Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ngôi nhà 'thở' trong lòng thành phố

09:04, 03/04/2021

Là người sáng tạo nên những công trình có thể "thở" 24/24 giờ với lối kiến trúc sáng tạo, độc đáo và đặc biệt là gần gũi với thiên nhiên, kiến trúc sư (KTS) Bùi Thế Long (người Đồng Nai, đồng sáng lập CTA  - Creative Architects, TP.HCM) cho biết: "Kiến trúc nhà ở đô thị đang thay đổi rất nhiều nhờ những thiết kế độc đáo, sáng tạo, đó là điều cần thiết khi mật độ dân số ngày càng đông, con người có xu hướng tìm về với thiên nhiên và những ngôi nhà cũng cần được "thở".

Là người sáng tạo nên những công trình có thể “thở” 24/24 giờ với lối kiến trúc sáng tạo, độc đáo và đặc biệt là gần gũi với thiên nhiên, kiến trúc sư (KTS) Bùi Thế Long (người Đồng Nai, đồng sáng lập CTA  - Creative Architects, TP.HCM) cho biết: “Kiến trúc nhà ở đô thị đang thay đổi rất nhiều nhờ những thiết kế độc đáo, sáng tạo, đó là điều cần thiết khi mật độ dân số ngày càng đông, con người có xu hướng tìm về với thiên nhiên và những ngôi nhà cũng cần được “thở”.

KTS Bùi Thế Long
KTS Bùi Thế Long

Tìm về tự nhiên

* Với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, góc nhìn của anh đối với kiến trúc nhà ở đô thị  thay đổi như thế nào?

-  Tôi được tiếp cận và chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi lối kiến trúc thiên về sáng tạo, khai thác hiệu quả tối ưu trong việc tận dụng năng lượng tự nhiên, sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên cũng như cảnh vật xung quanh. Trước đây, tư duy kiến trúc thường theo hướng duy mỹ, cái gì cũng phải đẹp, hoàn hảo, còn hiện nay thì hướng tới những công trình bình thường, đơn giản nhưng khác biệt, chú trọng đến chất lượng cuộc sống.

Điều này thôi thúc tôi đồng sáng lập CTA - nơi gặp gỡ của những KTS trẻ, hoạt động kiến trúc với tinh thần học hỏi và đề cao sự sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những trải nghiệm thú vị trong các không gian kiến trúc. Ngoài ra, CTA còn có những hoạt động học thuật, nghiên cứu, sáng tạo nhằm tạo ra những giải pháp góp phần khắc phục các vấn đề còn tồn đọng của xã hội hiện nay, trong đó có nhà ở đô thị.

* Vậy anh đã thể hiện góc nhìn mới về kiến trúc qua những công trình nhà ở biết “thở” ở  đô thị như thế nào?

- Hiện nay khoảng 90% các công trình nhà ở đô thị đều được thực hiện theo lối xây dựng cơ bản, bê tông cốt thép chiếm ưu thế vì tính tối ưu của nó trong khi chất lượng môi trường không khí lại đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, nhất là với người già và trẻ em.

Biên Hòa cũng như nhiều đô thị đang phát triển khác đều gặp phải vấn đề về kiến trúc nhà phố, đó là sự manh mún về quy hoạch và kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và vấn đề môi trường. Diện tích đất nhỏ cộng với sự sao chép rập khuôn thiết kế nhà ống khiến cho các không gian mở bị hạn chế, trong khi mảng xanh đô thị, những công trình “xanh” lại rất khiêm tốn.

Mặt khác, những thiết kế nhà phố thông minh, đồng bộ lại chưa được chú trọng triển khai trên thực tế. Do đó, việc tạo ra không gian kiến trúc hiện đại song hành với tiện ích cho người dân gắn với  bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng là vấn đề không kém phần quan trọng hiện nay.

Trong bối cảnh các đô thị có mật độ dân cư đông, các mảng xanh còn quá ít thì việc ưu tiên những vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường được cân nhắc. Chính vì thế, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về một công trình có thể “thở” được 24/24 giờ. Đối với công trình ở TP.Biên Hòa thì tại khu đất xây dựng nhà là một mảnh vườn nằm cạnh sông Đồng Nai, chúng tôi đã cân nhắc giữ lại gần như nguyên vẹn khu vườn hiện trạng.

Công trình được xây dựng về một góc vườn để giảm tác động lên hệ thống cây xanh hiện hữu cũng như giữ cảnh quan ven sông. Từ ý tưởng đó, ngôi nhà có tên Wall House dần được định hình.

Đó là một ngôi nhà hình thành từ 8 khối không gian riêng được bao bọc bởi các bức tường thông thường. 8 khối này nằm xen kẽ và giao với một khối không gian chung, khối này được hình thành từ các bức tường thở bằng gạch. Việc sử dụng các vật liệu truyền thống như: gạch tàu, gạch 4 lỗ cháy… nhằm đem lại hiệu ứng thẩm  mỹ cũng như đạt hiệu quả về ý đồ kiến trúc.

