triển bền vững.
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh IOC Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng |
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-2018. Cùng với đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2020 đã đặt ra mục tiêu là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tính đến nay, trên cả nước có gần 40 địa phương đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh.
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đang giao các tập đoàn thí điểm xây dựng Trung tâm Điều hành thành phố thông minh (IOC) tại UBND tỉnh, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Tin học tỉnh cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, đô thị thông minh là con đường duy nhất để phát triển đô thị bền vững và cho người dân, doanh nghiệp có môi trường được thụ hưởng những giá trị và tiện ích tốt nhất.
Để xây dựng thành công các thành phố thông minh, việc thu hút, ưu tiên cho các dự án khu đô thị thông minh là “mảnh ghép” không thể thiếu. Bởi các khu đô thị thông minh chính là những hạt nhân, module quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh.
Chính vì vậy, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đối với các dự án xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới thì đô thị thông minh phải là tiêu chí số 1 trong thu hút đầu tư. Dự án khu đô thị mới thì phải là đô thị thông minh.
Phạm Tùng