Báo Đồng Nai điện tử
En

Để hàng Việt tăng sức cạnh tranh…

07:05, 08/05/2023

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu nhanh đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu nhanh đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bởi hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương được hưởng các ưu đãi về thuế. Điều này, giúp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi sẽ là những thách thức, DN phải đối mặt là thị trường nội địa cũng mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào. Đồng thời, hàng Việt xuất khẩu muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan phải đáp ứng quy định hàng rào kỹ thuật của các nước về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa, mẫu mã, chất lượng, lao động, môi trường…

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn hàng Việt giữ được thị phần ở nội địa và xuất khẩu vào các nước thì phải đáp ứng những yếu tố quan trọng là sản phẩm sản xuất ra có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, sử dụng tiện lợi, giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, DN tùy theo từng thị trường nhắm đến để có kế hoạch sản xuất hàng hóa cho phù hợp với tiêu chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống thương vụ và tham tán thương mại ở đa số các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để hỗ trợ DN các thông tin về tập quán kinh doanh của thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định pháp lý… Ngoài ra, các thương vụ còn giúp DN trong nước xác định uy tín của đối tác nước ngoài để phòng tránh nguy cơ lừa đảo và rủi ro tài chính. Do đó, DN có thể khai thác hết những lợi thế trên để tăng khả năng cạnh tranh, giảm bớt rủi ro khi đưa hàng Việt xuất ngoại. DN nắm rõ được thị trường có sự chuẩn bị kỹ càng, khả năng thành công sẽ cao hơn. Việc này cũng đồng nghĩa với DN sẽ có thêm cơ hội để giữ và mở rộng được thị phần của hàng Việt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Với thị trường nội địa, DN trong nước có lợi thế hơn là hiểu rõ được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, trong những năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được lan tỏa đến tất cả các địa phương trên cả nước. Vì thế, người dân có ý thức ưu tiên sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Thế nhưng, để hàng Việt được người dân lựa chọn nhiều hơn thì các DN trong nước phải đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, tiện lợi, giá cả phù hợp. Các yếu tố trên, hàng ngoại nhập đang đáp ứng khá tốt và còn kèm theo hàng loạt các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng.

Khâu chăm sóc khách hàng cũng là vấn đề khá quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh để dành thị phần trong và ngoài nước. Vì người tiêu dùng sau khi mua sản phẩm gặp khó khăn, sự cố trong sử dụng rất cần được nhà sản xuất hỗ trợ khắc phục kịp thời. DN thực hiện tốt khâu này sẽ giữ chân khách hàng và góp phần xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững.

                                                              Hương Giang

Tin xem nhiều