Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở 20 quốc gia, trong đó có Afghanistan, Syria, Yemen, Venezuela và các nước châu Phi có thể sẽ tồi tệ hơn trong vài tháng tới.
Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở 20 quốc gia, trong đó có Afghanistan, Syria, Yemen, Venezuela và các nước châu Phi có thể sẽ tồi tệ hơn trong vài tháng tới.
Người tị nạn tại một trại tạm ở tỉnh Hasakeh, Đông Bắc Syria ngày 18-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong báo cáo vừa công bố, WFP cho biết: “Nhìn vào triển vọng từ tháng 3 đến tháng 7-2021, có 20 quốc gia và khu vực có khả năng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tiếp tục tồi tệ hơn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói, có liên quan hoặc cộng hưởng với nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do xung đột, các cú sốc về kinh tế, tác động của Covid-19 đối với kinh tế - xã hội, thời tiết khắc nghiệt và sự lây lan của sâu bệnh ở thực vật và dịch bệnh ở động vật”.
Báo cáo cho biết Yemen, Nam Sudan và Nigeria là các quốc gia có mối quan ngại cao nhất, cần có hành động nhân đạo khẩn cấp để duy trì sự sống và sinh kế cũng như ngăn chặn bất kỳ tình trạng tồi tệ nào tiếp theo. Trên khắp các nước này, những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói như các rủi ro về xung đột, thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, các hạn chế tiếp cận nhân đạo, được dự báo sẽ phát triển và cộng hưởng với nhau trong những tháng tới.
Theo báo cáo, rủi ro kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ở Venezuela, Haiti, tam giác phía Bắc Trung Mỹ, Syria, Liban, Sudan, Zimbabwe, Sierra Leone và Liberia. Các rủi ro thiên tai do hiện tượng La Nina đang diễn ra có khả năng ảnh hưởng đến Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Madagascar, Angola và Trung Mỹ. Nạn châu chấu sa mạc vẫn còn ảnh hưởng ở bờ Biển Đỏ, Đông Phi và các nước ở phía Nam châu Phi, bao gồm Botswana, Namibia và Zambia. Thêm vào đó, xung đột và những trở ngại liên quan đến việc tiếp cận nhân đạo sẽ tiếp tục là một yếu tố gây mất an ninh lương thực đáng kể ở Yemen, Syria, Liban, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Ethiopia, Venezuela, Mali, Burkina Faso, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi và Niger.
Báo cáo đánh giá nhìn chung, hơn 34 triệu người trên toàn thế giới đang phải đối mặt với các mức độ khẩn cấp của tình trạng đói cấp tính, có khoảng cách về tiêu thụ lương thực nghiêm trọng và phải vật lộn với tỷ lệ tử vong quá mức. Để ngăn chặn nạn đói và khẩn trương mở rộng quy mô hỗ trợ, WFP và Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của LHQ (FAO) vào đầu tháng này đã kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp trị giá 5,5 tỷ USD cho năm 2021.
TTXVN