Du lịch có lẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, trong đó nền tảng chia sẻ dịch vụ lưu trú Airbnb chịu tổn thương vô cùng nghiêm trọng, đến mức các nhà quan sát cho rằng, đại diện tiêu biểu của nền kinh tế chia sẻ này đang tiến tới "cái chết lâm sàng". Thế nhưng một vài tháng qua, Airbnb bỗng hồi sinh với doanh thu tăng vọt, nhờ một loại dịch vụ: Staycation.
Du lịch có lẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, trong đó nền tảng chia sẻ dịch vụ lưu trú Airbnb chịu tổn thương vô cùng nghiêm trọng, đến mức các nhà quan sát cho rằng, đại diện tiêu biểu của nền kinh tế chia sẻ này đang tiến tới “cái chết lâm sàng”. Thế nhưng một vài tháng qua, Airbnb bỗng hồi sinh với doanh thu tăng vọt, nhờ một loại dịch vụ: Staycation.
Giới thiệu một căn hộ dành cho staycation trên website Airbnb. Ảnh chụp màn hình |
* Airbnb và cơn ác mộng Covid-19
Airbnb (chia sẻ nơi lưu trú) cùng với Uber (chia sẻ phương tiện vận chuyển) được xem là những công ty khởi nguồn cho nền kinh tế chia sẻ và cùng là những kỳ lân khởi nghiệp lừng lẫy nhất thế giới. Thế nhưng thật bất ngờ, cùng với những biến tướng bất lợi của nền kinh tế chia sẻ, năm 2019 Airbnb đã công bố lỗ 322 triệu USD.
Không dừng lại ở đó, bước sang năm 2020 đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, toàn bộ dịch vụ du lịch gần như đóng băng, kéo theo tình trạng không có khách của các dịch vụ lưu trú. Doanh thu của Airbnb suy giảm trầm trọng.
Theo CNBC, giá trị của Airbnb vào tháng 3-2017 là 31 tỷ USD, đến cuối tháng 4-2020 chỉ còn là 18 tỷ USD. Không có con số chính thức về mức độ giảm sút doanh thu đặt phòng của Airbnb, nhưng theo ước tính của Bloomberg con số này là từ
41-96% tùy nơi và thời điểm. Đầu tháng 5-2020, Airbnb đã phải cho nghỉ việc 1.900 nhân viên trong tổng số 7.500 nhân viên của mình, tương đương 1/4. CEO Brian Chesky đã phải nói với nhân viên của mình trong thư trần tình rằng doanh thu năm 2020 sẽ ít hơn một nửa của năm 2019. Tình hình bi đát đến nỗi các tờ báo lớn như CNBC, Bloomberg… giật tít: Liệu Airbnb có sống sót nổi qua đại dịch Covid-19?
Thế nhưng trong tình thế nguy nan ấy, bỗng nhiên doanh thu của Airbnb tăng lên trong vài tháng gần đây, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này được cho là nhờ sự phát triển mạnh của một loại hình dịch vụ: Staycation.
* Staycation là gì?
Staycation là một từ ghép giữa stay (ở lại, trong trường hợp này có nghĩa là ở nhà) và vacation (kỳ nghỉ), đó là những chuyến du lịch “tại chỗ”, hay nói rộng hơn một chút là du lịch “không cần đi đâu xa”. Khái niệm “không đi đâu xa” khác nhau tùy theo địa phương, hiểu một cách khái quát nhất là những địa điểm nghỉ ngơi vui chơi có thể đi về trong ngày, tùy theo điều kiện giao thông cự ly nơi đến có thể là dưới 100km (giao thông kém) hay vài trăm km (giao thông tốt).
Staycation giúp giảm rất nhiều chi phí và thời gian đi lại, và vì gần với nơi ở nên việc hiểu thấu tập quán, sinh hoạt nơi đến tốt hơn. Các hoạt động phổ biến của nơi lưu trú bao gồm: sử dụng hồ bơi nơi ở, thăm các công viên và bảo tàng địa phương, tham dự các lễ hội và công viên giải trí địa phương.
