Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng đá châu Âu lắm nỗi lo âu

10:04, 30/04/2020

Đã gần 2 tháng qua rồi, quả bóng ngừng lăn, cầu trường hiu quạnh ở tuyệt đại đa số các nước châu Âu. Đại dịch Covid-19 làm "đóng băng" hoạt động bóng đá lục địa già, khiến những tổ chức và cá nhân điều hành, liên quan đến môn thể thao vua từ UEFA cho đến các nước thành viên đều rối như canh hẹ.

Đã gần 2 tháng qua rồi, quả bóng ngừng lăn, cầu trường hiu quạnh ở tuyệt đại đa số các nước châu Âu. Đại dịch Covid-19 làm “đóng băng“ hoạt động bóng đá lục địa già, khiến những tổ chức và cá nhân điều hành, liên quan đến môn thể thao vua từ UEFA cho đến các nước thành viên đều rối như canh hẹ.

Các cầu thủ và CLB ở châu Âu sau thời gian nghỉ đá vì dịch bệnh nay đang rất nóng lòng chờ được thi đấu trở lại để hoàn tất. giải vô địch nội địa lẫn đấu trường Champions League Ảnh: UEFA
Các cầu thủ và CLB ở châu Âu sau thời gian nghỉ đá vì dịch bệnh nay đang rất nóng lòng chờ được thi đấu trở lại để hoàn tất. giải vô địch nội địa lẫn đấu trường Champions League. Ảnh: UEFA

* Ngày ấy đâu rồi

Giá như không có Covid-19, lẽ ra thời gian này các giải bóng đá quốc gia ở châu Âu đã có nhiều chủ nhân chiếc Cúp vô địch mùa 2019-2020 (sớm nhất hẳn là Liverpool bởi trên lý thuyết CLB này chỉ cần thắng thêm 2 trận nữa là đăng quang Premier League). Giá như không có Covid-19, thời điểm cuối tháng 4 rực lửa này khán giả đã say mê chứng kiến những cuộc đấu một mất một còn nghẹt thở ở Champions League để tìm ra 2 CLB xuất sắc nhất “tiến về Istanbul” - nơi diễn ra trận chung kết! Giá như không có Covid-19, “cơn sốt” vòng chung kết UEFA EURO 2020 đã bắt đầu chộn rộn lắm rồi chứ không phải sự im lìm hụt hẫng chưa nguôi trong hiện tại do phải chờ 1 năm nữa giải đấu mới diễn ra.

Nhưng trong cuộc sống lẫn trong bóng đá, không bao giờ có chữ giá như. Vì thế dù có chút ngậm ngùi “Ngày ấy đâu rồi”, người hâm mộ hiểu rằng sức khỏe và tính mạng con người luôn luôn phải được đặt cao hơn những trận cầu hay chiếc cúp. Trước sức tàn phá của dịch bệnh Covid-19 - đến cuối tháng 4 đã cướp đi hơn 120 ngàn người châu Âu, ai cũng đồng tình với quyết định của nhà chức trách và các liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) khi cho quả bóng ngừng lăn hồi đầu tháng 3 trên toàn châu Âu (trừ ngoại lệ Belarus vẫn “gan cùng mình” khi vẫn tổ chức giải vô địch quốc gia cho đến tận thời điểm này với số lượng cổ động viên đến sân ngày càng ít ỏi). Hàng loạt hệ lụy từ việc bóng ngừng lăn khiến các quan chức bóng đá “điên đầu”, trong đó có sự tranh cãi bất tận: Có đá tiếp mùa giải hay không hay hủy bỏ? Nếu đá tiếp thì khi nào, và sẽ ra sao?

* Gỡ rối tơ vò

Tạm gác qua chuyện bóng đá có là thủ phạm tiếp thêm cho virus lây lan khắp châu Âu nhanh hơn không bởi nó là quá khứ đã diễn ra. Tương lai trước mắt mới là điều mà con người có thể chủ động giải quyết tích cực lẫn không để những điều tồi tệ hơn xảy ra thêm. Trước sự thất thu hàng tỷ USD của các CLB lẫn LĐBĐ do đại dịch, UEFA ra tay mở két rót gần 70 triệu euro hỗ trợ cho các CLB gặp khó khăn về tài chính trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Rồi hôm 28-4 rót thêm số tiền khổng lồ 236 triệu euro chia cho 55 liên đoàn thành viên khắc phục khó khăn.

Số phận Ngoại hạng Anh sẽ ra sao? Trường hợp xấu nhất hủy giải, liệu CLB dẫn đầu bảng Liverpool của tiền đạo Mohamed Salah (ảnh) có được công nhận vô địch? Những câu hỏi rất được quan tâm phần nào được giải tỏa khi Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đã lên kế hoạch đá tập trung địa điểm và không khán giả để “nuốt” cho hết 92 trận còn lại của Ngoại hạng Anh trước ngày 31-7.

“Môn thể thao của chúng ta đang đối mặt với một thách thức chưa từng có do cuộc khủng hoảng Covid-19 mang lại. UEFA muốn giúp các thành viên của mình xử lý theo cách phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ. Do đó, chúng tôi đã đồng ý gửi 4,3 triệu euro cho mỗi liên đoàn như một phần đầu tư tài trợ cho các thành viên xây dựng lại hoạt động bóng đá” - Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin tuyên bố. Ông nói thêm: “Tôi tin rằng đây là một quyết định có trách nhiệm để giúp đỡ hết mức có thể và tôi tự hào về sự đoàn kết mà bóng đá đang thể hiện trong suốt cuộc khủng hoảng này. Không còn nghi ngờ gì nữa, bóng đá sẽ là tâm điểm khi cuộc sống trở lại bình thường. Bóng đá phải sẵn sàng cho điều đó”.

Bên cạnh chuyện hỗ trợ tiền, UEFA tổ chức các cuộc họp bàn qua màn hình trực tuyến diễn ra liên tục để ra các quyết định quan trọng liên quan đến thời hạn trở lại của các giải đấu, cách phân định thứ hạng các đội nếu lỡ may nhiều quốc gia buộc phải hủy mùa giải, thậm chí yêu cầu hình thức đá play-off để chọn các suất dự các cúp châu Âu mùa tới… Đáng nói là nhiều giải pháp được đưa ra, chưa thấy cái nào khả thi hay chắc chắn thì đã thấy dấy lên tranh cãi rồi.

* Lối đi dưới chân mình

Ai cũng có lý lẽ của mình dựa trên tình hình thực tế và cả cân đong, dung hòa lợi ích giữa được và mất. Sau LĐBĐ Bỉ rồi Scotland đơn phương kết thúc sớm mùa giải khiến UEFA nhăn mặt, đến LĐBĐ Hà Lan (KNVB) tuyên bố hủy giải dù có thể rút lại quyết định này vì sợ kiện cáo. Hai LĐBĐ Italy và Tây Ban Nha thì nhất trí sẽ hoàn thành mùa giải Serie A và La Liga dù cũng chưa biết được ngày đá trở lại. Trong khi đó, LĐBĐ Đức (DBF) tỏ ra quyết tâm nhất khi ấn định cho Bundesliga đá trở lại từ ngày 9-5 tới (trong điều kiện không khán giả đến sân) với sự đồng thuận từ chính phủ nước này, bất chấp sự chỉ trích của các nhà khoa học hay những người âu lo.

UEFA thì vừa “dân túy” ít phản ứng gay gắt bất cứ quyết định lựa chọn đơn phương nào từ các thành viên, bởi tổ chức này quá hiểu sự phức tạp mà dịch bệnh gây ra vượt hẳn khuôn khổ bóng đá. Một phần nữa là, sau khi dời EURO 2020 sang năm sau, vấn đề nhức đầu còn lại của UEFA mà chính họ phải “căng não” tập trung giải quyết đó là làm sao hai giải đấu Champions League lẫn Europa League năm nay được về đích tốt đẹp nhất có thể (không trễ hơn cuối tháng 8). “Chúng tôi sẽ xem xét linh hoạt từng trường hợp, có thể tổ chức thi đấu không khán giả là biện pháp tốt nhất để kết thúc mùa giải” - Chủ tịch UEFA Ceferin bỏ ngỏ.

Đại dịch là chuyện chẳng ai mong muốn. Nhưng, như ông Aleksander Ceferin bày tỏ, “Thà đá không khán giả còn hơn là mất trắng tất cả”.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều