Báo Đồng Nai điện tử
En

Bền bỉ với tình yêu khoa học

09:12, 11/12/2020

Trong danh sách 300 cá nhân đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư mới được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, có 2 gương mặt của Đồng Nai đều đang công tác tại Trường đại học Lạc Hồng.

Trong danh sách 300 cá nhân đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư mới được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, có 2 gương mặt của Đồng Nai đều đang công tác tại Trường đại học Lạc Hồng.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng trao học bổng cho học sinh Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng trao học bổng cho học sinh Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến

Đó là TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường và TS Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong hoạt động khoa học của 2 giảng viên trẻ.

* Tự xây dựng niềm đam mê

Nhiều người cho rằng niềm đam mê trong mỗi con người sẵn có nhưng đối với TS Nguyễn Vũ Quỳnh (41 tuổi), đam mê phải do mình tự xây dựng. Đó cũng chính là điều mà vị tân PGS này đã và đang kiên trì thực hiện.

Tốt nghiệp Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) và cầm trên tay “3 vé” vào 3 trường đại học, chàng trai trẻ Nguyễn Vũ Quỳnh quyết định chọn học ngành Kỹ thuật điện, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Lý do đưa ra sự lựa chọn này là bởi cả anh lẫn gia đình đều cho rằng nếu học theo hướng nghề kỹ thuật sẽ dễ có việc làm hơn các khối ngành kinh tế, xã hội.

Bước chân vào môi trường đại học, sinh viên Nguyễn Vũ Quỳnh vui mừng nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa những kiến thức ở trường đại học và thực tiễn cuộc sống. Sau giờ học, nếu không lên thư viện đọc sách thì anh lại phụ giúp các giảng viên trong trường làm công tác nghiên cứu khoa học (NCKH).

Giờ đây, nhìn lại quãng thời gian là sinh viên, TS Quỳnh chia sẻ: “Những năm học đại học, tôi có khá nhiều thời gian để tích lũy kiến thức, tập NCKH. Khi theo các thầy làm NCKH, tôi học hỏi được rất nhiều. Tôi đã tích lũy từ từ để nền học vấn của mình ngày một tốt hơn. Đó cũng là quá trình tôi xây dựng niềm đam mê NCKH trong lĩnh vực tự động hóa. Tôi cho rằng đam mê phải do mình tạo nên chứ không phải tự nhiên mà có”.

Tốt nghiệp thạc sĩ, anh bắt đầu tham gia công tác giảng dạy tại Trường đại học Lạc Hồng, rồi đi làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan, sau khi lấy bằng tiến sĩ, anh lại quay về Trường Lạc Hồng để cống hiến. Hơn 15 năm nay, TS Nguyễn Vũ Quỳnh không ngừng nghỉ trong các hoạt động khoa học.

“Ở môi trường đại học, NCKH là hoạt động không thể tách rời với hoạt động đào tạo. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để tôi tham gia NCKH. Khi còn ở khoa Cơ điện - điện tử, tôi đã xây dựng 1 nhóm nghiên cứu của sinh viên và 1 nhóm nghiên cứu của thạc sĩ. Hai nhóm này nhau hỗ trợ nhau trong hoạt động NCKH. Đối với nhóm sinh viên, tôi là người truyền đạt ý tưởng để các bạn thực hiện công việc. Với cách làm này, tôi có được nhóm sinh viên giúp việc trong NCKH, các em cũng học hỏi được khá nhiều” - TS Quỳnh cho biết.

Bên cạnh các hoạt động NCKH, anh còn tham gia các hoạt động khoa học khác. TS Quỳnh chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và thực hiện các phong trào NCKH của giáo viên và sinh viên về robot, xe tiết kiệm nhiên liệu, mang lại những kết quả nổi bật: Trường đại học Lạc Hồng 9 năm vô địch robocon Việt Nam, 3 giải nhì và 2 giải ba Cuộc thi sáng tạo robot châu Á - Thái Bình Dương. Đội tuyển xe tiết kiệm nhiên liệu 5 năm liên tiếp đoạt chức vô địch Cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á.

Ở vai trò Phó hiệu trưởng nhà trường, TS Quỳnh khá bận rộn với công việc quản lý, giảng dạy. Vì vậy, để có thời gian làm công tác nghiên cứu, TS Quỳnh phải sắp xếp thời gian khá chặt chẽ. “Tôi may mắn có gia đình ủng hộ nên mới có thể “bớt xén” thời gian dành cho gia đình để nghiên cứu. Việc đạt chuẩn phong hàm Phó giáo sư là động lực để hoàn thành tốt công việc. Đó là điều để khẳng định hoạt động NCKH nghiêm túc của bản thân. Đồng thời cũng góp phần tạo thêm uy tín, vị thế của Trường đại học Lạc Hồng” - TS Quỳnh tâm sự.

* Sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm NCKH với đồng nghiệp, học trò

Cùng đạt chuẩn phong hàm PGS năm nay, TS Nguyễn Thanh Lâm (40 tuổi) hiện đang là Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng. TS Nguyễn Thanh Lâm là cựu học sinh Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán). Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kinh tế vận tải biển (Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM) năm 2003, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Lâm “đầu quân” cho một doanh nghiệp ở TP.HCM.

Trong thời gian đó, anh được một đồng nghiệp “rủ rê” thi cao học rồi thi đậu, đi học, tốt nghiệp. Suốt quãng thời gian đó, anh chưa từng nghĩ đến việc theo NCKH. Mãi đến năm 2008, khi về công tác tại Trường đại học Lạc Hồng thì sự nghiệp của anh mới chuyển sang một hướng khác.

TS Lâm kể: “Theo quy định thì giảng viên đại học bắt buộc phải tham gia NCKH. Tôi về trường khoảng tháng 9-2008 thì đến đầu năm 2009 là có bài NCKH đầu tiên. Khi đó, tôi cũng chỉ nghĩ là làm để hoàn thành nhiệm vụ thôi. Nhưng dần dần, tôi tham gia viết bài tham luận cho các hội thảo khoa học trong nước nhiều hơn. Bước ngoặt đưa tôi đến với niềm đam mê NCKH là năm 2011, khi tôi nhận được học bổng đào tạo tiến sĩ tại Đài Loan. Tôi sang đó bắt đầu làm nghiên cứu sinh từ tháng 9-2011 đến tháng 6-2014 thì hoàn thành. Quá trình này, tôi học được nhiều về phương pháp NCKH và cách viết bài báo khoa học quốc tế. Sẵn đà đó, tôi tích cực tham gia NCKH nhiều hơn”.

Với tinh thần làm việc không mệt mỏi đó, TS Lâm đã có “gia tài” khấm khá: hơn 30 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. TS Lâm cho rằng việc công bố bài báo khoa học quốc tế không quá khó như nhiều người tưởng. Trong thời gian tới, vị tân PGS này sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các đồng nghiệp và các học viên, nghiên cứu sinh, không chỉ của trường đại học Lạc Hồng mà cả các trường đại học khác.

Hiện nay, hằng tháng, TS Lâm đều tham gia phản biện bài báo khoa học của các tạp chí quốc tế. Đây là hoạt động không có thù lao. TS Lâm chia sẻ: “Đó là trách nhiệm của người làm khoa học cho cộng đồng. Mặt khác, tuy không có thù lao nhưng uy tín của nhà khoa học tham gia phản biện trong cộng đồng sẽ được nâng cao. Qua việc tham gia phản biện, bản thân tôi cũng biết được các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực của mình để có những bước đi tiếp theo trong khoa học”.

* Tự động hóa là một trong những ngành công nghệ - kỹ thuật cao đang phát triển mạnh, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến TS Nguyễn Vũ Quỳnh quyết định theo đuổi nghiên cứu về tự động hóa. 

Các hướng nghiên cứu chính mà TS Quỳnh hiện đang theo đuổi là: Nghiên cứu hệ thống điều khiển thông minh ứng dụng trong điều khiển robot và các thiết bị tự động hóa; nghiên cứu về hệ thống nhúng; các giải thuật tối ưu hóa hệ thống điện và năng lượng mới (điện gió, mặt trời)...

Bên cạnh những nghiên cứu mang tính học thuật nêu trên, TS Quỳnh còn tích cực nghiên cứu và liên tục cho ra đời những sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng, phục vụ cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tình Đồng Nai.

Ngoài 44 báo khoa học, trong đó có 19 bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, TS Nguyễn Vũ Quỳnh còn là chủ biên của 6 giáo trình chuyên ngành phục vụ giảng dạy đại học, sau đại học chuyên ngành Điện - điện tử, Tự động hóa.

* Đến nay, TS Nguyễn Thanh Lâm đã thực hiện 4 đề tài NCKH cấp cơ sở, công bố 45 bài báo khoa học (trong đó có 33 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín), xuất bản 1 cuốn sách.

Hai hướng nghiên cứu chính của TS Nguyễn Thanh Lâm là: quản lý chất lượng (quản lý chất lượng sản phẩm, quy trình công nghiệp dựa trên các thống kê mờ (fuzzy statictics), hoàn thiện các công cụ đánh giá và cải thiện hiệu suất quy trình sản xuất công nghiệp); xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế - xã hội (chẳng hạn: chất lượng nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, duy trì nhân tài của các doanh nghiệp dệt may tỉnh Bình Dương…).

Đạt chuẩn phong hàm PGS là niềm vui lớn không chỉ của cá nhân TS Nguyễn Thanh Lâm mà còn là niềm tự hào của cả dòng họ bởi gia đình nội, ngoại của TS Lâm đều xuất thân là nông dân. Sau khi có học hàm PGS, TS Lâm sẽ cố gắng hơn nữa trong NCKH và giảng dạy, phục vụ cộng đồng. Anh cũng đặt ra mục tiêu mới để tiếp tục phấn đấu.

Hải Yến

 

Tin xem nhiều