Báo Đồng Nai điện tử
En

Như cây xương rồng trên cát vẫn nở hoa

07:06, 05/06/2021

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa vừa được Forbes Việt Nam vinh danh vào "Top 20 phụ nữ truyền cảm hứng 2021". Nhận được tin này khi đang dạy học ở lớp tiếng Anh cô mở nơi quê nhà Ninh Thuận, Hòa bất ngờ thật sự.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984, năm 2 tuổi, một cơn sốt ập đến khiến tay phải của cô bị liệt, không thể cầm nắm hay làm việc nặng.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa vừa được Forbes Việt Nam vinh danh vào “Top 20 phụ nữ truyền cảm hứng 2021”. Nhận được tin này khi đang dạy học ở lớp tiếng Anh cô mở nơi quê nhà Ninh Thuận, Hòa bất ngờ thật sự. Bất ngờ vì không nghĩ lọt vào “tầm ngắm” của Forbes, rồi đến vui mừng vì biết nhiều bạn bè, người quen trong và ngoài giới văn chương vẫn luôn dõi theo mình.

Với Kim Hòa, văn chương là nơi cô tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống vốn đỗi nhọc nhằn. Đó cũng là cách để Hòa trả nợ ân tình với nơi chôn nhau cắt rốn sau chuỗi ngày đi theo “giấc mơ phố thị”.

Viết để vui sống

 Từ tác phẩm đầu tay Tay chị tay em (NXB Kim Đồng 2011) đến nay cũng tròn 10 năm viết văn, nhân duyên nào dẫn lối để chị khai mở ra một Nguyễn Kim Hòa ở lĩnh vực này?

- Nói đến duyên đưa tôi đến với văn chương, chắc phải cảm ơn một người Biên Hòa - cô bạn thân thời học Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại ở TP.HCM. Cô bạn ấy là con gái đầu của nhà văn, họa sĩ Đinh Tiến Luyện. Chơi với nhau ba năm, mãi tới lúc theo bạn đi lùng mua bộ tiểu thuyết nước ngoài cho cha trên đường sách cũ Trần Nhân Tôn (TP.HCM), tôi mới biết bạn mình là… con gái nhà văn!

Ngày tôi trở về Phan Rang - Tháp Chàm dạy học, bạn cũng theo cha và cả gia đình sang Mỹ định cư. Giữa những cuộc gọi cách nhau nửa vòng trái đất, nghe tôi kể buồn chán quanh quẩn góc nhà, một ngày, bạn hỏi: “Sao mày không viết đi. Viết được cũng là cách giúp mình vui!”.

Từ gợi ý ấy, tôi thử viết một tản văn. Ai ngờ, tản văn ấy gửi tuyển tập Áo Trắng được đăng. Rồi được nhà văn Đoàn Thạch Biền đích thân gọi điện hỏi thăm, thúc giục viết tiếp.

Cứ thế, văn chương cuốn tôi đi. Hành trình không ngờ giờ đã hơn 10 năm.

 Cảm xúc của chị ra sao sau khi hay tin mình được lựa chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng Việt Nam?

- Đầu tiên là bất ngờ. Sau đó là tự hỏi: “Mình có làm được gì đâu? Sao lại được chọn?”. Và sau nữa, đương nhiên là vui.

Lớp học thêm tiếng Anh cây Me do nhà văn Kim Hòa mở ở quê Ninh Thuận. Ảnh: Tác giả cung cấp
Lớp học thêm tiếng Anh cây Me do nhà văn Kim Hòa mở ở quê Ninh Thuận. Ảnh: Tác giả cung cấp

Vui không chỉ vì nhận được nhiều lời chúc mừng, còn vì tôi có cơ hội được gặp nhiều người phụ nữ “truyền cảm hứng” khác rất ấn tượng trong danh sách Forbes, như: cô Sáu Thia bán vé số dạy bơi miễn phí cho trẻ em Đồng Tháp gần 20 năm, vận động viên Para Games Nguyễn Thị Hải, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh… Được nghe chuyện về họ, biết những đóng góp họ dành cho cộng đồng, bản thân tôi cũng được tiếp thêm nhiều động lực.

  Đó là sự ghi nhận của công chúng đối với câu chuyện của chị, một cô gái đầy nghị lực, như cây xương rồng trên cát vẫn vươn lên mạnh mẽ. Viết văn, với chị là một công việc như thế nào?

- Viết văn thật sự là một công việc khó nhọc, nhất là theo thời gian, khi sức khỏe tôi gặp nhiều trúc trắc hơn. Tôi không sống bằng nghề viết. Viết chỉ như liều thuốc tôi dùng để trợ lực cho tinh thần, hòng chiến thắng thể chất ưa rên rẩm, ẽo uột.

Có người nói văn chương là “cứu cánh” với tôi. Thật vậy, ban đầu, tôi không nghĩ sẽ đi xa với văn chương. Nhưng rốt cuộc, nhìn lại hành trình đã qua, tôi tự thấy, chẳng biết từ bao giờ văn chương đã trở thành đích đến cuối cùng của cuộc đời.

Văn chương còn đưa đến cho tôi nhiều người bạn, nhiều sẻ chia, đồng điệu về tâm hồn. Văn chương cũng cho tôi nhiều chuyến đi, nhiều kỷ niệm về những vùng đất tôi thương quý. Năm 2014, nhờ trại viết Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, lần đầu tiên tôi được đến quê cô bạn tôi, Biên Hòa. Tình đất, tình người dù trong 2 tuần ngắn ngủi vẫn còn vẹn nguyên trong tôi mãi đến bây giờ, sau 7 năm.

 Chị viết nhiều về đề tài thiếu nhi và những câu chuyện thường nhật xung quanh mình đồng thời cũng thử sức với đề tài lịch sử và nhận được sự đón đợi. Dòng văn này sẽ được nối tiếp?

- Sau tập truyện sử Con chim phụng cuối cùng ra mắt 4 năm trước, tôi vẫn còn ý định tiếp tục với đề tài lịch sử. Đương nhiên, nội dung sẽ dài hơi hơn. Mảnh đất tôi đang sống cũng có những mảng lịch sử, văn hóa chưa được khai thác nhiều trong văn học. Tôi hy vọng mình có thể làm được điều này, trong tương lai gần.

Sau “giấc mơ phố thị” là ân tình với nhịp sống hồn quê

 Trong quá khứ, chị từng có “giấc mơ phố thị” nhưng hiện tại, sau nhiều năm rời phố, cuộc sống của chị có sự khác biệt như thế nào? Phải chăng sống và viết về quê hương, trách nhiệm của người cầm bút giờ như là một sự tri ân đối với nơi mình sinh ra? Một mảnh đất thật sự khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình người.

- Nếu vẫn còn “giấc mơ phố thị”, nếu không trở về quê, chắc tôi đã không viết văn.

“Trại viết Văn nghệ Quân đội ở Đồng Nai, Kim Hòa đã để lại ấn tượng sâu sắc với các tác giả trẻ chúng tôi. Nửa tháng đến với trại viết là nửa tháng Hòa ngủ dưới sàn phòng khách sạn và bò ra sàn để viết văn trên giấy bằng tay trái. Cột sống yếu khiến Hòa không thể nằm nệm cũng như ngồi quá lâu gò mình bên bàn. Trong khi bạn bè nằm nệm và gõ laptop rào rào thì Hòa dùng cả đầu và sức để vật nhau với chữ. Văn chương với Hòa, nặng nhọc theo mọi nghĩa, lao động trí óc và cả lao động chân tay” - nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng) nhận xét về bạn viết của mình.

Những năm tuổi 20, tôi thuộc tuýp người “sống nhanh”. Chính mảnh đất quê bình lặng níu tôi chậm lại. Như người bơi vốn quen những con sóng ầm ào của biển, tự dưng bị thả vào một mặt nước sông lặng lờ. Tôi cũng sốc, cũng nhiều than vãn, chán ngán.

Nhưng dần dà, khi đã biết nương mình theo dòng nước, biết thư thái thả trôi cùng nhịp sống quê, tôi nhận ra: Chậm lại giúp tôi nhìn rõ được tôi hơn.

Chậm lại, tôi còn nghe được cả tiếng đất quê gọi. Rằng ẩn dưới mặt đất ngỡ cằn cỗi, cháy khô; bên trong thân mình tua tủa gai nhọn của bụi xương rồng, vẫn âm ỉ tràn trụa bao mạch sống. Chỉ cần bắt đúng một dòng mạch thôi, cũng đủ bao “vụ canh tác văn chương” được mùa.

Hơn 10 năm qua, tôi vẫn viết và sống nhờ mạch ngầm ấy từ đất quê. Chỉ mong “quả văn chương” kết được, giúp bạn đọc biết thêm về Ninh Thuận - mảnh đất không hề là “đất trắng”.

 Trong những chia sẻ của mình, một trong những niềm vui, nguồn động lực là lớp học Cây Me. Phải chăng đó cũng là nguồn cảm hứng để chị có những ý tưởng, đề tài trong sáng tác về thiếu nhi, về con người nơi vùng đất nắng và gió này?

- Tôi học kinh tế, viết văn, nhưng lại sống bằng nghề… dạy học. Lớp học (mà sau này, từ tên một quyển sách của tôi, học sinh vẫn hay gọi: “lớp Cây Me”) là “nguồn sống” cho tôi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi có thu nhập hỗ trợ gia đình, có cả “kho tàng” nhân vật, câu chuyện để đưa vào các sáng tác thiếu nhi.

Gắn bó với trẻ con, tôi không sợ tâm hồn mình già. Khả năng lây lan chất ngộ nghĩnh, trong veo của các học trò tôi rất cao. Nhiều nhận định cho rằng văn thiếu nhi tôi trong trẻo, thật ra, có phải tôi viết đâu. Đứa trẻ không tuổi trong tôi, bạn thân với các cô cậu học trò tôi, viết đấy chứ! (cười).

 Viết văn, dạy học có lẽ là sự lựa chọn của số phận dành cho mình, chị có tin vào điều ấy?

- Tôi luôn tin vào số phận. Như tin vào một vị thần nhân từ. Khi buộc phải lấy đi từ ai đó điều gì, vị thần ắt sẽ kiếm cách bù đắp cho họ, không sớm thì muộn.

Còn có thể viết, dạy học, tôi nghĩ, tôi đã rất may mắn. Tôi không thích cách nghĩ mình đang chiến đấu, hay vượt thoát khỏi số phận. Đơn giản, tôi chỉ đang thích nghi, ráng sống tốt với những gì số phận cho tôi.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984, năm 2 tuổi, một cơn sốt ập đến khiến tay phải của cô bị liệt, không thể cầm nắm hay làm việc nặng.

Với văn chương Hòa đã có cho mình các tập truyện ngắn: Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua, Đỉnh khói, Cửa sổ phía Đông, Con chim phụng cuối cùng (truyện lịch sử), Sa mạc và những vệt nhớ (tạp văn)… Ngoài ra còn có các tác phẩm dành cho thiếu nhi: Hoàng tử Rơm, Tay chị tay em, Leng keng Noel, Cút cà cút kít, Chuyện kể ở lớp Cây Me…

Từ nỗ lực của mình, Hòa đã được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014, giải nhất cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức năm 2015, giải C Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015, giải tư cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 Xin cảm ơn chị!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều