Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị ''đường băng'' cho thời kỳ mới

03:05, 01/05/2021

5 năm sắp tới là giai đoạn được coi như "thời cơ vàng" của Đồng Nai trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Là cửa ngõ của đầu tư, giao thương trong nước, quốc tế, Đồng Nai đã chủ động xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn.

5 năm sắp tới là giai đoạn được coi như “thời cơ vàng” của Đồng Nai trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Là cửa ngõ của đầu tư, giao thương trong nước, quốc tế, Đồng Nai đã chủ động xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn.

Hạ tầng cảng biển là một trong những ưu tiên phát triển của Đồng Nai để phục vụ giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng trên địa bàn. Trong ảnh: Một góc cảng Đồng Nai. Ảnh: V.Thế
Hạ tầng cảng biển là một trong những ưu tiên phát triển của Đồng Nai để phục vụ giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng trên địa bàn. Trong ảnh: Một góc cảng Đồng Nai. Ảnh: V.Thế

Với các định hướng lớn về phát triển, địa phương đang từng bước chuẩn bị “đường băng” cho giai đoạn tăng tốc sắp tới, vấn đề là sự nỗ lực, chung tay của các cấp, ngành cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân để có thể đạt được những kết quả khả quan.

* Nhiều định hướng phát triển đột phá

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh thông qua cuối năm 2020 đã xác định những định hướng phát triển cho cả giai đoạn. Theo đó, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các địa phương có điều kiện, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ở từng địa bàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo hiệu quả. Chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp, giải pháp hiệu quả để thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Về định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai quan tâm đầu tư phát triển đối với các địa phương có tiềm năng và lợi thế; trong đó xác định H.Long Thành và H.Nhơn Trạch có tiềm năng và dư địa lớn cần đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ- thương mại. Các trục (tuyến), bao gồm tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây, tuyến phía Đông cũng được phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: đô thị; du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng chất lượng cao; dịch vụ vui chơi, giải trí. Từ đó, tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược của tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.

Ngoài ra, việc chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng hoàn thành là rất quan trọng. Dự án này được xác định là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ logistics, dịch vụ bất động sản của địa phương.

Đối với từng ngành kinh tế, Đồng Nai khuyến khích DN đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tùy tình hình thực tiễn, sẽ nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Song song đó là khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, xây dựng hệ sinh thái DN của tỉnh.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, xu thế hiện nay của phát triển là đổi mới, sáng tạo. Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng đối với Đồng Nai, khu vực cũng như cả nước nếu muốn phát triển bền vững. Do đó, trong từng quá trình phát triển của mình, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Đồng Nai mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác với các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo sự liên kết vùng và động lực phát triển mạnh mẽ hơn.

* Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số…, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ số, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa đạng và phát triển…

Theo Sở Công thương, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ động cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường. Đồng thời, tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tại các địa phương; tạo điều kiện phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với phát triển mạng lưới phân phối tại khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2021 này, ngành công thương phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 200-202 ngàn tỷ đồng, tăng từ 10-11% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, dự kiến trong năm nay sẽ ra mắt Sàn thương mại điện tử Đồng Nai.

Ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho hay, Sở sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN triển khai và khuyến khích người dân, DN sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ mở rộng mạng lưới trung tâm xử lý để DN chuyển sản phẩm đến tay khách hàng nhanh, hiệu quả và an toàn hơn...

Đối với “mạng lưới” thanh toán điện tử, các dịch vụ ngân hàng số, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng thương mại đã phối hợp với nhiều đơn vị, công ty triển khai các hoạt động, kênh thanh toán trực tuyến như: thu tiền điện, tiền nước, thu phí nhiều dịch vụ về y tế, giao thông, hóa đơn điện tử… thông qua các hình thức như: internet banking, mobile banking, trích nợ tự động. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn triển khai thêm ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhiều dịch vụ công, tuyên truyền, áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội...

Để chuẩn bị đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số, chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020. Theo đó, mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, hiện đại, phát triển kinh tế năng động dựa trên khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và cả nước. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; phấn đấu xây dựng và chuyển đổi liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế và sản phẩm công nghiệp khác biệt, nổi trội.

 

Vương Thế - Hoàng Hải

Tin xem nhiều