Báo Đồng Nai điện tử
En

PGS-TS Chế Minh Tùng: Trở về để cống hiến

08:05, 22/05/2021

PGS-TS Chế Minh Tùng hiện là trưởng bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Khoa Chăn nuôi - thú y Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Được đào tạo tiến sĩ tại Đại học Illinois (UIUC, Mỹ) chuyên ngành Chăn nuôi/dinh dưỡng miễn dịch và lựa chọn trở về làm việc trong nước để đưa kiến thức, kinh nghiệm đào tạo sinh viên nên PGS-TS Chế Minh Tùng rất tâm huyết với vấn đề an toàn trong chăn nuôi.

PGS-TS Chế Minh Tùng
PGS-TS Chế Minh Tùng

PGS-TS Chế Minh Tùng hiện là trưởng bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Khoa Chăn nuôi - thú y Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Được đào tạo tiến sĩ tại Đại học Illinois (UIUC, Mỹ) chuyên ngành Chăn nuôi/dinh dưỡng miễn dịch và lựa chọn trở về làm việc trong nước để đưa kiến thức, kinh nghiệm đào tạo sinh viên nên PGS-TS Chế Minh Tùng rất tâm huyết với vấn đề an toàn trong chăn nuôi.

Theo ông, với trách nhiệm của một người Việt thì cần có đóng góp cho đất nước, tuy nhiên đóng góp như thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn của mỗi người. Không hẳn ở lại nước ngoài là không đóng góp được cho đất nước và cũng không hẳn về nước sẽ đóng góp tốt hơn.

* Đóng góp cho đất nước như thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn của mỗi người

* Thưa PGS-TS Chế Minh Tùng, ông từng học tập, nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Mỹ, ông nhận thấy môi trường học tập, nghiên cứu có khác gì so với Việt Nam?

- Tôi về nước công tác từ năm 2012 sau khi đi học và làm nghiên cứu sinh ở Mỹ. Thời gian ở Mỹ 7 năm vừa học tiến sĩ vừa nghiên cứu sau tiến sĩ. Trước đây, tôi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm TP.HCM năm 1998 và được ở lại trường làm giảng viên, rồi tiếp tục đi du học ở Malaysia. Quãng thời gian học tập ở nước ngoài là một môi trường khác hoàn toàn, sinh viên, người học phải thực sự chủ động, độc lập. Lúc nào học viên cũng phải vận động, tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu, các giáo sư chỉ là người chỉ dẫn cho mình cách thức cơ bản. Chính điều đó rèn luyện cho mình sự năng động tự chủ, làm việc độc lập, điều mà phần lớn sinh viên của chúng ta hiện nay còn thiếu.

* Chắc hẳn trong quá trình học tập, nghiên cứu, ông cũng đã gặp được những người thầy dẫn đường sáng suốt?

- Quá trình học tập, công tác, nghiên cứu và giảng dạy của tôi dù ở môi trường nào thì cũng như là một cái duyên. Trong đó, mình luôn phải nỗ lực hết sức. Như đã nói thì môi trường học tập, nghiên cứu ở nước tiên tiến luôn chuyên nghiệp và đòi hỏi sự chủ động rất cao. Cũng may mắn là nhờ cơ duyên nên tại Mỹ tôi được vào chương trình nghiên cứu của GS James E.Pettigrew. Nhờ những hướng dẫn của thầy và quyết tâm vượt khó để nghiên cứu mà bản thân tôi đạt được những giải thưởng quan trọng, tạo cho mình động lực trong học tập. Đề tài sau tiến sĩ của tôi cũng được Đại học Illinois thông qua và đồng ý cấp kinh phí hơn 340 ngàn USD để nghiên cứu. Đó là những tiền đề để tôi quyết tâm trở về Việt Nam và cũng là phục vụ cho cả quá trình phấn đấu về sau này nữa.

* Hiện nay, người Việt đi học tập, nghiên cứu ở các nước tiên tiến ngày càng nhiều, có một số lưu học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học thì chọn ở lại. Với cương vị là một người từng du học ở Mỹ và về Việt Nam để làm việc, ông nhận định điều này thế nào?

- Theo tôi thì du học sinh Việt Nam tham gia học tập, nghiên cứu ở nước ngoài là đại diện cho Việt Nam đi học chứ không chỉ học cho riêng mình. Với trách nhiệm của một người Việt thì cần có đóng góp cho đất nước, tuy nhiên đóng góp như thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn của mỗi người. Không hẳn ở lại là không đóng góp được cho đất nước và cũng không hẳn về nước sẽ đóng góp tốt hơn. Sự lựa chọn của mỗi người dù thế nào thì cũng cần được tôn trọng. Có thể hiện tại, các bạn chưa trở về Việt Nam vì trong nước chưa đủ môi trường, điều kiện nhưng đến một lúc nào đó họ sẽ trở về. Trí thức người Việt, dù ở trong nước hay quốc tế, khi đạt được những thành công thì đó cũng đều là niềm tự hào của dân tộc chúng ta.

