Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành dịch vụ thời ''hậu giãn cách'': Vượt khó để dần thích ứng

10:11, 12/11/2021

Ngành dịch vụ đã vừa phải trải qua nhiều tác động trực tiếp từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Hiện nay, nhiều hoạt động dịch vụ, thương mại đã hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với tình hình mới.

[links()]Ngành dịch vụ đã vừa phải trải qua nhiều tác động trực tiếp từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Hiện nay, nhiều hoạt động dịch vụ, thương mại đã hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với tình hình mới.

Huấn luyện viên hướng dẫn khách hàng đến tập luyện tại phòng gym Dragon Fitness Center (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà
Huấn luyện viên hướng dẫn khách hàng đến tập luyện tại phòng gym Dragon Fitness Center (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực đối với ngành dịch vụ, thương mại, nhất là các loại hình dịch vụ vốn cần sự gặp gỡ, trải nghiệm thực tế như: phòng gym, trung tâm yoga…

* Đối mặt với nhiều áp lực, chi phí phát sinh

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ mới chỉ dần phục hồi. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường khiến cho nhiều loại hình dịch vụ, thương mại liên tục đối mặt với những thách thức, phải tiết giảm nhân sự, một số cửa hàng đã phải cho thuê, sang nhượng lại mặt bằng kinh doanh… Ngoài ra, giá nhiều loại nguyên, vật liệu hiện vẫn còn ở mức cao ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của các cửa hàng dịch vụ trong khi lượng khách mới ở mức vừa phải, chưa ổn định.

Đại diện cửa hàng Gà Coffee & Beer (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, sau khi được mở cửa trở lại, cửa hàng cố gắng giữ giá đầu ra ổn định, thay đổi phương thức marketing, áp dụng các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân sự chưa ổn định, giá nhiều loại nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao và chi phí về mặt bằng… Để tiết giảm chi phí, cửa hàng chủ động kết nối với các ứng dụng đặt, giao hàng trực tuyến, duy trì quảng cáo trên mạng xã hội…

Dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, ngưng trệ trong khoảng 3 tháng qua. Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, tiểu thương mong muốn được giảm các chi phí về mặt bằng, thuế… trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, cũng như có phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời khi các hoạt động kinh doanh được hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đang cần xoay vòng, luân chuyển nguồn vốn, từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Chị Mai Thảo, giáo viên của Trung tâm Yoga T&T Biên Hòa hướng dẫn các bài tập yoga online
Chị Mai Thảo, giáo viên của Trung tâm Yoga T&T Biên Hòa hướng dẫn các bài tập yoga online

Theo nhiều cửa hàng dịch vụ, quán cà phê, trà sữa, quán ăn gia đình…, việc áp dụng các hình thức đặt hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết nhưng thực tế vẫn chưa dễ thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều khách hàng, nhất là các khách hàng lớn tuổi vẫn ưu tiên lựa chọn phương thức trải nghiệm dịch vụ và thanh toán trực tiếp.

Anh Đình Vũ, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các loại thiết bị tập thể dục ở P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa chia sẻ, cửa hàng chuyên kinh doanh máy tập thể dục, thể thao tại nhà như: máy chạy bộ, xe đạp tập, dụng cụ tập gym, ghế massage… Nhu cầu về đặt mua các loại thiết bị tập luyện này trong đợt dịch vừa qua tăng cao, nhất là theo phương thức đặt hàng online, qua mạng xã hội. Sau khi nới lỏng giãn cách, xu hướng đặt hàng online đã bão hòa hơn. Nhiều khách hàng, nhất là khách hàng lớn tuổi đã chủ động đến để trải nghiệm thực tế tại cửa hàng để xem xét, tham khảo chọn mua các sản phẩm trực tiếp.

* Nhiều loại hình không dễ “chuyển đổi số”

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, thị hiếu tiêu dùng, trải nghiệm dịch vụ của người dân có nhiều thay đổi đòi hỏi người kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhất là các trường hợp doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể cần chủ động các phương án kinh doanh, marketing…, trong đó cần lưu ý đến các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp.