Ngoài ra, các mảng tường “thở” và các khoảng giếng trời xen kẽ giúp các khối phòng tăng ánh sáng, không khí lưu thông, kết hợp cây xanh làm dịu mát. Nhờ vậy, không khí trong nhà luôn mát mẻ và ánh sáng chan hòa. Khi ranh giới giữa đặc và rỗng, giữa bên trong và bên ngoài bị xóa nhòa, một không gian sống mới được tạo thành. Ở đó, con người được sống gần gũi với tự nhiên hơn.

Để mọi người xích lại gần nhau

* Ngoài yếu tố “xanh”, các thiết kế nhà ở đô thị của anh còn chú trọng đến chất lượng cuộc sống?

- Đúng, đó là yếu tố không thể thiếu trong các công trình kiến trúc hiện nay bởi tôi quan niệm nhà ở phải thực sự thoải mái, gắn kết các thành viên trong gia đình. Khi thiết kế, tôi đề cao vấn đề cuộc sống diễn ra trong ngôi nhà đó như thế nào thay vì hình dáng của nó trông như thế nào.

Wall House - công trình nhà “thở” của kiến trúc sư Bùi Thế Long tại TP.Biên Hòa.
Wall House - công trình nhà “thở” của kiến trúc sư Bùi Thế Long tại TP.Biên Hòa.

Như với Wall House, không gian chung và sinh hoạt trong ngôi nhà được chú trọng hơn, giúp mọi người dễ dàng nhìn thấy nhau và tăng sự tương tác, kết nối trong nhịp sống đô thị hối hả. Đó là một không gian sinh hoạt chung ở tầng trên thông hướng xuống tầng dưới và các sinh hoạt hằng ngày diễn ra dưới tán cây, nơi ông nằm võng, bà làm bếp, mấy trẻ nhỏ vui chơi…

Hay với một ngôi nhà có tên T House ở Bình Dương cũng vậy. Ban đầu chị chủ nhà muốn xây dựng nhà theo kiểu mái Thái rất phổ biến và na ná như nhà hàng xóm. Tôi đã đề nghị chị kể về mong muốn, thói quen, tính cách của các thành viên trong gia đình. Sau đó, tôi đã mường tượng ra câu chuyện mà chị muốn kể và cố gắng tái hiện nó. Ý tưởng chính của công trình là một không gian mà tất cả các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng nhìn thấy nhau, làm cho mọi người trở nên gần nhau hơn nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố cảnh quan, cản được nhiệt, đảm bảo yếu tố thông gió, chiếu sáng cho toàn bộ ngôi nhà, một  giải pháp tự thân cho vấn đề tiết kiệm năng lượng.

Ngôi nhà này là nơi người vợ dễ dàng quan sát các thành viên khác, thấy chồng tập thể dục buổi sáng, thấy trẻ nhỏ chơi đùa, đọc sách trong không gian ngập tràn ánh nắng và bóng cây…

Wall House - công trình nhà “thở” của kiến trúc sư Bùi Thế Long tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Hiroyuki Oki
Wall House - công trình nhà “thở” của kiến trúc sư Bùi Thế Long tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Hiroyuki Oki

* Anh có giải pháp cụ thể nào để tạo ra những không gian mới trong kiến trúc nhà phố?

- Nhà phố là loại hình ở phổ biến nhất trong các đô thị lớn và hiện nay là các đô thị mới. Mặt khác nhà phố còn thể hiện văn hóa, bản sắc đô thị, nhịp điệu của phố phường. Tuy nhiên, kiến trúc nhà phố hiện nay chủ yếu còn manh mún, riêng lẻ mà ít chú ý đến tổng thể, tính thực tiễn cũng như nhu cầu thực tế của cư dân đô thị. Do có vị trí thường bám theo các tuyến đường, nên nhà phố thường thụ động trong việc lựa chọn hướng, khó tận dụng ánh sáng, sự lưu thông không khí sâu trong nhà. Kiến trúc nhà phố là vấn đề lớn và nan giải, ngoài các giải pháp từ các nhà quy hoạch và sự quản lý của Nhà nước, những ý tưởng kiến trúc nhà phố cũng đang được nghiên cứu và đề xuất.

Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu để hiện thực hóa dự án tạo không gian xanh cho nhà phố với việc phát huy vai trò khoảng lùi của công trình. Thường nhà phố sẽ có cầu thang ở giữa nhà, dưới cầu thang thường là diện tích “chết”, do đó mô hình này sẽ gộp diện tích dưới cầu thang với khoảng lùi xây dựng phía sau nhà để làm thành một không gian liền kề giữa các nhà phố với nhau. Việc này không ảnh hưởng đến diện tích, không gian sử dụng của từng ngôi nhà mà còn tạo ra một không gian sinh hoạt chung như là một “con hẻm” phía sau dãy nhà phố với nhiều cây xanh và khoảng mở, khắc phục được sự hạn chế về lưu thông không khí một bề của nhà phố hiện nay…

* Xin cảm ơn anh!

Nhật Hạ (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều