Báo Đồng Nai điện tử
En

Để khách du lịch "chịu" về nông thôn

09:01, 15/01/2021

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đến nay được đánh giá là chương trình đầu tư cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn bài bản nhất, hiệu quả nhất và nhận được sự ủng hộ, sự đồng tâm hiệp lực của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đến nay được đánh giá là chương trình đầu tư cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn bài bản nhất, hiệu quả nhất và nhận được sự ủng hộ, sự đồng tâm hiệp lực của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Không có gì là “quá” khi nói rằng quá trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi gần như hoàn toàn diện mạo nông thôn. “Điện - đường - trường - trạm” - các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng… đều là những tiêu chí được quy định rõ ràng, cụ thể trong các bộ tiêu chí chuẩn để xét danh hiệu nông thôn mới. Sau nông thôn mới là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các vùng nông thôn lại thêm nhiều bước cải thiện từ bộ mặt làng quê đến chất lượng sống thực sự.

Tại nhiều vùng nông thôn của Đồng Nai hiện nay, không khó để bắt gặp những tuyến đường “sáng - xanh - sạch -  đẹp”, những khu vườn cây trái trù phú, những “ruộng lúa bờ hoa” đẹp đẽ… hoàn toàn có thể khai thác du lịch. Mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại thực ra không quá xa lạ tại nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Các tỉnh miền Tây  Nam bộ là một điển hình đặc sắc khi nhiều năm qua đã khai thác rất tốt mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với các công việc, tập quán truyền thống của nông dân miền Tây Nam bộ: câu cá, hái trái cây, các trò chơi dân gian sông nước, mô phỏng công việc đồng áng… Nhiều vùng nông nghiệp lớn khác trên cả nước cũng ứng dụng linh hoạt việc khai thác du lịch đi kèm với nông nghiệp như cho du khách tham quan trang trại rau, trang trai bò sữa, tham gia các hoạt động chế biến nông sản, trồng cây, nuôi cá, trải nghiệm phong cách sống, ẩm thực, văn hóa vùng nông thôn… Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế đem lại nhiều lợi nhuận, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, tạo nguồn lực bền vững giúp nông dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững.

Trên thực tế, du lịch nông nghiệp cũng được đánh giá là phù hợp cho phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Do đó, từ cuối năm 2018, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và Tổng cục Du lịch đã ký kết chương trình phối hợp, để xây dựng đề án cho chương trình quy mô quốc gia này, đồng thời giúp xây dựng bộ tiêu chí Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch…

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua một thực trạng là mặc dù đã trở nên khá phổ biến, song du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn còn nhiều bất cập và chưa khai thác hết tiềm năng. Theo đó, du lịch nông nghiệp hiện đang được khai thác một cách tự phát, manh mún nhiều hơn là chuyên nghiệp, bài bản. Các sản phẩm và dịch vụ thường bị trùng lặp, đơn điệu hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng, do đó khó thu hút và “giữ chân” du khách. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Chưa kể, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là hầu như cơ sở du lịch nông thôn nào cũng rất thiếu lao động được đào tạo, thiếu hoặc gần như không thể tìm được nguồn lao động có kỹ năng phục vụ, khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch...

Về sản phẩm du lịch nông thôn, không thể phủ nhận ở nhiều vùng đã phát triển được những dòng sản phẩm đặc sắc gắn với làng nghề truyền thống, đặc sản đại diện cho nông sản trong vùng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ … Tại nhiều nơi còn phát triển được các dịch vụ trải nghiệm du lịch gắn với văn hóa làng xã, các bộ môn nghệ thuật truyền thống… Song hầu hết vẫn chưa chuyên nghiệp, bài bản.

Vậy nên, để du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới một cách bài bản, rõ ràng cần đến “bàn tay chính sách”. Trong đó có sự “thiết kế” rõ ràng các sản p00hẩm, dịch vụ du lịch gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, gắn với thế mạnh đặc thù từng vùng, từng địa phương. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở trên nền tảng khai thác thế mạnh văn hóa từng địa phương. Bên cạnh đó là sự đầu tư cho nguồn lực con người một cách lâu dài. Xây dựng nông thôn mới là quá trình đã được xác định là “không có điểm dừng”, chính vì vậy, phát triển du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới cũng đòi hỏi được quan tâm chú ý một cách căn cơ nhất.     

Vi Lâm
 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích