Triều Trần là một trong những triều đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới thời Trần, dân tộc chúng ta đã 3 lần chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược. Nói đến triều Trần là nói tới hào khí Đại Việt - hào khí Đông A.
Triều Trần là một trong những triều đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới thời Trần, dân tộc chúng ta đã 3 lần chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược. Nói đến triều Trần là nói tới hào khí Đại Việt - hào khí Đông A.
1. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại phải chứng kiến đội quân xâm lược tàn bạo như giặc Mông - Nguyên, người đương thời đã đúc kết, vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được ở đó. Các vùng lãnh thổ bao la trên thế giới đều lần lượt nằm dưới vó ngựa của quân Mông Cổ. Tể tướng cuối cùng của nhà Nam Tống là Lục Tú Phu đã ôm vua Tống nhảy xuống biển tự tử và nhà Tống trở thành triều đại Nguyên của quân Mông Cổ sau này. Gần như cả châu Á, châu Âu và một phần Bắc Phi đã bị quân Mông Cổ xâm chiếm. Các vương công quý tộc của nước Nga phải đội mâm cho các tướng lĩnh Mông Cổ ăn tiệc; Giáo hoàng La Mã đã phải thốt lên: Ta sợ quân Tác Ta (chỉ quân Mông Cổ) đến mất ăn, mất ngủ. Vậy mà, có hai dân tộc đã chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên giòn giã: Việt Nam và Nhật Bản. Cả 3 lần đánh vào Đại Việt, quân giặc đều kéo theo 50 vạn quân, 2 lần đánh Nhật Bản, mỗi lần họ đem theo 15 vạn quân. Nhật Bản chiến thắng cả 2 lần, bởi mỗi khi chiến thuyền quân Nguyên áp sát bờ biển Nhật Bản liền bị một trận bão lớn nổi lên dìm đắm toàn bộ. Nhân dân Đại Việt chiến thắng Mông - Nguyên bởi như lời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết, đó là chiến thắng do “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”. Chiến thắng của dân tộc chúng ta vang dội tới mức khi ấy thông tin còn rất hẹp và cách trở, vậy mà tin chiến thắng của dân tộc ta đã bay sang tận vùng Trung Đông. Nhà sử học nổi tiếng của dân tộc Ba Tư khi ấy đã viết trong cuốn cổ sử của dân tộc mình khi nghe tin chiến thắng này: “Ở phương Đông xa xôi, có một dân tộc đã đánh thắng quân Tác Ta”.
Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ khai hội Đền Trần năm 2019 tại Nam Định (Lễ hội Đền Trần thường được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV nên tạm dừng lễ hội) |
3. Trước họa ngoại xâm, triều Trần đã tổ chức hội nghị Bình Than năm 1282 để thống nhất bàn kế sách chống giặc. Hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Hội nghị này được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng Chạp năm Giáp Thân 1284. Tất cả các phụ lão trong cả nước đã được mời về kinh đô, được ban yến và để triều đình tham khảo ý kiến: Nên HÀNG hay nên ĐÁNH. Tất cả các bô lão tham dự hội nghị đã đồng thanh giơ tay hô ĐÁNH. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã viết về sự kiện này: “Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”. Đây có thể xem là hội nghị dân chủ đầu tiên của lịch sử Việt Nam.
Vua Thái Tông nhà Trần có lần ban quả muỗm cho các quần thần, đến Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà thì không còn nữa. Khi giặc Mông Cổ đánh sang, cả triều đình xuôi mạn Hoàng Giang lánh nạn. Khi đoàn thuyền của Thái tử chạy giặc gặp Hoàng Cự Đà, quan quân gọi lớn hỏi quân Mông Cổ ở đâu? Cự Đà trả lời: Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy, rồi dong thuyền đi thẳng. Sau khi thắng giặc, luận công tội mọi người, có người đề nghị khép Hoàng Cự Đà vào tội nặng. Vua Trần Thái Tông suy nghĩ hồi lâu rồi nói Cự Đà tội đáng chết nhưng ta cũng có phần lỗi trong đó và tha cho.
Sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên - Mông, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về lại kinh đô. Có người dâng lên Thượng hoàng và nhà vua những hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên để xin được làm quan, Thượng hoàng và nhà vua đã có hành động “vô tiền, khoáng hậu”: Ra lệnh đốt hết các bức thư ấy và không truy cứu một ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. Cũng năm này, sau chiến thắng năm 1288, triều đình trở lại kinh thành Thăng Long và tổ chức luận công ban thưởng cho những người đã có công lao chống giặc bảo vệ đất nước. Khi ban thưởng xong có người vẫn còn thắc mắc, thượng hoàng Thánh Tông đã dụ rằng nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ (chỉ giặc Nguyên) sẽ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, nhất vạn giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ!
Chính vì cách làm thật sự “đắc nhân tâm” ấy mà triều đình đã huy động được sức mạnh vĩ đại của toàn dân chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược hung bạo. Tất nhiên, chiến thắng vĩ đại của nhân dân Đại Việt trong thế kỷ 13 có công lao to lớn của cả dân tộc. Thế nhưng, chính những câu chuyện và những hành động vô cùng ý nghĩa nêu trên chính là nguyên nhân quan trọng gắn kết lòng dân trong nước để vua tôi, cha con, anh em, toàn dân triệu người như một kết thành khối đoàn kết vĩ đại vùng lên chiến thắng quân xâm lược.
Vũ Trung Kiên