Staycation gồm các kỳ nghỉ có thể đi về trong ngày, không lưu trú qua đêm, nhưng thường thì du khách và gia đình chọn phương án ở lại, tối thiểu là một đêm để không phải căng thẳng vì thời gian gấp gáp. Các ý tưởng về một staycation có thể đến một cách ngẫu hứng, việc chuẩn bị cho các staycation không quá phức tạp, mất nhiều thời gian. Những đặc điểm này hoàn toàn phù hợp với điều kiện người dân được nới lỏng một phần việc cách ly xã hội do dịch bệnh, chưa yên tâm với những chuyến đi xa. Với những đặc điểm như vậy, việc tìm nơi lưu trú được chia sẻ qua mạng kiểu như Airbnb quả là giải pháp tối ưu, thay vì lên kế hoạch đến những khách sạn sang trọng.
* Airbnb đang hưởng lợi nhờ staycation như thế nào?
Brian Chesky, Giám đốc điều hành của Airbnb cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Mọi người, sau khi bị mắc kẹt trong nhà vài tháng, đang muốn ra khỏi nhà của họ; điều đó thực sự rất rõ ràng, nhưng họ không nhất thiết muốn lên máy bay và chưa cảm thấy thoải mái khi rời khỏi đất nước của họ.”
Airbnb cho biết danh sách đặt phòng tại Mỹ từ ngày 17-5 đến 3-6 đã vượt hơn so với cùng kỳ năm 2019 và du lịch nội địa trên toàn cầu cũng có mức tăng tương tự. Công ty cũng nhận thấy sự gia tăng nhu cầu đặt phòng trong nước ở các quốc gia từ Đức đến Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, New Zealand và hơn thế nữa.
Thư giãn, nghỉ dưỡng tại nhà hoặc ở những địa điểm gần nhà đang là xu hướng của nhiều người, nhiều gia đình trong thời kỳ hậu Covid-19. Ảnh minh họa: Freepik.com |
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tỷ lệ đặt trên Airbnb trong vòng 200 dặm (322km) - cự ly mà một du khách đi bằng ô tô có thể đi về với một thùng xăng trong xe - đã phát triển từ 1/3 vào tháng 2 tới hơn 50% vào tháng 5. Du lịch trong một thế giới hậu Covid-19 đang chuyển đổi “từ máy bay sang ô tô, thành phố lớn sang địa điểm nhỏ, khách sạn đến nhà riêng” - Chesky nói.
Ở các vùng nông thôn, điểm đến cho các kỳ staycation, các khách sạn không phổ biến. Và ngay cả khi họ ở đâu, khách du lịch vẫn thích ở trong nhà nghỉ để họ có thể nấu ăn trong bếp của mình, kiểm soát người ra vào và tránh những khu vực chung đông đúc như hành lang. Đó là ưu thế của Airbnb và các dịch vụ tương tự.
* Chỉ là tạm yên tâm, nỗi lo vẫn còn đó
Ban đầu, Chesky dự định nộp các thủ tục giấy tờ cho một đợt ra mắt thị trường chứng khoán vào ngày 31-3-2020, nhưng do hỗn loạn thị trường liên quan đến đại dịch khiến người ta đoán rằng việc này sẽ bị hoãn lại cho đến năm sau. Doanh thu tăng trở lại bất ngờ giúp kế hoạch chào bán năm 2020 của Airbnb tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, Chesky nói rằng đó vẫn là một điều chưa chắc chắn.
Việc tăng khách đặt phòng so với năm 2019 nhờ vào staycation thực chất là do sự dồn nén suốt mấy tháng, người ta bị buộc không ra khỏi nhà nên khi nới lỏng cách ly xã hội mọi người tranh thủ đi nghỉ. Số lượng tăng trong vài tháng gần đây không bù đắp được số lượng giảm của những tháng trước đó.
Các sự phục hồi đều đến từ mức cơ bản rất thấp. Lĩnh vực du lịch đã bị tiêu diệt bởi đại dịch Covid-19. Các đại lý du lịch trực tuyến đã phải vật lộn để chống chọi với những vụ hủy chuyến chưa từng có và lưu lượng hành khách đi máy bay giảm 95%. Airbnb và Tripadvisor Inc. đã cắt giảm 1/4 lực lượng lao động của họ. Booking buộc phải xin trợ giúp của chính phủ. Trong một báo cáo cổ đông thường niên vào tuần trước, Giám đốc điều hành của Booking, Glenn Fogel cho biết đại dịch này sẽ ảnh hưởng đến du lịch toàn cầu hơn cả vụ khủng bố
ngày 11-9, dịch SARS và khủng hoảng tài chính năm 2008 cộng lại.
Sự phục hồi của Airbnb nhờ staycation chỉ là đốm sáng lẻ loi giữa bức tranh chung về du lịch đang vô cùng ảm đạm.
Phạm Hoài Nhân