Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngọt ngào giai điệu tài tử

09:04, 03/04/2021

Đờn ca tài tử (ĐCTT) vốn được xem là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Những "thánh đường" ĐCTT một thời rực rỡ đã đi vào niềm thương, nỗi nhớ của những ai yêu nghệ thuật, bởi lời ca tiếng hát mộc mạc, bình dị như chính cốt cách của người Nam bộ.

Đờn ca tài tử (ĐCTT) vốn được xem là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Những “thánh đường” ĐCTT một thời rực rỡ đã đi vào niềm thương, nỗi nhớ của những ai yêu nghệ thuật, bởi lời ca tiếng hát mộc mạc, bình dị như chính cốt cách của người Nam bộ.

Các thành viên của CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân tại TT.Gia Ray
Các thành viên của CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân tại TT.Gia Ray

Dẫu gặp không ít khó khăn, thăng trầm nhưng ĐCTT trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn sống trong lòng những người mộ điệu, lan tỏa ngày càng rộng hơn trong cộng đồng.

* Gần gũi và cuốn hút

Với những người yêu ĐCTT Nam bộ, hoạt động biểu diễn ĐCTT trên các tuyến phố không chỉ giúp người dân và du khách thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống gần gũi, bình dị mà còn thổi hồn, tạo nên sức sống các không gian công cộng. Đặc biệt gần đây, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi biểu diễn miễn phí với sự tham gia tích cực của hàng trăm nghệ nhân, tài tử ở 11 huyện, thành phố.

Sau khi “xuống” một bản tài tử, ông Hồ Ngọc Kính, Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Xuân Hiệp (H.Xuân Lộc) cho biết, không chỉ ông mà người dân ở H.Xuân Lộc cũng rất yêu thích và mê ĐCTT. Năm 2007, CLB ĐCTT của xã chính thức có quyết định thành lập và đi vào hoạt động, phong trào ca hát diễn ra sôi nổi. Vào những lúc rảnh rỗi, bà con địa phương tập hợp nhau lại để cùng vui chơi, ca hát. Mặc dù chưa được học bài bản, có khi lời ca, tiếng đờn chưa khớp nhau nhưng ai nấy đều rất vui vẻ, hào hứng.

Theo Quyết định 262/QĐ-UBND ngày 20-1-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có 31 CLB có tên trong đề án sẽ được hỗ trợ 200 ngàn đồng/CLB/tháng trong 60 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ này. Có rất nhiều lý do, song theo Sở VH-TTDL, do một số địa phương chưa triển khai thực hiện đề án của UBND tỉnh; nhiều địa phương lúng túng trong thực hiện hỗ trợ cho hoạt động thường xuyên và chế độ trách nhiệm hằng tháng cho các CLB.

“CLB ĐCTT xã Xuân Hiệp có 10 thành viên, thường xuyên được H.Xuân Lộc chọn để tham gia các liên hoan, hội thi ĐCTT tỉnh Đồng Nai. Mới đầu chúng tôi biểu diễn còn rất vụng về. Sau mỗi liên hoan, chúng tôi gặp nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, học hỏi kinh nghiệm, xin các đĩa CD về 20 bài bản tổ, các bài bản mới về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình… để tự tập luyện thêm. Đến nay, hầu hết các thành viên trong CLB đều nắm vững các bài bản và biểu diễn thành thạo” - ông Kính chia sẻ.

Có dịp xem CLB ĐCTT của tỉnh và của H.Xuân Lộc giao lưu vào tối 28-3 tại Hoa viên 9-4 (TT.Gia Ray), bà Phùng Thị Ngọc (cán bộ hưu trí) cho biết, nếu như trước đây, bà xem các chương trình ĐCTT qua truyền hình thì nay được xem ĐCTT một cách hoàn toàn mới - đó là tại không gian công cộng. Nghệ nhân, tài tử say sưa biểu diễn còn người xem càng lúc càng đông hơn.

“Trong không gian rộng rãi, thoáng mát và tự nhiên, tôi được thưởng thức gần 10 tiết mục biểu diễn rất bài bản và quy củ. Lời ca, tiếng đờn đã khuấy động không khí xung quanh, người dân đến xem rất đông. Dù không hiểu rõ lắm về ĐCTT, nhưng tôi thấy rất thú vị. Cháu gái tôi đã dùng điện thoại ghi lại những đoạn hay để giới thiệu với bạn bè trên Facebook” - bà Ngọc bộc bạch.

Bên cạnh lớp nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, có một lực lượng đông đảo thành viên học sinh, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp cũng hào hứng tham gia CLB ĐCTT. Dù không mang màu sắc biểu diễn chuyên nghiệp, không có sân khấu hoành tráng với những cảnh trí bắt mắt nhưng các tài tử đã cùng nhau hát bằng chính giọng hát thật của mình hòa với tiếng đờn lúc trầm, lúc bổng. Khán giả kẻ đứng, người ngồi nhưng trên mỗi gương mặt, trong mỗi ánh mắt của họ đều toát lên niềm say mê với ĐCTT.

Cũng theo ông Kính, hiện nay trên địa bàn H.Xuân Lộc chưa có CLB ĐCTT trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện mà chỉ có các CLB tại các xã: Xuân Hiệp, Xuân Hòa, Bảo Hòa, Xuân Hưng, Xuân Trường. So với các xã, CLB xã Xuân Hiệp hoạt động có phần nổi bật hơn, tổ chức giao lưu, đưa ĐCTT đến nơi công cộng nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là CLB chưa có sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để trang bị thêm các dụng cụ luyện tập.

* Lan tỏa tình yêu ĐCTT

Theo báo cáo công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh, so với các tỉnh, thành khác ở Nam bộ, ĐCTT ở Đồng Nai xuất hiện muộn hơn do đây chỉ là vùng lan tỏa. Đầu năm 2010, ngành Văn hóa đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học nghệ thuật ĐCTT cùng với 20 tỉnh, thành khu vực Nam bộ, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua kiểm kê có 31 CLB với hơn 350 thành viên thực hành loại hình di sản này thường xuyên. Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 57 nhóm, CLB ĐCTT hoạt động tại 11 huyện, thành phố.

Việc đưa ĐCTT trình diễn tại nhiều không gian công cộng của các CLB vài năm trở lại đây đã và đang phát huy hiệu quả và tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Để đưa ĐCTT đến các không gian, biểu diễn cuối tuần phục vụ người dân và du khách, các thành viên mỗi CLB phải luyện tập, chuẩn bị hằng tuần. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu và đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

“Có nhiều tài tử ca làm việc trong các công ty, là sinh viên… thời gian luyện tập và đi biểu diễn dù rất khó khăn nhưng không ai bỏ buổi nào. Chúng tôi chỉ mong qua lời ca, điệu nhạc có thể lan tỏa và nhân rộng phong trào ĐCTT đến với cộng đồng” - nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Cùng với hoạt động biểu diễn của các CLB, ngành Văn hóa đã tổ chức các liên hoan, hội diễn ĐCTT thường niên, giao lưu, biểu diễn với nhiều tỉnh, thành ở khu vực Nam bộ. Mở và nhân rộng các lớp dạy ĐCTT trong nhân dân, thu âm các đĩa CD 20 bài bản tổ, các lời mới về tình yêu quê hương, đất nước, con người và nông thôn mới Đồng Nai… Đặc biệt, trong không khí hướng về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, những âm điệu ngọt ngào của ĐCTT đã và đang tiếp thêm động lực, làm cho lòng người thêm tươi vui, phấn khởi.    

Yến Linh

Tin xem nhiều