* Muốn chăn nuôi an toàn cần hạn chế sử dụng chất kháng sinh

* Để sinh viên không bỡ ngỡ với thực tế cuộc sống và để nâng chất sinh viên, đối với bộ môn Chăn nuôi chuyên sâu, sinh viên được đào tạo như thế nào?

- Trong quá trình giảng dạy tại trường, vừa là để có nơi nghiên cứu, vừa cho sinh viên tiếp cận những kiến thức thực tế, chúng tôi đã xây dựng trang trại để nghiên cứu thức ăn trong chăn nuôi và xây dựng quy trình chăn nuôi không sử dụng kháng sinh. Chúng tôi đã và đang nghiên cứu ứng dụng quy trình chăn nuôi gà trên cơ sở khoa học nghiêm ngặt; từ khâu vệ sinh chuồng trại, dinh dưỡng, sử dụng vaccine… cho đến các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng gà.

Trong trại này, chúng tôi lựa chọn những em sinh viên có đam mê, có khả năng phối hợp nghiên cứu để thực tập, thực nghiệm, từ lúc trại được xây dựng đến nay cũng đã có khoảng 400 em. Những em sinh viên được đào tạo thực nghiệm ngay từ đầu sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn sau khi ra trường. Chúng tôi cũng đã thành lập thêm một trung tâm chăn nuôi, thực nghiệm tại tỉnh Bình Dương, ở đây có mô hình chăn nuôi heo, gà khép kín.

Sinh viên đang thực hành nghiên cứu tại trại thực nghiệm. Ảnh: Văn Gia
Sinh viên đang thực hành nghiên cứu tại trại thực nghiệm. Ảnh: Văn Gia

* Dù là ngành kinh tế quan trọng nhưng Chăn nuôi của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều yếu kém. Góc nhìn của ông về vấn đề này ra sao?

- Chăn nuôi nói chung, nhất là chăn nuôi của Việt Nam hiện nay rất dễ bị tổn thương. Đó là vì không có chỗ dựa vững chắc, chăn nuôi của chúng ta vẫn chưa tự chủ được về con giống, nguyên liệu thức ăn. Đây là những yếu tố cấu thành nên từ 70-80% giá thành của chăn nuôi. Quy mô ngành Chăn nuôi, nhất là những loài thiết yếu như: heo, gà còn mang tính nhỏ lẻ đối với hộ nông dân, khi có biến động sẽ gặp bất lợi lớn. Hoặc người dân cũng phần nhiều chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nên giá trị thực chất mang lại cho người chăn nuôi không cao.

Để nâng giá trị ngành Chăn nuôi và phát triển theo hướng bền vững, hiện đại thì điều cần thiết đầu tiên là giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi giống và thức ăn. Nhà nước cần có chính sách tự chủ trong nguồn giống, xây dựng vùng nguyên liệu chăn nuôi, đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nội đầu tư mạnh vào chăn nuôi.

* Còn mức độ an toàn của sản phẩm ra sao, phải chăng đã đến lúc cần phải hạn chế dùng các chất kháng sinh trong chăn nuôi, thưa ông?

- Chăn nuôi là ngành mà tôi học và nghiên cứu từ nhiều năm nay. Nói thật ra, thực phẩm của chúng ta hiện nay còn nhiều nguy cơ mất an toàn chứ không chỉ riêng ngành Chăn nuôi. Vấn đề tồn dư kháng sinh trong vật nuôi cũng có khả năng gây hại cho sức khỏe con người nên cần hạn chế.

Nhưng để làm được thì cần phải có chiến lược và thời gian, riêng đối với những nhà chăn nuôi phải có ý thức chăn nuôi an toàn. Chỉ khi người chăn nuôi tự giác, làm được điều đó thì mới có thể hạn chế được việc lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh vào vật nuôi.

* Xin cảm ơn ông!

PGS-TS Chế Minh Tùng sở hữu nhiều giải thưởng trong quá trình học tập, nghiên cứu ở Mỹ như: Dr.Tim S.Stahly (cho sinh viên sau đại học xuất sắc về dinh dưỡng heo vùng Trung Tây của Mỹ); Nhà khoa học trẻ khu vực Bắc Mỹ của Alltech; Nhà khoa học trẻ toàn cầu của Alltech; Sinh viên sau đại học xuất sắc (ĐH Illinois - Mỹ) vào năm 2009.

Mang hoài bão trở thành một chuyên gia đầu ngành của ngành Chăn nuôi, PGS-TS Chế Minh Tùng luôn tâm niệm phải trở về quê hương để cống hiến, truyền đạt lại những gì đã lĩnh hội được.

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều