Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người tình nguyện vì môi trường xanh

09:01, 15/01/2021

Để nâng cao nhận thức của nhân dân về môi trường và đa dạng sinh học, từ năm 2009 đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (KBT) phối hợp với các xã, trường học trên địa bàn H.Vĩnh Cửu thành lập hơn 50 CLB xanh và thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, dọn vệ sinh nơi công cộng, trồng cây gây rừng, bảo vệ các loại động, thực vật và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương.

Để nâng cao nhận thức của nhân dân về môi trường và đa dạng sinh học, từ năm 2009 đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (KBT) phối hợp với các xã, trường học trên địa bàn H.Vĩnh Cửu thành lập hơn 50 CLB xanh và thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, dọn vệ sinh nơi công cộng, trồng cây gây rừng, bảo vệ các loại động, thực vật và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương.

Các thành viên CLB Xanh Trường THCS Mã Đà giới thiệu sản phẩm tái chế tại một sự kiện truyền thông vì môi trường     Ảnh: H.LỘC
Các thành viên CLB Xanh Trường THCS Mã Đà giới thiệu sản phẩm tái chế tại một sự kiện truyền thông vì môi trường. Ảnh: H.LỘC

Đây là đơn vị quản lý rừng có số lượng CLB xanh hoạt động vì môi trường nhiều nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

* Thay đổi vì cuộc sống xanh

Ấp Bình Chánh (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) có gần 200 hộ dân, trong đó hơn 20% hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá dưới lòng hồ Trị An. Để hạn chế tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới nước, KBT cùng với ban ấp thành lập CLB Xanh Cu Li Nhỏ. Sau hơn 4 năm, số hộ làm nghề giảm 1/2, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ vùng đất ven hồ.

Bà Lê Thị Lệ Thu, Chủ nhiệm CLB Xanh Cu Li Nhỏ cho biết, thời gian đầu, người dân gần như không hợp tác bởi đây là nghề kiếm sống của nhiều gia đình. Hằng đêm, các thành viên trong CLB xanh không quản đường sá chia nhau đến từng gia đình tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Với những hộ gia đình đặc biệt khó khăn, không có đất sản xuất, ấp đề xuất xã đưa vào danh sách hộ nghèo hoặc cận nghèo để họ được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc vốn sản xuất. Đến nay, nhiều hộ gia đình tự nguyện bỏ nghề đánh bắt chuyển sang làm công việc khác, một số hộ còn làm nghề nhưng không dùng ngư cụ cấm, xung điện đánh cá nữa.

Tùy theo địa bàn, đặc điểm từng ấp, mỗi CLB xanh xác định nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng kế hoạch hoạt động. Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Phó chủ nhiệm CLB Rừng Xanh (ấp 1, xã Mã Đà) chia sẻ, đặc trưng của vùng đất Mã Đà là rừng tự nhiên, một trong những lợi thế khai thác du lịch sinh thái. Để người dân kiếm được tiền từ lợi thế này, CLB Rừng Xanh cùng với Trung tâm Sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (thuộc KBT) lắp đặt các thùng rác, trồng và chăm sóc dọc đường 767 để làm tuyến đường hoa dài nhất Đồng Nai luôn sạch đẹp. Cùng với đó là tuyên truyền người dân phát triển vùng trồng cây ăn quả sạch, làm các sản phẩm thủ công bán cho khách du lịch. Một số sản phẩm handmade CLB Rừng Xanh làm vừa tuyên truyền chống rác thải vừa bán cho người có nhu cầu là: túi xách từ bao bì mì gói, chậu hoa từ vỏ lon nhựa, hoa từ vải vụn…

CLB Xanh Bằng Lăng Tím dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu)
CLB Xanh Bằng Lăng Tím dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu)

Bên cạnh việc phát triển mô hình ở các khu dân cư, KBT cũng xây dựng nhiều CLB xanh tại các trường học trên địa bàn. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Mã Đà cho biết, trường hiện có 4 CLB xanh với số lượng hơn 160 thành viên. Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm luôn tạo điều kiện cho các em học sinh tham gia các hoạt động như: sinh hoạt ngoại khóa trong rừng, tìm hiểu về các loài động, thực vật quý hiếm, đặc tính sinh trưởng; vẽ tranh cổ động, thi làm báo tường, viết bài cảm nhận liên quan đến loài động, thực vật, di tích lịch sử Chiến khu Đ; thực hiện các kế hoạch như: trồng vườn thuốc nam, thu gom rác thải và làm sản phẩm tái chế. “Mô hình này giúp các em hiểu về giá trị của rừng, từ đó có hành động thiết thực bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống” - cô Hiền chia sẻ.

* Góp phần bảo vệ rừng và đa dạng sinh học

Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ, với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, năm 2009, KBT thành lập 10 CLB Xanh tại các trường trong vùng đệm KBT với khoảng 300 em học sinh tham gia. Kinh phí do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) hỗ trợ. 2 năm sau các CLB Xanh tạm dừng hoạt động. Năm 2013, KBT tái khởi động mô hình nhưng tại các khu dân cư trong vùng lõi lẫn vùng đệm. Sau đó, mô hình này được nhân ra các trường học. Đến nay, KBT thành lập được 51 CLB Xanh (11 CLB tại các ấp và 40 CLB tại các trường học) với hơn 1,6 ngàn thành viên.

Sản phẩm tái chế từ bao bì mì gói của CLB Rừng Xanh
Sản phẩm tái chế từ bao bì mì gói của CLB Rừng Xanh

Hằng năm, KBT cùng các CLB xanh tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa; ra quân dọn vệ sinh trên các tuyến đường, trường học, khu dân cư, chợ, bến cá. Riêng các CLB xanh ở trường học, KBT tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu thực tế các loài động, thực vật, mối đa dọa của con người đối với thiên nhiên, những việc các em có thể làm để chung tay bảo vệ môi trường… “Những chuyến đi thực tế không chỉ bổ sung kiến thức về thiên nhiên, văn hóa - lịch sử mà thông qua đó, hướng các em có những hành động cụ thể để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương” - bà Hương cho hay.

Em Lê Nguyễn Hồng Hà, Trường THCS Mã Đà cho biết, sau 2 năm tham gia CLB xanh của trường em đã tự tin hướng dẫn các bạn trong lớp cách phân loại rác, làm một số sản phẩm tái chế từ giấy vụ và rác thải. Mong muốn của Hà là KBT và nhà trường có nhiều hoạt động ngoại khóa, nhiều hội thi để các em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệp từ CLB xanh của các trường khác.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc KBT cho rằng, các CLB xanh là cầu nối gắn kết KBT với cộng đồng dân cư. Nhờ các hội viên, tình nguyện viên mà hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Từ khi có các CLB xanh, tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi xả rác thải ra đường giảm hẳn, ngày càng xuất hiện nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; số lượng các vụ vi phạm liên quan đến săn bắn thú rừng, chặt cây xanh, đánh bắt cá và lấn chiếm đất thuộc KBT quản lý cũng giảm đáng kể.

Theo ông Hảo, thời gian tới, KBT tiếp tục phát triển các CLB xanh theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, gắn hoạt động của CLB xanh với phong trào xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa sinh hoạt. Đa dạng các hoạt động tuyên truyền, tạo sân chơi bổ ích cho các CLB xanh.

Thực hiện dự án Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020, từ năm 2014 đến nay, KBT tái khởi động và phát triển được 40 CLB xanh tại các trường học, đồng thời thành lập 11 CLB xanh ở các ấp với hơn 1,6 ngàn thành viên.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều