Với mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại và vận hành máy ở những dây chuyền tự động, các doanh nghiệp (DN) ngày càng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ).
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại và vận hành máy ở những dây chuyền tự động, các doanh nghiệp (DN) ngày càng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ).
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam được đào tạo nghề tại xưởng sản xuất. Ảnh: N.Hòa |
Những khóa đào tạo trực tiếp trên máy, dây chuyền sản xuất đã giúp NLĐ thích ứng nhanh với công việc, làm việc hiệu quả và có những sáng kiến đổi mới quy trình sản xuất, giúp các DN nâng cao chất lượng, năng suất lao động.
* Nhiều lợi ích
Là DN chú trọng nâng cao tay nghề cho công nhân, Công ty TNHH dịch vụ sản xuất thiết bị Areole (ADMS) TP.Biên Hòa luôn có những chiến lược đào tạo nghề cho NLĐ hằng năm. Theo đó, ở từng khâu, từng tổ sản xuất, DN sẽ bố trí cán bộ kỹ thuật cơ khí có kinh nghiệm dạy nghề hoặc mời các chuyên gia đến đào tạo trực tiếp tại công ty. Qua đó, nâng cao trình độ, năng lực cho NLĐ trong từng công việc được giao.
Ông Yamada, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất thiết bị Areole (ADMS) cho rằng, để công ty ngày càng phát triển, có đội ngũ lao động chất lượng, việc đào tạo nghề cho NLĐ rất cần thiết. Hằng năm, công ty đều có kế hoạch đào tạo tay nghề cho NLĐ cụ thể và có sự lựa chọn tham gia từng khóa. Đối với những công nhân tự giác, ý thức được việc tự học tập, rèn luyện và làm tốt công việc đều được bố trí làm ở những vị trí chủ chốt, mức lương sẽ cao hơn.
Cũng theo ông Yamaha, việc tạo điều kiện về thời gian và kinh phí đào tạo nghề cho công nhân luôn được thực hiện thường xuyên nhằm xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Cụ thể, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, công ty tập trung dạy nghề cho công nhân và họ vẫn được hưởng lương bình thường. “Mục đích của công ty không để một NLĐ nào nghỉ việc trong lúc khó khăn và cần có chiến lược lâu dài để họ được học tập, có tay nghề vững, cống hiến với DN. Đó là cách để NLĐ làm việc hết mình vì sự phát triển của DN”.
Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), thời gian gần đây đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạo nghề cho công nhân trực tiếp tại các xưởng sản xuất. Theo đó, NLĐ được bố trí học nghề ở những khâu vận hành máy móc, sửa chữa, bảo trì máy may tại công ty.
Công nhân Trần Văn Nhân, làm việc tại công ty cho hay, qua thời gian được đào tạo nghề bài bản, chi tiết trên các loại máy điều khiển chạy tự động, anh học được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để hoàn thành tốt công việc. Anh Nhân chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu có cơ hội được học, công nhân nên tận dụng thời gian, phát huy khả năng để tiếp nhận tốt những nội dung được hướng dẫn. Khi nắm vững kỹ thuật làm việc, công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, NLĐ sẽ giảm bớt áp lực, làm việc năng suất hơn”.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trần Thị Thùy Trâm cho biết, thời gian qua, trung tâm đã liên kết với một số DN trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề cho công nhân với các ngành nghề: cơ khí, điện tử, sửa chữa máy... Sau các khóa học, NLĐ đều có tay nghề, nắm bắt công việc rất nhanh, nhiều NLĐ được chuyển đổi vị trí nghề nghiệp, có thu nhập khá hơn.
Rõ ràng, khi được đào tạo nghề, NLĐ sẽ có tay nghề vững để làm chủ bản thân trong mọi công việc được giao, ít bị sa thải, nghỉ việc. Về phía DN, có đội ngũ lao động tay nghề cao, thích ứng nhanh với công nghệ công nghiệp 4.0 và thực tiễn sản xuất tại DN.
* Giúp DN phát triển sản xuất lâu dài
Theo các chủ DN, hiện yêu cầu về chất lượng sản phẩm của khách hàng ngày càng khắt khe. Và trước khi đặt hàng, khách hàng sẽ cho chuyên gia trên các lĩnh vực công việc đến khảo sát, xem cách làm việc của NLĐ và việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động tại DN mới ký hợp đồng dài hạn. Đặc biệt, với những lao động có tay nghề cao sẽ được khách hàng mời về công ty hướng dẫn quy trình, kỹ thuật làm việc cho NLĐ. Điều đó cho thấy, NLĐ nếu có tay nghề cao sẽ có rất nhiều lợi thế để phát triển sự nghiệp của mình, luôn được các DN coi trọng, sẵn sàng trả mức lương cao để giữ chân NLĐ.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, vì chạy theo lợi nhuận sản xuất nên vẫn còn rất ít các DN chú trọng đào tạo tay nghề cho NLĐ vì sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, tay nghề của công nhân chỉ đáp ứng được các công việc thủ công đơn giản và việc phát triển nghề nghiệp rất khó khăn.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tokin Electronics (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho biết, trong điều kiện sản xuất hiện nay, NLĐ có tay nghề đóng góp vai trò quan trọng vào việc duy trì sản xuất và phát triển của DN. Bởi nhu cầu sản xuất với công nghệ máy móc hiện đại ngày càng đổi mới, việc các DN ứng dụng công nghệ tự động vào quy trình sản xuất ngày càng nhiều. Nếu không có tay nghề, NLĐ ít có cơ hội phát triển công việc và thu nhập vẫn ở mức bình thường.
Để giúp NLĐ có tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc tại các DN, mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Đề án Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ giai đoạn 2020-2023 và định hướng đến năm 2023. Đề án nhằm tạo cơ hội để NLĐ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định các chỉ tiêu quan trọng như: hằng năm phấn đấu 100% Công đoàn cơ sở nơi có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ tiến hành thương lượng để đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể; phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn xây dựng kế hoạch phối hợp, liên kết với DN và Công đoàn cơ sở đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, DN tổ chức hội thi thợ giỏi, hội thi tay nghề cho NLĐ, tập trung vào những nghề mới mà các DN có nhu cầu tuyển dụng cao, tạo cơ hội để NLĐ có công việc ổn định, lâu dài.
Nguyễn Hòa