Thời gian này, nhiều chợ truyền thống trên địa TP.Biên Hòa vẫn đóng cửa để phòng dịch. Thay vì "ngồi một chỗ", không ít tiểu thương đã chuyển sang buôn bán nhỏ hơn, bán hàng trên mạng hoặc đến khu dân cư, chung cư bán hàng.
Thời gian này, nhiều chợ truyền thống trên địa TP.Biên Hòa vẫn đóng cửa để phòng dịch. Thay vì “ngồi một chỗ”, không ít tiểu thương đã chuyển sang buôn bán nhỏ hơn, bán hàng trên mạng hoặc đến khu dân cư, chung cư bán hàng.
Bà Huỳnh Thị Lượm, tiểu thương chợ Biên Hòa chuyển sang “buôn thúng, bán mẹt” thời gian chợ đóng cửa |
Đây là việc làm “cực chẳng đã” đối với những người buôn bán lâu năm ở các chợ, nhưng vì những yếu tố khách quan, họ cố gắng để giữ mối và có thu nhập trang trải cuộc sống.
Linh hoạt bán buôn thời dịch
Nhiều tháng qua, dọc các tuyến đường, khuôn viên nhà văn hóa, khu chung cư xuất hiện không ít người bán thực phẩm, đồ gia dụng. Hàng hóa có khi được đặt trên bàn, trên kệ, cũng có khi chỉ đặt trên tấm ny-lông, bìa cứng trải dưới nền. Người bán đa phần là tiểu thương có đăng ký kinh doanh trong chợ nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, chợ đóng cửa nên đành chuyển sang “buôn thúng, bán mẹt”.
Bà Nguyễn Thị Hóa (P.Thanh Bình), tiểu thương bán thịt heo ở chợ Biên Hòa cho biết, hơn 2 tuần qua, bà chuyển ra bên hông chợ, phía cửa Nam bán hàng. So với lúc bán trong chợ, ngồi ngoài đường bà chỉ bán được nửa phần, chủ yếu cho các mối quen.
“Tôi buôn bán thịt heo mấy chục năm ở chợ Biên Hòa, có nhiều mối quen. Thời gian này, hàng quán đã mở bán, người dân đi lại bình thường nên tôi phải tìm cách bán lại chứ không thì mất mối hết” - bà Hóa chia sẻ.
Tiểu thương chợ Biên Hòa bán hàng bên ngoài chợ |
Buổi sáng bán bên hông chợ Biên Hòa, buổi chiều bán hàng ở đầu đường Đặng Văn Trơn hoặc chất lên xe đạp đi bán dạo quanh các khu dân cư ở phường, đó là công việc thường ngày của bà Huỳnh Thị Lượm (P.Hiệp Hòa), tiểu thương chợ Biên Hòa. Mặc dù vất vả và bất tiện nhưng với bà Lượm, chợ vẫn nên đóng cửa thêm ít ngày cho an toàn.
“Tôi bán hàng vườn của người dân cù lao làm ra. Từ nải chuối, quả cam, ổi đến mớ rau, con gà, chục trứng. Thời gian qua, họ không gọi lấy hàng vì tôi không đi bán. Tôi đi bán lại, họ mừng lắm. Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn chưa muốn vào chợ lúc này vì dịch còn nguy hiểm” - bà Lượm chia sẻ.
Dọc xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn P.Long Bình như một chợ đầu mối mới của TP.Biên Hòa. Nơi đây có nhiều gian hàng rau, củ, quả với số lượng lên đến vài tấn/gian. Anh Công, người bán trái cây trước cửa một nhà hàng tiệc cưới cho biết, anh là tiểu thương ở chợ đầu mối Tân Biên. Vì chợ còn đóng cửa nên anh phải mướn mặt bằng ở đây làm điểm giao nhận và bán hàng. Không chỉ các mối mà người dân, công nhân lao động, người đi đường cũng ghé gian hàng để mua.
Anh Lã Văn Thắng (P.Long Bình Tân) lại có cách bán hàng độc đáo hơn. Anh đóng rau củ quả mỗi loại một ít vào bịch ny-lông chạy xe máy đến các khu nhà trọ, khu dân cư bán hàng. Hết hàng loại nào, anh ghé về nhà trọ bổ sung hàng loại đó. Có ngày anh bán đến 2 tạ rau củ quả.
Anh Thắng chia sẻ, anh quê tỉnh Bắc Giang, thời gian đầu vào đi làm công nhân sau đó chuyển sang buôn bán ở chợ P.Long Bình Tân. Những ngày chợ đóng cửa anh chạy xe gắn máy đến các khu nhà trọ bán rau củ quả cho người dân. Chỉ tay về phía xe hàng của mình anh Thắng cho biết thêm, có khoảng 20 loại rau củ quả trên xe, giá dưới 20 ngàn đồng/kg, trừ một số loại gia vị như: ớt, rau thơm, hành và tỏi khô.
