Ngày 23-5-2021, cùng với cử tri cả nước, cử tri Đồng Nai sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - những người đại biểu của dân, thay mặt người dân quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng và tối cao. Lá phiếu, sự lựa chọn của cử tri, sẽ quyết định ai sẽ là người đại diện cho mình trong 5 năm tới trong các cơ quan quyền lực nhà nước.
Ngày 23-5-2021, cùng với cử tri cả nước, cử tri Đồng Nai sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - những người đại biểu của dân, thay mặt người dân quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng và tối cao. Lá phiếu, sự lựa chọn của cử tri, sẽ quyết định ai sẽ là người đại diện cho mình trong 5 năm tới trong các cơ quan quyền lực nhà nước.
Công tác chuẩn bị bầu cử tại một điểm bầu cử ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Huy Anh |
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiến định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Để thực hiện quyền lực này, người dân thông qua các đại biểu của mình. Vì lẽ ấy, việc bầu cử không chỉ là ngày hội, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước mà còn là diễn đàn để mỗi người dân - công dân thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Trong các hình thức dân chủ hiện nay ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, hình thức dân chủ trực tiếp là điều mong muốn và hướng tới của các quốc gia, dân tộc. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23-5-2021 hôm nay, mỗi cử tri đang thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp rõ nét nhất.
Dân chủ trực tiếp để bầu ra các đại biểu thật sự xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, để rồi mỗi cử tri thông qua các đại biểu được bầu tiếp tục thực hiện quyền của mình thông qua hình thức dân chủ gián tiếp. Có lẽ vì tầm quan trọng ấy nên việc các cử tri lựa chọn các đại biểu thật sự xứng đáng, thay mặt cho mình để quyết định những vấn đề trọng đại của địa phương, của đất nước là một công việc hệ trọng. Dân chủ đại diện chỉ thật sự phát huy tác dụng khi các đại biểu do cử tri lựa chọn thật sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hình thức này sẽ không mang lại hiệu quả rõ rệt khi chính các đại biểu do người dân bầu ra nhưng lại thiếu trách nhiệm hoặc không làm tròn trách nhiệm của mình. Vì vậy, lá phiếu của mỗi cử tri ngày 23-5 cầm trên tay tuy rất nhẹ song lại đang mang một trọng trách nặng nề.
Để các cơ quan dân cử phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình, điều kiện đầu tiên là phải lựa chọn được những đại biểu thật sự có trí tuệ, bản lĩnh, phải là những người thật sự đại diện, người bảo vệ cho quyền lợi của người dân, nói lên tiếng nói của người dân ở những diễn đàn quan trọng. Cơ cấu là một nội dung quan trọng trong bầu cử ở Việt Nam để đảm bảo tối đa mục đích các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều có đại biểu của mình.
Thế nhưng, cao hơn hết vẫn là chất lượng của đại biểu. Các đại biểu của dân phải thật sự là những người có đủ dũng khí để đi đến cùng sự việc mà người dân quan tâm. Các đại biểu không chỉ cần tâm huyết, trách nhiệm mà còn phải là những chuyên gia, những người có khả năng giám sát, phản biện, tham gia xây dựng chính sách. Đại biểu của dân còn cần phải có dũng khí để sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức trong quá trình làm nhiệm vụ; trước những vấn đề cử tri quan tâm, những vấn đề liên quan đến lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân và cao hơn tất cả là những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh.
Các ứng cử viên được đưa vào danh sách đều là những người đã trải qua nhiều cuộc “sát hạch”. Thế nhưng bầu cử là sự lựa chọn, danh sách bầu luôn có số dư không nhỏ, vì vậy việc cân nhắc lựa chọn của cử tri đối với mỗi ứng cử viên có ý nghĩa quan trọng. Trước cuộc bầu cử, đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Đó là một “kênh” thông tin không kém phần quan trọng để mỗi cử tri quyết định chọn đúng người đại diện cho mình.
Tham gia bầu cử đầy đủ và có trách nhiệm, mỗi người dân đã góp phần mình trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, tham gia vào quá trình quản lý đất nước. Những thùng phiếu đã sẵn sàng để đón nhận những lá phiếu đầy trách nhiệm của những công dân trách nhiệm.
Hồng Phúc