Báo Đồng Nai điện tử
En

Mặt tối của khẩu trang ngừa Covid-19

11:10, 22/10/2021

Cùng với việc tiêm chủng và giãn cách xã hội, khẩu trang đang được sử dụng hầu hết trên toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số lượng lớn khẩu trang đã qua sử dụng thường được vứt vào thùng rác, được chôn lấp, đốt hoặc bị vứt bỏ bừa bãi, trôi dạt trên bờ sông, bãi biển cùng với túi ny-lông và đủ loại rác thải khác.

Cùng với việc tiêm chủng và giãn cách xã hội, khẩu trang đang được sử dụng hầu hết trên toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số lượng lớn khẩu trang đã qua sử dụng thường được vứt vào thùng rác, được chôn lấp, đốt hoặc bị vứt bỏ bừa bãi, trôi dạt trên bờ sông, bãi biển cùng với túi ny-lông và đủ loại rác thải khác.

Theo ước tính, hơn 3 triệu chiếc khẩu trang được thải ra mỗi phút. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nhiều loại khẩu trang có khả năng chứa các hạt vi nhựa hoặc các chất độc gây ô nhiễm môi trường.

Trên Tạp chí khoa học Frontiers of Environmental Science & Engineering, các nhà nghiên cứu cho biết: “Với việc ngày càng có nhiều cảnh báo về mối đe dọa ô nhiễm môi trường xuất phát từ việc không xử lý khẩu trang đã qua sử dụng một cách đúng đắn, cần có các biện pháp ngăn chặn vấn đề này trở thành một thảm họa ô nhiễm nhựa mới”.

Khẩu trang hiện được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đang đặt ra một thách thức toàn cầu về việc tái chế chúng nhằm tránh một thảm họa kinh hoàng hơn: ô nhiễm rác thải nhựa.

Một đại diện Hiệp hội Hóa học Mỹ cho biết, khoảng 129 tỷ khẩu trang dùng một lần được sử dụng mỗi tháng trên khắp thế giới. Khẩu trang thường được làm từ vật liệu nhựa polypropylene, dây chun và kim loại.

Theo nghiên cứu của Oceans Asia, chỉ riêng năm 2020, 1,5 tỷ khẩu trang dùng một lần đã bị thải ra các đại dương, tương đương 6.500 tấn rác thải nhựa. Các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang và găng tay dùng một lần được sử dụng để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong suốt đại dịch Covid-19 nếu không được xử lý đúng cách, chắc chắn một cuộc khủng hoảng rác thải y tế sẽ là điều không tránh khỏi. Phần lớn thiết bị bảo hộ cá nhân chứa nhựa polypropylene, phải mất tới 450 năm để phân hủy.

Một nghiên cứu của Tạp chí Environmental Advances đã chỉ ra rằng, trong môi trường biển mô phỏng, 1 khẩu trang có thể “sản xuất” 173 ngàn sợi nhựa li ti mỗi ngày. Những sợi này có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng đến chất lượng nước, không khí, giết chết các loài động vật hoang dã và thậm chí xâm nhập vào phổi và máu của con người qua nguồn thực phẩm. Ngoài ra, dây đeo của khẩu trang cũng có thể là bẫy tử thần đối với động vật, đặc biệt là sinh vật biển có thể bị vướng vào chúng.

M.H

(biên dịch theo dailysabah.com)

Tin xem nhiều