Nhiều rủi ro về xuất xứ, chất lượng hàng hóa
Không chỉ các mặt hàng được cho “hot” thời dịch như rau củ, thịt cá, nhiều tiểu thương bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm cũng chuyển sang phục vụ người tiêu dùng tại nhà. Nhờ cách làm này, họ duy trì được công việc, thu nhập để trang trải cuộc sống.
Anh Lã Văn Thắng, tiểu thương chợ Long Bình Tân, đi bán rau củ quả bằng xe gắn máy thời dịch |
Tuy nhiên, việc bán hàng không phải trong quầy sạp, trên mạng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro với cả người bán lẫn người mua.
Bà Nguyễn Thị Hóa, tiểu thương bán thịt ở chợ Biên Hòa cho rằng, khi chuyển ra ngoài, bà chỉ bán được phân nửa bởi vì khi bán thịt trong chợ người bán phải có sạp, có quầy, có ban quản lý chợ quản lý về nguồn gốc hàng hóa, giá cả; người mua được trực tiếp nhìn, dùng tay kiểm tra từng miếng thịt nên phần nào họ yên tâm. Còn bán ở bên ngoài chợ, nắng gió làm thịt nhanh thiêu hơn, an toàn vệ sinh không đảm bảo, thậm chí nhiều người nghi ngờ nguồn gốc, chất lượng thịt.
Nhờ nhanh nhạy chuyển sang bán trên mạng, đợt dịch vừa qua, chị Hoàng Thị Thanh Nhàn (P.Tam Phước) bỏ túi được khoảng 30 triệu đồng tiền lời/tháng.
Chị Nhàn cho biết, tất cả đều là hàng đặt từ ngoài quê, chất lượng đảm bảo nên có ngày nhận đến 50 đơn hàng. Chị phải huy động người thân phụ gói và giao hàng cho khách. Nhưng khi hàng quán bán trở lại, khách mua hàng qua mạng giảm dần. Theo chị Nhàn, bán hàng qua mạng thời dịch có thuận lợi là số lượng đơn hàng nhiều, mỗi đơn giá trị gấp 2-3 lần so với ngày thường vì ai cũng có tâm lý mua để sẵn. Tuy nhiên, tình trạng người bán “cướp đơn” của nhau, có người chơi xấu tráo hàng trước khi đổi trả cho người bán. Tâm lý của người mua vẫn thích nhìn, sờ thực tế món hàng trước khi mua. Vì vậy, chị vẫn duy trì bán hàng tại nhà và phục vụ khách quen qua mạng.
Anh Công, tiểu thương bán củ quả trên xa lộ Hà Nội cho rằng, khi bán hàng ở chợ đầu mối anh chỉ bán từ khoảng 7-8 tiếng/ngày (từ 1-7 giờ sáng), thời gian còn lại nghỉ ngơi. Còn bán dọc đường là từ 3-4 giờ đến 19-20 giờ. Tỷ lệ hao hụt do bán lẻ, hư hỏng nhiều hơn.
Ngoài ra, tiểu thương phải trả “gánh” thêm phí thuê mặt bằng trong khi đã đóng phí thuê mặt bằng cả năm ở chợ. Anh Công mong muốn dịch sớm được đẩy lùi để tiểu thương vào chợ buôn bán.
Chị Nguyễn Thị Hương, P.Thanh Bình cho rằng, chị thích mua thực phẩm bên trong chợ thay vì mua ở ngoài đường. Thứ nhất, giá cả có ban quản lý chợ kiểm soát. Thứ hai, khu trưng bày hàng hóa vệ sinh hơn. Thứ ba, khi mua bán lòng lề đường mất an toàn giao thông. Nhưng vì điều kiện khách quan chị cảm thông với người bán.
Trong đại dịch này, hoạt động mua bán hàng hóa, thực phẩm có nhiều thay đổi, khác với trật tự, quy củ như trước đây. Đó là vì hoàn cảnh khách quan và người dân thông cảm cho nhau. Mong muốn chung của người dân là dịch bệnh sớm đẩy lùi, các hoạt động trong đó có mua bán ở các chợ trở lại nhịp bình thường. Người nông dân thuận tiện tiêu thụ sản phẩm, thương lái buôn bán đúng nơi đúng chỗ, người tiêu dùng yên tâm về chất lượng lẫn giá cả khi mua sắm.
Ban Mai