Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng tiêu dùng 'lập' mặt bằng giá mới

09:11, 12/11/2021

Thời gian gần đây, các nhóm mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm đã âm thầm thiết lập giá mới khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn.

Thời gian gần đây, các nhóm mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm đã âm thầm thiết lập giá mới khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn.

Mặc dù đã có các công cụ kinh tế để quản lý giá cả hàng hóa, kiểm soát lạm phát, nhưng tình trạng mặt hàng này tăng giá kéo theo mặt hàng khác cũng tăng theo vẫn diễn ra thường xuyên.

* Hàng hóa đồng loạt tăng giá

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều nhóm mặt hàng từ ăn uống, thời trang, hóa mỹ phẩm đến vật liệu xây dựng, phân bón và thuốc trừ sâu, xăng dầu, gas liên tục tăng giá.

Chị Lê Thị Lan, chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Hoàng (P.Tam Phước, TP.Biên Hoà) cho hay, hơn 1 tháng nay chị nhận được rất nhiều thông báo thay đổi giá, hều hết đều là tăng so với thời điểm trước dịch. Chẳng hạn gói muối i-ốt tăng vài trăm đồng, can dầu ăn loại 5 lít tăng gần 10 ngàn đồng, chai nước tương tăng 3 ngàn đồng, mì ăn liền tăng từ 1-2,5 ngàn đồng/gói tùy loại, một số loại bánh snack tăng từ 1-2 ngàn đồng/bịch…

Tại các siêu thị lớn như: BigC, Co.opmart, Lotte giá các mặt hàng có phần ổn định hơn. Ngoài ra, phía siêu thị cũng thường xuyên áp dụng các đợt giảm giá nhằm thu hút khách.

“Tôi lấy hàng trực tiếp từ nhà sản xuất và qua đại lý cấp 1. Khi có thông báo tăng giá từ đơn vị cung cấp sản phẩm, chúng tôi mới bán tăng. Tạp hóa mà bán đắt hơn siêu thị và cửa hàng tiện lợi thì bán cho ai?” - chị Lan chia sẻ.

Chị Nguyễn Thiên Lý, cửa hàng sữa Như Ý, chợ An Phước (H.Long Thành) cho hay, hầu hết các loại sữa uống liền, sữa bột, bột dinh dưỡng đều tăng khoảng 10 ngàn đồng/thùng hoặc hộp. Nhiều khách hàng tưởng cửa hàng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá đã phản ứng. Cửa hàng giải thích việc tăng giá là từ phía nhà cung cấp nhưng một số khách vẫn không chịu và bỏ đi.

Bà Nguyễn Thị Hóa, tiểu thương bán thịt ở chợ Biên Hòa cho biết, so với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội và trước dịch, giá heo hơi đã giảm khá nhiều nhưng giá thịt tại chợ vẫn cao vì chi phí vận chuyển tăng, tiền bịch ny-lông cũng tăng 4-5 ngàn đồng/kg. “Chợ chưa mở cửa nên không ai quản lý giá cả, chất lượng. Tôi bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, thịt ba rọi có giá 130 ngàn đồng/kg, sườn non 140 ngàn đồng/kg, thịt nạc 100 ngàn đồng/kg. So với lúc dịch bệnh đã giảm được khoảng 20 ngàn đồng/kg” - bà Hóa nói.

Người dân mua hàng tại điểm bán hàng lưu động ở P.Tam Phước, TP.Biên Hòa
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng lưu động ở P.Tam Phước, TP.Biên Hòa

Anh Hùng, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) cho biết, dịch bệnh giá nông sản giảm sâu nhưng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đã tăng gấp 2 lần, phân bón cũng tăng khoảng 30-50% khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo anh Hùng, giá phân, giá thuốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nhà vườn đã chọn cách đặt cọc tiền với cửa hàng hoặc mua trữ kho để tránh tình trạng nay lấy giá này mai lấy giá khác.

Theo ghi nhận, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá so với 4-5 tháng trước. Cá biệt có những mặt hàng tăng đến 200% như: thức ăn chăn nuôi, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng. Nguyên nhân được cho là chi phí vận chuyển (xăng, dầu, test Covid-19) tăng, nguyên liệu đầu vào bị đội giá do chi phí vận chuyển, chi phí nhân công để làm ra sản phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng cao hơn trước.

* Bảo vệ người tiêu dùng

Giá xăng dầu, giá gas tăng liên tục đã kéo theo giá hàng hóa, thực phẩm tăng. Nhiều người tiêu dùng lo ngại, từ nay đến cuối năm giá các loại hàng hóa sẽ tiếp tục tăng nếu các công cụ, chính sách quản lý giá không phát huy được hiệu quả.

Có mặt tại siêu thị BigC Đồng Nai sáng 10-11, ông Hiền, cán bộ hưu trí ngụ P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, ông thường xuyên theo dõi thời sự nên biết giá cả hàng hóa tăng là do nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu, gas. Tuy nhiên hiện nay rất ít doanh nghiệp sử dụng xăng, gas làm nhiên liệu sản xuất mà dùng điện; dùng nguyên liệu trong nước chứ không phải nhập khẩu nhưng vẫn lợi dụng giá xăng, giá gas để tăng giá các mặt hàng. Ông Hiền cho rằng đây là thời điểm các công cụ quản lý giá, cơ quan quản lý thị trường cần bảo vệ người tiêu dùng.

“Tôi thấy có nhiều mặt hàng hở tí tăng giá. Các siêu thị lớn còn đỡ, có các đợt giảm giá, chứ chợ và cửa hàng tạp hóa tăng miết. Sau dịch người dân đã “kiệt quệ”, cộng thêm cái gì cũng tăng giá thì sống sao nổi” - ông Hiền than thở.

Một khách hàng ngụ P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) mua hàng tại siêu thị BigC Đồng Nai
Một khách hàng ngụ P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) mua hàng tại siêu thị BigC Đồng Nai

Đại diện cơ sở sản xuất bún, miến khô P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), như những năm trước cơ sở đã nhận đơn và bắt đầu làm hàng Tết với khối lượng khoảng 500kg các loại/ngày. Nhưng năm nay, chưa có ai đặt hàng Tết. Cơ sở cũng không dám trữ nhiều nguyên vật liệu, tăng quy mô công suất vì chưa biết thị trường cuối năm thế nào. “Chúng tôi chưa dám làm hàng Tết vì các chi phí để sản xuất: gạo, bột củ dong, gas, nhân công đang rất cao. Mai mốt nguyên vật liệu giảm, giá gas, giá xăng giảm mình vẫn bán đắt thì mất khách mà bán giá thấp thì lỗ vốn” - đại diện cơ sở này chia sẻ. 

Chị Nguyễn Thị Hòa, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, tưởng hàng quán bán lại sẽ không phải đau đầu lo bữa sáng cho cả nào ngờ tôi phải nấu nhiều hơn vì cái gì cũng tăng giá. “Tô phở tăng 5 ngàn đồng, hộp bún thịt nướng tăng 5 ngàn đồng, đến trái bắp, gói xôi cũng tăng 2 ngàn đồng. Tôi tự nấu để tiết kiệm chi phí cho cả gia đình” - bà Hòa nói.

Ông Nguyễn Văn Kiên, xã Bình Sơn (H.Long Thành) cho biết, nhiều hộ gia đình ở khu tái định cư sân bay Long Thành còn chần chừ chưa xây nhà vì giá các loại vật liệu, đặc biệt là cát và thép tăng cao. Cũng may ông đã hợp đồng trọn gói với chủ thầu từ trước nên vẫn xây nhà bình thường. “Giá như vật liệu xây dựng rẻ chút tôi cũng làm thêm chậu cây, hồ cá trang trí thêm cho ngôi nhà. Giờ thì hoàn thiện được ngôi nhà như thiết kế ban đầu mà chủ thầu không lỗ là mừng rồi” - ông Kiên chia sẻ.

Đồng Nai “mở cửa” chưa được bao lâu. Đây là cao điểm người nông dân, người công nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất bù lại cho những tháng nghỉ dịch. Tuy nhiên, việc giá cả mặt hàng tiêu dùng, nguyên và nhiên vật liệu đầu vào tăng khiến nhà sản xuất, người tiêu dùng đều gặp khó khăn. Các tiểu thương, đơn vị kinh doanh cũng chưa dám trữ hàng cho thị trường cuối năm vì sợ rủi do về giá cả.

Ban Mai

Tin xem nhiều