Tuy nhiên trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ đối với những người trẻ sẽ dễ dàng hơn, trong khi các tiểu thương, hộ kinh doanh trung niên, lớn tuổi vẫn khá nhọc nhằn để có thể xoay xở với các mô hình kinh doanh trực tuyến. Đặc biệt, nhiều loại hình dịch vụ không dễ để triển khai các ứng dụng trực tuyến vì những đặc thù riêng như: phòng tập gym, yoga…

Anh Đinh Cao Toàn, đại diện Dragon Fitness Center (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch, trung tâm đã mở cửa trở lại từ ngày 12-10. Hơn 1 tháng qua, lượng khách đến tập chỉ mới khôi phục được khoảng 30% so với trước. Mặc dù trung tâm có triển khai các khóa/buổi tập online nhưng lượng học viên đăng ký đạt thấp bởi đặc thù của việc tập gym, thể hình là phải có dụng cụ, máy tập, đặc biệt nếu có thêm huấn luyện viên cá nhân (PT - Personal Trainer) thì việc tập luyện mới nhanh đạt được thành quả, vóc dáng như mong muốn. Tuy nhiên, vì an toàn sức khỏe nên nhiều người vẫn lo ngại chưa trực tiếp đến phòng tập, cùng với sự cạnh tranh, tâm lý chọn phòng tập gần nhà... khiến lượng khách cuối năm giảm.

Anh Nguyễn Quang Hải (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, nhiều năm nay, anh duy trì tập gym để rèn luyện sức khỏe, thể lực. Trong nhiều tháng giãn cách xã hội, anh tự tập luyện tại nhà. Sau khi dịch vụ gym, yoga được mở cửa trở lại anh liền đăng ký ở trung tâm gym gần nhà để tập luyện.

“Trong thời gian dịch bệnh, tôi có tham khảo một số bài tập hướng dẫn trực tuyến nhưng thực tế việc tập luyện ở nhà thường thiếu dụng cụ, chủ yếu tập để duy trì trạng thái “ra mồ hôi”. Đặc thù của việc tập luyện vẫn cần đến trung tâm với đầy đủ dụng cụ, sự hướng dẫn của huấn luyện viên và có nhiều không khí tập luyện cùng với bạn bè, đồng môn…” - anh Quang Hải chia sẻ thêm.

Chị Mai Thảo, chủ và đồng thời là giáo viên dạy yoga tại Trung tâm Yoga T&T Biên Hòa (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, mặc dù các phòng tập thể dục, thể thao đã được hoạt động trở lại nhưng vì an toàn sức khỏe nên trung tâm của chị vẫn tạm ngưng hoạt động cho đến hết tháng 11. Kể từ tháng 8 vừa qua, để thích ứng linh hoạt với dịch, chị đã đẩy mạnh việc dạy yoga trực tuyến thông qua ứng dụng Google Meet. Ngay khi trung tâm chuyển qua hình thức dạy online, có rất đông học viên đăng ký tham gia. Hiện mỗi ngày trung tâm dạy 3 lớp với khoảng 60 học viên, với mức học phí 250 ngàn đồng/tháng/học viên.

“Dạy yoga online có những ưu thế như chủ động về mặt thời gian, không gian nhưng cũng có bất cập khi đường truyền internet bị gián đoạn khiến nhiều người chờ đợi, các động tác, tư thế trong bài tập phải lặp đi lặp lại nhiều lần mới hoàn chỉnh... Mục đích của các lớp học online là tạo động lực để học viên duy trì thói quen tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, giúp tinh thần minh mẫn, giảm căng thẳng trong đại dịch. Do đó, mức học phí như trên vừa ưu đãi, vừa chia sẻ đến các hội viên chứ không có doanh thu bởi chị còn phải trả chi phí nhân sự và mua sắm các thiết bị công nghệ để tương tác, dạy trực tuyến trên các nhóm học...” - chị Thảo chia sẻ.

Anh ĐINH CAO TOÀN, đại diện Dragon Fitness Center (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay: “Nhìn chung dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên việc kinh doanh có nhiều khó khăn nhất định, nhất là trong việc trang trải chi phí mặt bằng, nhân sự, điện nước... Tuy nhiên, vì đam mê thể hình và muốn duy trì việc tập luyện đều đặn cho các học viên nên trung tâm luôn hoạt động an toàn, hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch. Tôi mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để các hoạt động kinh doanh nói chung và thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe nói riêng sớm trở lại bình thường”.

Hải Hà

 

 

Tin xem nhiều