Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu chủ động tìm hướng đi trong đại dịch

07:08, 20/08/2021

Trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai cho rằng, các nghệ sĩ sân khấu cùng tham gia hoạt động sáng tác, đẩy mạnh livestream trên nền tảng công nghệ là rất cần thiết.

Trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai cho rằng, các nghệ sĩ sân khấu cùng tham gia hoạt động sáng tác, đẩy mạnh livestream trên nền tảng công nghệ là rất cần thiết.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Hoạt động này không chỉ là hướng đi mới cho những người làm nghệ thuật mà còn cổ vũ và lan tỏa niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19.

* Đa dạng trong tiếp cận khán giả

* Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn gần như “đóng băng”. Ông có thể đưa ra một số đánh giá về tình hình hiện tại của lĩnh vực này?

- Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các hoạt động biểu diễn tạm ngưng để phòng, chống dịch Covid-19. Điều này khiến đời sống nghệ sĩ, diễn viên, người lao động phần nào bị ảnh hưởng. Nhằm duy trì hoạt động, nhiều đơn vị nghệ thuật đã chủ động xây dựng, triển khai linh hoạt các kế hoạch ứng phó, trong đó chuyển hình thức biểu diễn tại rạp, đi biểu diễn phục vụ nhân dân và phục vụ các đối tượng công chúng khán giả ở ngoài trời bằng hình thức livestream hoặc ghi hình các trích đoạn hấp dẫn rồi giới thiệu trên kênh YouTube, Zalo, Facebook. Rất nhiều nghệ sĩ cũng sử dụng mạng xã hội của cá nhân để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.

Là một trong số các nghệ sĩ có tác phẩm được biết đến nhiều trên lĩnh vực sân khấu vài chục năm qua, NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai đã tạo được dấu ấn cá nhân rất riêng. Sáng tạo nghệ thuật với ông luôn là quá trình lao động cần mẫn, nghiêm túc và chuyên nghiệp.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc livestream các chương trình nghệ thuật chỉ mang tính hình thức, chưa thu hút khán giả và chưa đạt được hiệu quả. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Việc tiếp tục thực hiện biểu diễn online ở thời điểm này được cho là lựa chọn đúng đắn, là hướng đi mở ra nhiều triển vọng giúp khán giả thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật có quy mô, chất lượng cao. Chẳng hạn tại Đồng Nai trong 2 năm qua đã có hàng trăm chương trình livestream với đầy đủ các loại hình nghệ thuật, từ ca múa nhạc, sân khấu cải lương đến múa rối, tạo sự tương tác với khán giả. Hay như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) hằng tháng cũng lên một số chương trình. Tôi đánh giá rất cao sự đầu tư, cách tiếp cận khán giả của các đơn vị.

* Nghệ thuật gắn với hơi thở cuộc sống, phục vụ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Các sáng tác trên lĩnh vực sân khấu trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu này chưa, thưa ông?

- Đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời ca ngợi tinh thần yêu nước và công tác phòng chống dịch, cổ vũ, khích lệ tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng tuyến đầu. Nhiều vở kịch ngắn nói về công lao, sự hy sinh và những đóng góp vào công tác phòng, chống dịch của lực lượng tuyến đầu như: y, bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên...

Bên cạnh những câu chuyện xúc động, những yếu tố tích cực, một số tác phẩm còn khai thác cả những vấn đề tiêu cực ngay trong quá trình chống dịch, lên án hành vi chống đối, không chấp hành quy định phòng, chống dịch...

Một chương trình livestream, phát trực tuyến vở diễn cải lương của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai
Một chương trình livestream, phát trực tuyến vở diễn cải lương của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai

* Thưa ông, mặc dù các đơn vị nghệ thuật đã linh hoạt trong tổ chức biểu diễn song việc cải thiện đời sống của nghệ sĩ, diễn viên vẫn đang là vấn đề được quan tâm?

- Khó khăn chung hiện nay là thu nhập của nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công… bị giảm sút rất nhiều. Bởi lâu nay ngoài lương theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nghệ sĩ còn được bồi dưỡng thêm tiền luyện tập hằng ngày, thù lao hỗ trợ đi diễn ban ngày, ban đêm hay đi về vùng sâu, vùng xa… Nhưng bây giờ khoản chi này không thực hiện được, thu nhập giảm sút. Tình trạng người trẻ mới ra trường về các đơn vị làm việc ở nhiều địa phương không thuộc đối tượng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch khiến các em phải nghỉ diễn, làm ảnh hưởng ít nhiều đến lực lượng kế cận.

* Kỳ vọng vào những đột phá…

* Với tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có những định hướng gì để các loại hình nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát huy thế mạnh?

- Hiện nay, Hội đã có văn bản chỉ đạo gửi các đơn vị nghệ thuật trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng tác; đồng thời nhấn mạnh các nghệ sĩ, diễn viên… không phát tán những thông tin không chính thống nhằm chống phá công tác phòng, chống dịch và làm ảnh hưởng tư tưởng nhân dân. Hội đã phát động Giải thưởng tác phẩm nghệ thuật phòng. chống Covid-19. Đến thời điểm này đã nhận được nhiều kịch bản sân khấu, tiểu phẩm, nhất là các bài tân cổ giao duyên, làn điệu dân ca, chèo...

* Năm 2021 là năm đầu tiên Hội VHNT Đồng Nai thực hiện kế hoạch tổ chức giải thưởng VHNT thường niên. Hội đã có những chuẩn bị gì để hiện thực hóa kế hoạch này, thưa ông?

- Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm hạn chế quá trình thực tế sáng tác của văn nghệ sĩ nhưng đời sống VHNT của Đồng Nai thời gian qua vẫn diễn ra hết sức sôi động. Đặc biệt, khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức giải thưởng VHNT thường niên, Hội đã có văn bản triển khai gửi cho gần 300 hội viên. Văn nghệ sĩ tỉnh nhà rất phấn khởi. Chúng tôi kỳ vọng vào những đột phá trong sáng tác, vào những cống hiến của văn nghệ sĩ. Qua đó, giúp cộng đồng xích lại gần nhau hơn, kết nối, sẻ chia và thấu hiểu cuộc sống hơn, chuẩn bị cho một tâm thế mới, sẵn sàng và tích cực trong đại dịch.

* Xin cảm ơn ông!

My Ny (thực hiện)

Tin xem nhiều