Tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam được tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp Công đoàn trong 2023 cần đẩy mạnh chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).
Tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam được tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp Công đoàn trong 2023 cần đẩy mạnh chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý tặng quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: L.MAI |
Trong đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho NLĐ.
Cần đảm bảo các chế độ cho NLĐ
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, khi xuất hiện thực trạng một số doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng đã dẫn đến nhiều NLĐ bị giảm giờ làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Qua báo cáo của các cấp Công đoàn, có 441 DN với tổng số hơn 624 ngàn lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó, có 562 ngàn lao động bị giảm giờ làm, số còn lại bị chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Để hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về việc chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do DN gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh với mức 1,5 triệu đồng/người. Trước đó, LĐLĐ tỉnh đã chi hàng trăm tỷ đồng chăm lo Tết cho NLĐ. |
Hiện nay, nhiều DN dệt may, da giày giảm từ 30- 40% đơn hàng, chế biến gỗ giảm 50% đơn hàng. Tổng liên đoàn đã khảo sát, họp với Công đoàn các địa phương bàn giải pháp cụ thể, vừa bảo đảm quyền lợi NLĐ, vừa ổn định tình hình quan hệ lao động. Bên cạnh đó, phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu nội dung với Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ. Các cấp Công đoàn đã tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền 5.850 tỷ đồng.
Về tình hình đoàn viên, NLĐ và quan hệ lao động trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão cơ bản ổn định, số vụ ngừng việc giảm hơn một nửa so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn nêu lên một số vấn đề cần quan tâm như: nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), chủ DN bỏ trốn; số cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tăng lên.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và Tổng liên đoàn tổng hợp báo cáo tình hình DN nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ. Đặc biệt, sớm có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200 ngàn NLĐ đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, để có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ DN để ổn định sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với NLĐ bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp do DN bị cắt giảm đơn hàng.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi NLĐ, song vấn đề DN nợ lương, BHXH vẫn còn tồn tại. Nhiều lao động đã phải tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để nhờ tư vấn, hỗ trợ và “kêu cứu” vì chủ DN bỏ trốn và nợ lương, BHXH của NLĐ…
Bảo vệ NLĐ, ổn định thị trường lao động
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 10 nhiệm vụ giao các bộ, cơ quan, có 7 nhiệm vụ đang tiếp tục phối hợp thực hiện, trong đó có đảm bảo quyền lợi, chính sách an sinh xã hội của NLĐ; cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở công nhân, đất đai, quy hoạch sử dụng đất công nghiệp và phục hồi thị trường lao động... Với 3 nhiệm vụ chưa được triển khai trên thực tế, cần khẩn trương thực hiện, gồm: chính sách tín dụng cho NLĐ nghèo vay vốn thông qua cơ chế cấp bù lãi suất; thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý bảo vệ NLĐ và công bố mức sống tối thiểu của NLĐ.
Nhấn mạnh đến những yêu cầu trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho NLĐ. Cùng với đó, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp chăm lo đời sống NLĐ. Đồng thời, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí và vấn đề chậm đóng BHXH, rút BHXH một lần…
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trong năm 2023, cần tăng cường tạo công ăn việc làm, tháo gỡ khó khăn khi thị trường đang thu hẹp. Song song với đó là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới; tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho NLĐ, góp phần ổn định để nâng cao đời sống vật chất cho họ; từng bước hoàn thiện các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe của NLĐ.
Năm 2023, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động về BHXH, chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động… |
Lan Mai