Sơn Vương được xem như là "một hiện tượng kỳ lạ" của báo giới, văn đàn Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX bởi ông là nhà văn khá nổi tiếng nhưng đồng thời cũng là một tướng cướp, một "người tù thế kỷ". Nếu cộng tất cả các mức án mà ông phải chịu thì đúng 79 năm.
Chân dung nhà văn Sơn Vương năm 1970 |
Sơn Vương được xem như là “một hiện tượng kỳ lạ” của báo giới, văn đàn Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX bởi ông là nhà văn khá nổi tiếng nhưng đồng thời cũng là một tướng cướp, một “người tù thế kỷ”. Nếu cộng tất cả các mức án mà ông phải chịu thì đúng 79 năm. Nếu tính như vậy, năm 1933, khi ông bắt đầu thụ án tù đầu tiên, phải đến năm 2012 ông mới mãn hạn tù.
Theo tác giả Nguyễn Q. Thắng trong sách Sơn Vương - Nhà văn, người tù thế kỷ (NXB Văn học năm 2007, tất cả tư liệu trong bài viết đều lấy từ cuốn sách này), nhà văn Sơn Vương tên thật là Trương Văn Thoại “là nhà văn mà cũng là một tướng cướp, nhà lãnh đạo của “An Ninh quần đảo” (Quần đảo Nguyễn An Ninh)”, tức Côn Đảo. Sơn Vương tự là Vạn Năng, hiệu là Sơn Vương, quê quán làng Bình Nghị (Tân Duân Đông), H.Tân Phú, tỉnh Gò Công cũ, nay thuộc H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
* Tướng cướp trượng phu
Sơn Vương là hình ảnh tiêu biểu của những Lục Vân Tiên với tính cách trượng phu, anh hùng mã thượng, “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” của đấng nam nhi thời loạn. Cuộc đời ông phản ánh khá trung thực tính cách của người nông dân Nam bộ: hào sảng, trọng nghĩa, khinh tài, yêu tự do, chống áp bức bất công, chống cường quyền và bạo ngược.
Năm 17 tuổi, Sơn Vương bị bắt giam cùng một số người khi tham dự buổi mít tinh do một số nhà yêu nước như Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu... tổ chức tại Xóm Lách, Sài Gòn. Trong buồng giam, có một nữ sinh Trường Áo Tím, con của một gia đình khá giả ở Sài Gòn là Ngọc Dung. Khi bị chặn đồ ăn uống, nhìn sang bên cạnh thấy Ngọc Dung đói khát lả đi, ông đã chích tay mình để cho Ngọc Dung hút máu ông mà sống. Cảm phục hành động trượng phu, anh hùng này, sau này Ngọc Dung đã trở thành vợ ông.
Là nhà văn nhưng Sơn Vương là một tướng cướp, đúng với nghĩa đen của từ này. Về việc vì sao đi ăn cướp, trong một bài viết Sơn Vương đã giải thích và khẳng định rằng ông không hề trụy lạc, tứ đổ tường, bởi ông không hề uống một chung rượu dù ai bắt ép tới đâu, cũng không bài bạc. Với nghề “nạo óc viết văn”, ông khẳng định mình đủ làm phương tiện sinh sống, hà tất phải đi ăn cướp để vào tù và rục xương trong tù. Ông đi ăn cướp nhưng chỉ cướp của nhà giàu giúp cho người nghèo khổ và lấy tiền để giúp những người yêu nước làm cách mạng đánh đổ đế quốc thực dân. “Ăn cướp để làm gì? Điều này tôi không cần nói rõ chi tiết, vì đã có vong linh ông Nguyễn An Ninh và một số nhà cách mạng đàn anh quá cố và một số gia đình lao động ở Bàn Cờ và Xóm Trễ bị cháy nhà từ ba mươi mấy năm về trước (hiện nay còn sống) chứng kiến cho tôi” - đó là lời ông bằng giấy trắng mực đen.
Sơn Vương (thứ 2 bên trái qua) cùng gia đình |
Ông cũng khảng khái nhận rằng đã đi ăn cướp thì phải ở tù, nhưng với ông, đó là nghĩa vụ thiêng liêng nên dù ông là kẻ thích thi ân thì trước pháp luật ông là kẻ có tội. Tuy nhiên, Sơn Vương khẳng định rằng ông hãnh diện vì sau mỗi lần đi cướp, dù bị tra tấn cực hình ông vẫn luôn khai rằng đi cướp là để ăn chơi chứ không khai ra số tiền đi cướp đã làm gì, đã cho ai. Sơn Vương cho biết ông không khai một lời để ảnh hưởng đến các bậc đàn anh vì những việc ông làm đều do ông tự động chứ không ai xúi, ai biểu ông phải làm. Các nhà cách mạng đàn anh cũng không hề hay biết món tiền ông đưa là tiền “ăn cướp”. Chỉ biết rằng, có lần ông tổ chức vụ cướp giữa thanh thiên bạch nhật gần Tân Sơn Nhứt, người bị cướp là một chủ đồn điền cao su người Pháp. Toàn bộ số tiền cướp được ấy ông đã tặng cho người bạn Bắc (tức người miền Bắc) mà ông mới kết làm bạn thân để người bạn này lấy tiền đi làm cách mạng. Người bạn Bắc của ông là Nguyễn Phương Thảo, tức trung tướng Nguyễn Bình sau này. Sau vụ cướp, ông bị kết án tù, nhưng chủ đồn điền bị ông cướp là René Gaillard lại cảm phục ông và hai người họ trở thành đôi bạn thân.
Trong giai đoạn bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn, Sơn Vương đã thẳng tay trừng trị những tên cặp rằn hung ác trong trại giam nên đã được các tù nhân tặng cho biệt danh là “Đề lao hiệp khách”...
* Con đường văn chương
Người dẫn ông đi vào con đường viết báo, làm văn là nhà cách mạng nổi tiếng của Nam bộ: Nguyễn An Ninh. Cảm phục Nguyễn An Ninh, con một gia đình giàu có ở Nam bộ, tốt nghiệp cử nhân luật ở Pháp về, là chủ bút tờ La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) kiêm thủ lĩnh đảng Thanh niên cao vọng, Trương Văn Thoại đã dần dần bước vào nghiệp cầm bút.
Chiếc Peugeot mà René Gaillard áp tải tiền bị Sơn Vương chặn cướp. Nguồn: http://tintucmientay.com.vn/ |
Khi viết báo, làm văn, cũng giống Nguyễn An Ninh, ông tự đi bán tác phẩm của mình. Trương Văn Thoại đã lấy bút danh Sơn Vương để ký sau mỗi bài viết, mỗi tác phẩm, cái bút danh mà theo ông đã “làm hại cái đời” ông. Sơn Vương giải thích sở dĩ ông lấy bút danh là Sơn Vương bởi chữ “Thoại” trong tên ông được ghép bởi 3 chữ Hán là chữ “Sơn”, “Vương” và “Nhi” nên khi viết văn ông chiết tự lấy ra hai chữ là “Sơn” và “Vương” làm biệt hiệu và ông cho rằng đó là trường hợp ngẫu nhiên trong một đời người, chứ không phải tự ý ông muốn xưng hô cho lớn. Sở dĩ ông cho rằng cái tên Sơn Vương đã làm khổ đời ông bởi nghe tới cái tên, người ta nghĩ tới nơi ông “có chí tranh bá đồ vương”. Trong cuộc đời viết văn của mình, Sơn Vương đã để lại hơn 30 tác phẩm bao gồm các thể loại tiểu thuyết, tự sự, hồi ký. Đặc biệt, hồi ký Máu hòa nước mắt dài cả ngàn trang của ông là một tư liệu quý về lịch sử nhà tù Côn Đảo bởi ông là người trong cuộc.
* Đắc cử là người đứng đầu Côn Đảo
Cuộc đời Sơn Vương gắn chặt với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Sơn Vương chứng kiến những giây phút khi chí sĩ Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng trong lúc bị thực dân Pháp giam cầm ngoài Côn Đảo năm 1943. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đại diện Việt Minh ra Côn Đảo, theo yêu cầu của những người đại diện Việt Minh, Sơn Vương được ở lại Côn Đảo. Ngày 15-12-1945, đại diện Việt Minh ở Côn Đảo tổ chức bầu cử người đứng đầu Côn Đảo, Sơn Vương đắc cử Chủ tịch UBND Côn Đảo với số phiếu áp đảo. Trong thời gian đứng đầu Côn Đảo, Sơn Vương đã đổi tên Côn Đảo thành An Ninh quần đảo để ghi nhớ tên tuổi chí sĩ Nguyễn An Ninh. Suốt trong thời gian ở Côn Đảo đến năm 1964 khi trở về đất liền, Sơn Vương là người cải táng, hương khói cho phần mộ chí sĩ Nguyễn An Ninh.
Năm 1968, sau 34 năm ngồi tù, Sơn Vương được ân xá và được đưa về đất liền. Cuối đời, ông lui về sống ẩn dật tại một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn với nghề bốc thuốc Nam. Năm 1984, Sơn Vương trở về sống tại quê nhà Gò Công và mất tại đó năm 1987, kết thúc một cuộc đời đầy huyền thoại. Cả một đời trai trẻ dọc ngang đã đẩy ông trôi dạt khắp chốn lao tù bởi không gặp được con đường cách mạng. Người bạn mà ông quý mến: Nguyễn Phương Thảo - Nguyễn Bình sau một lần chia tay ông, hai người cũng vĩnh viễn không gặp lại nhau. Tài năng, nhiệt huyết của ông đã không được sử dụng đúng chỗ, không có môi trường để phát huy. Giá trị lớn nhất mà Sơn Vương để lại cho đời chính là những tác phẩm văn chương đầy giá trị và những câu chuyện về cuộc đời huyền thoại của ông.
Vũ Trung Kiên