Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 7, 14/12/2024, 12:57 En

Những trang viết từ trái tim người lính

07:09, 25/09/2021

Không ồn ào, náo nhiệt, những trang viết ở nhiều thể loại (nghiên cứu lịch sử, triết học, thơ, truyện ngắn…) của tác giả Nguyễn Minh Đức, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tạo được dư âm trong lòng người đọc bởi thực tế cuộc sống thấm đẫm chất nhân văn.

Không ồn ào, náo nhiệt, những trang viết ở nhiều thể loại (nghiên cứu lịch sử, triết học, thơ, truyện ngắn…) của tác giả Nguyễn Minh Đức, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tạo được dư âm trong lòng người đọc bởi thực tế cuộc sống thấm đẫm chất nhân văn.

Tác giả Nguyễn Minh Đức, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đang trò chuyện, phỏng vấn nhân vật
Tác giả Nguyễn Minh Đức, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đang trò chuyện, phỏng vấn nhân vật

* Trưởng thành từ môi trường quân ngũ

Mặc dù không sinh ra ở Đồng Nai nhưng nếu tính quãng thời thơ ấu đến trưởng thành với những năm tháng được sinh sống trên vùng đất này, tác giả Minh Đức nói rằng mảnh đất miền Đông Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng đã nuôi anh phần lớn thời gian, để lý giải vì sao anh vẫn gọi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Chính đức tính chịu thương chịu khó, giàu nghĩa hiệp, bao dung, thật thà, chất phác của con người Đồng Nai đã tiếp thêm động lực giúp anh theo đuổi đam mê, học hỏi và nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học và văn chương.

“Tôi may mắn có gần ba chục năm gắn bó với cán bộ, học viên Trường Sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Đây là môi trường giáo dục, đào tạo con người, đào tạo cán bộ sĩ quan quân đội. Tôi cũng may mắn có những năm dự nhiệm trên cương vị Phó chủ nhiệm Chính trị một sư đoàn chủ lực ở biên giới Tây Ninh của Quân khu 7. Những năm tháng ấy cho tôi được sống chung gắn bó với cán bộ, chiến sĩ, được gần gũi, yêu thương, chia sẻ với nhau. Tôi ngộ ra được thật nhiều điều, nhất là đời sống tâm lý, tâm tình, tính cách của người lính từng ngày từng ngày được vun bồi, thay đổi” - anh Đức chia sẻ.

Tác giả Minh Đức cho biết, viết lách đối với anh giống như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Bài báo nhỏ đầu tiên của anh được đăng trên tờ Quân đội nhân dân đầu năm 1994, khi ấy anh còn là học viên của Trường Sĩ quan chính trị - quân sự. Sau đó, anh viết rất nhiều thể loại, cả văn xuôi, làm thơ, viết kịch, nghiên cứu lịch sử, triết học… Anh xem văn chương chân chính phải phản ánh hiện thực cuộc sống, đem lại cho con người trạng thái cân bằng, giúp họ sống với nhau nhân nghĩa, nhân văn hơn.

“Mỗi tác phẩm của tôi bắt nguồn từ con người và cuộc sống của họ, trong đó những rung cảm về nét đẹp thánh thiện trong con người là yếu tố quan trọng nhất. Tôi không trói buộc mình trong một dạng thức, thể thơ riêng biệt nào cả. Trong truyện ngắn và tản văn cũng vậy. Tôi lấy đời sống hiện thực từ quê hương, từ đồng đội trong môi trường quân ngũ làm nền tảng” - anh Đức bộc bạch.

* Người lính trong đại dịch “vào thơ”…

Theo anh Minh Đức, những ngày dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị của anh cũng nằm trong “vùng đỏ”, anh cùng đồng đội bám ở đơn vị nhiều tháng không về. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “ở đâu nhân dân có khó khăn, ở đó có bộ đội”, đơn vị của anh đã kề vai sát cách cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại những nơi trọng điểm “vùng đỏ”, sẵn sàng hỗ trợ người dân, hỗ trợ các lực lượng chức năng thực hiện giãn dân, giãn cách, phong tỏa. Cùng với đó, anh thường xuyên dõi theo những bước chân đồng đội, từ trong Nam ngoài Bắc đi ra tuyến đầu, lòng trào dâng nhiều cảm xúc.

“Tôi có con trai đang học năm 4 Trường Sĩ quan lục quân 2. Nhà gần nhưng chẳng mấy khi con được về và rất ít có cơ hội gặp con. Hôm nhận lệnh nhà trường tham gia chống dịch ở tuyến đầu TP.HCM, con nhắn mấy dòng tin có lẽ là khá vội: “Mai con đi chống dịch ở Sài Gòn bố ạ!”. Lòng tôi có chút bâng khuâng, vừa xen lẫn lo lắng vừa tự hào. Ngay trong tối hôm đó, tôi viết một mạch 3 bài thơ: Đi về phía nhân dân, Vững bước mà điĐi lên phía trước. Trong đó, bài Đi về phía nhân dân được nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang phổ nhạc để gửi lên cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 tập luyện” - anh Đức tâm sự.

Rất nhiều tác phẩm của Minh Đức sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút người đọc, người nghe bình luận, chia sẻ và bày tỏ thái độ tích cực. Anh xem đây là động lực để mình viết nhiều hơn, sâu hơn và đời hơn. Ở thời điểm hiện tại, anh đang tiếp tục viết, nhất là những tâm tư tình cảm bắt nguồn từ đời sống người dân, với mong muốn chia sẻ cùng cộng đồng và những người không may mắn mất đi người thân, những rủi ro từ đại dịch Covid-19. Anh hy vọng qua những sáng tác của mình sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm động lực giúp mọi người có thể vượt qua khó khăn…

Tác giả Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1970) quê ở H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan chính trị - quân sự (nay là Trường đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng), sau đó về công tác tại Trường Sĩ quan lục quân 2 cho đến nay. Ngoài viết truyện ngắn, tản văn và có nhiều sách in chung, anh còn xuất bản 2 tập thơ: Đường về và Bất giác một loài hoa. Tất cả đều mang đậm dấu ấn mẹ và quê hương, tình yêu người lính và chiến tranh cách mạng.

Ly Na