Báo Đồng Nai điện tử
En

Phố thời dịch

10:04, 30/04/2020

Bỗng một ngày kia phố bắt đầu rỗng. Là gọi vui như thế thôi! Rỗng vì hầu như mọi người không ai ra khỏi nhà. Buổi sáng sớm, những ông bà cao tuổi không đi bộ lên công viên tập thể dục, dưỡng sinh.

Bỗng một ngày kia phố bắt đầu rỗng. Là gọi vui như thế thôi! Rỗng vì hầu như mọi người không ai ra khỏi nhà.

Buổi sáng sớm, những ông bà cao tuổi không đi bộ lên công viên tập thể dục, dưỡng sinh.

Giữ khoảng cách giao tiếp trong thời dịch Covid-19, Ảnh vẽ minh họa: Đào Sỹ Quang
Giữ khoảng cách giao tiếp trong thời dịch Covid-19. Ảnh vẽ minh họa: Đào Sỹ Quang

Những công chức làm việc online ở nhà. Nhiều đơn vị tư nhân cũng sắp xếp  cho một số vị trí tư chức làm việc online.

Những bà nội trợ đi chợ mua thực phẩm cho một tuần lễ về để tủ lạnh.

Những đứa trẻ không đến trường học.

Hàng quán đóng cửa.

Chỉ có những công nhân còn đều đặn đến hãng xưởng, công ty sản xuất. Họ xuất hiện trên đường phố vào giờ đi làm rồi biến mất cho đến giờ tan sở.

Chỉ có chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động để cung cấp thực phẩm thiết yếu cho dân. Nhưng lượng người đến mua cũng ít hẳn.

Hàng mang đi các loại bán nhiều hơn, tạo cơ hội thu nhập cho các síp-pơ.

***

Anh là công chức ở một sở. Công việc hằng ngày của anh ngập đầu, nhiều khi thứ bảy, chủ nhật phải đem về nhà làm tiếp. Lúc nào anh cũng muốn được nghỉ ở nhà vài ba hôm. Bây giờ thì không cầu cũng được, không ước cũng thấy! Anh được sếp bố trí cho làm việc ở nhà, hôm nào đến lịch trực mới phải lên cơ quan một buổi.

Bảy giờ sáng, hoặc có thể hơn, anh mới ngồi vào bàn làm việc ở nhà trước cái laptop, mở trang nội bộ của sở. Thời gian này, các nơi khác cũng làm việc online nên công việc không còn nhiều như trước.

Vợ chồng anh có hai đứa con, trai gái đề huề, đều còn ở tuổi mầm non. Đứa lớn lớp Lá, đứa nhỏ lớp Trẻ chuẩn bị lên Mầm, học cùng trường cách nhà gần cây số. Cả hai đứa đều được nghỉ ở nhà. Ông bà nội trở thành “bạn” của hai đứa cháu. Thằng anh còn có cái để học ở nhà, như tô màu hay tập viết chữ cái chẳng hạn, xong thì chơi với “ga ra” ô tô nhựa mấy chục cái đủ loại mà nó thuộc vanh vách tên các hãng xe. Con em chơi với những món đồ chơi nhà bếp, trái cây, con vật, búp bê… bằng nhựa. Cũng có lúc hai anh em chơi chung với nhau một lúc thì rã đám vì chí chóe cãi nhau. Khi nào chán, hai đứa đòi bà nội kể cho nghe đủ thứ chuyện, từ cổ tích trong nước đến ngoài nước. Cả chuyện ngày xưa bà nội nuôi ba hai đứa như thế nào. Ông nội thì tham gia trả lời những câu hỏi tò mò của cháu.

Vậy mà ngày nào cũng có đôi lúc hai đứa nhỏ cùng nói như gào lên:

- Con làm gì bây giờ?

***

Chưa biết bao giờ phố mới đầy trở lại.

Một hôm, cha anh, một nhà khoa học về hưu, nói:

- Dường như từ bao nhiêu thế kỷ nay rồi, đã có một cuộc đấu trí, cũng có thể gọi là cuộc chiến đấu giữa con người và thiên nhiên. Này nhé! Ban đầu thì con người sống ở chỗ của mình, ăn các loài thực vật trồng cấy hoặc hái lượm được. Muông thú cũng sống an lành ở rừng núi, sông biển. Đó là thời kỳ hòa bình, hạnh phúc. Rồi con người tìm giết những con thú, đánh bắt các loài cá để làm thực phẩm và trao đổi với nhau. Thế là chúng phản ứng lại, trở nên dữ dằn hơn, kể cả tấn công và ăn thịt con người. Con người ngày càng văn minh hơn, hủy hoại thiên nhiên bằng nhiều cách hiện đại hơn. Thiên nhiên chống lại bằng bệnh tật cũng ngày càng tinh vi hơn. Từ những con ký sinh trùng gây bệnh nhìn được bằng mắt thường chuyển qua đám vi trùng, vi khuẩn nhỏ hơn phải nhìn qua kính hiển vi, rồi bây giờ là bọn siêu vi không có thuốc điều trị.

Anh cười cười:

- Ba nói cũng có lý. Vậy theo ba, sau những con siêu vi, loài người sẽ phải đối phó với cuộc tấn công dưới hình thức nào của thiên nhiên?

- Sẽ là một vật thể vô hình, tấn công vào… ý nghĩ của con người chẳng hạn!

Bây giờ thì anh bật cười:

- Có vẻ ba viết truyện khoa học giả tưởng được rồi đấy!

Cha anh cũng cười:

- Ừ! Có khi tôi sẽ thử viết xem sao!

***

Những khi không có việc cơ quan phải giải quyết, anh chuyển qua đọc tin tức trên mạng. Phải nói là “tin tức mình” mới đúng! Giữa đại dịch thế này, sao lại có ông quan chức cấp huyện đã không chịu đo thân nhiệt còn lớn tiếng đôi co, đập bàn phản đối, đòi hỏi vô lý rằng xe nào đi qua trạm kiểm dịch cũng phải dừng để kiểm tra chứ sao lại chỉ kiểm tra xe của ông. Sao lại có những người đang cách ly tập trung thì trốn về, nhiều người chửi mắng, hành hung người làm nhiệm vụ. Nực cười nhất là có người đã qua thời gian cách ly, lại khai gian để được tiếp tục cách ly, được… nuôi ăn miễn phí!

Thằng con trai vừa viết xong hai trang chữ, bất chợt nói với anh:

- Ở nhà mãi, chán quá…

Ừ! Anh cũng chán. Nhưng đại dịch đang tràn lan khắp thế giới. Lúc này, mạng sống là quan trọng hơn tất cả.

***

Bỗng phố… bớt rỗng!

Trong xã hội xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện. Giúp dân miền Tây gặp hạn mặn có nước ngọt để sinh hoạt và tưới tiêu. Giúp người thất nghiệp, người nghèo có bữa cơm đỡ đói. Nhiều chủ nhà trọ bớt hoặc miễn tiền nhà cho người thuê trọ là công nhân hay sinh viên, học sinh.

Ở đâu đó trên phố đã xuất hiện những đám đông xếp hàng để nhận quà từ thiện.

Trên báo giấy, báo mạng, các trang xã hội… bỗng xuất hiện một chữ mới nửa quen nửa lạ: ATM gạo! Quen ở chữ ATM, còn lạ mà quen là chữ “Gạo”. Những người đến nhận gạo được bố trí đứng xếp hàng chờ đến phiên cách nhau 2m. Ảnh chụp từ trên cao đưa lên báo cảnh xếp hàng này nhìn cứ như bàn cờ người hay bà con đang tập trung tập thể dục buổi sáng, vừa vui vui vừa cảm động!

***

Phố bớt rỗng hơn nữa! Nhưng không hẳn được vui…

Người ta bắt đầu ra đường nhiều hơn sau mấy ngày liền số ca nhiễm dịch mới giảm hẳn, có ngày không có. Số ca nhiễm được chữa khỏi cũng lên đến trên một nửa. Giới chức các cấp kêu gọi mọi người không được chủ quan vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

Nhưng ở nhiều nơi người ta vẫn tìm mọi lý do để ra đường. Công viên đóng cửa thì người ta leo rào vào để… tập thể dục bảo để tạo sức khỏe chống virus. Đi bộ thể dục thì dắt theo… chó, đem theo túi đựng gạo hay mì gói để chứng minh mình có lý do cần thiết. Chính quyền làm gắt. Ra đường không có lý do chính đáng: phạt tiền. Ra đường không đeo khẩu trang: cũng phạt tiền…

Vậy mà vẫn có người tổ chức đám cưới cho con. Tổ chức đón dâu linh đình với hàng chục chiếc xe con chạy phô trương trên đường phố. Có nhà tổ chức đo thân nhiệt và phun thuốc diệt khuẩn cho từng người khách đến dự đám cưới, quả là việc phải… nhớ đời!

- Sao họ lại làm thế? - Cha anh tỏ vẻ bực tức - Họ cũng là một thành viên trong cộng đồng mà!

- Nhiều người đã quen với cách sống vị kỷ rồi ba ơi! - Anh đưa ra nhận định mà không đoán được ý kiến của cha mình.

Cha anh không nói gì. Nhà khoa học về hưu nhấp thêm ngụm cà phê sữa, hồi lâu, ông nói bâng quơ:

- Tết năm nay mọi người được nghỉ lâu quá…

***

Phố rỗng với mức độ chấp nhận được.

Đến bây giờ khi con số mắc và tử vong từ đại dịch ở các nước châu Mỹ, châu Âu tăng chóng mặt, thì họ buộc phải thay đổi quan điểm theo các nước châu Á: ra đường phải đeo khẩu trang! Có tưởng tượng cũng không nghĩ đến một ngày nước Mỹ “thất thủ” trước đại dịch. Mà nước ta thì thuộc vào số quốc gia có tín hiệu khả quan hơn. 

Mọi người cùng ở nhà mình, tự nhiên sự nối kết giữa các thành viên được nâng lên một mức đáng kể.

Anh có nhiều thời gian trò chuyện với hai đứa con nhỏ của mình. Biết thêm tài nội trợ của bà xã qua các bữa ăn sáng. Hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ khi bà đi chợ phải tay xách nách mang hai ba lần trong ngày chợ mỗi tuần. Bồi hồi nhớ lại thuở thiếu nhi của mình khi ăn chén chè đậu xanh với bí đỏ lâu lắm rồi mẹ mới nấu. Và, biết cha anh không chỉ là một nhà khoa học mà dường như trong tương lai còn là một… nhà văn giả tưởng!

Một hôm, cha anh nói với anh:

- Bỗng dưng tôi nghĩ đến một cái máy ATM phát miễn phí… “lòng tử tế”. Bây giờ hơn lúc nào hết, con người cần có lòng tử tế anh ạ. Tử tế với nhau, họ sẽ dần dần biết tử tế với thiên nhiên và khi ấy, mới hy vọng làm hòa với thiên nhiên hay ít ra thì cũng đủ sức chống lại con “siêu vi ý nghĩ”…

Anh ngạc nhiên nghe cha mình nói liên hồi.

- Vậy là ba sẽ viết cái truyện khoa học giả tưởng về dịch “siêu vi ý nghĩ” và máy “ATM lòng tử tế”?

Thật ra thì anh chỉ hỏi cha mình nửa đùa nửa thật cho vui. Nào ngờ đâu cha anh lại đáp, giọng chắc nịch:

-  Phải! Tôi viết!

***

Phố vẫn rỗng!

Một ngày kia phố sẽ đầy như lòng anh bây giờ.         

13-4-2020 

Truyện của Khôi Vũ   

Tin xem nhiều