Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa: nghề công tác xã hội.
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa: nghề công tác xã hội. Đây là dịp để tôn vinh, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.
Việt Nam là đất nước có truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau mạnh mẽ. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống ấy được vun đắp ngày một vững bền, càng trong gian khó, tinh thần “thương người như thể thương thân” lại càng tỏa sáng, trở thành sức mạnh nội sinh giúp Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù.
Đặc biệt, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển và hội nhập, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên nghiệp để tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình… gặp hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực để cùng chung tay chăm lo cho người già, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người kém may mắn… phải được thực hiện ngày càng bài bản. Do đó, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội không đơn thuần chỉ là chăm sóc, giúp đỡ đối tượng yếu thế mà còn góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn của hoạt động nhân đạo từ thiện xã hội, thực hiện ngày một tốt hơn chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển thịnh vượng của đất nước.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đội ngũ này luôn tận tâm, tận lực với công việc được giao, không chỉ bằng năng lực chuyên môn mà còn vì cái tâm với người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đối tượng kém may mắn…, dù lương không cao, công việc nặng nhọc. Như tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, không ít lao động đã có 15-20 năm gắn bó với nơi này. Có người ra đi rồi trở về công tác vì không nỡ rời xa những hoàn cảnh đáng thương đang rất cần sự giúp đỡ, chăm sóc hàng ngày.
Tại Đồng Nai, ngoài Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn có 14 cơ sở bảo trợ xã hội dân lập đang chăm sóc 1,1 ngàn trường hợp trẻ mồ côi, khuyết tật, người già… Hay tại hầu hết các cơ sở y tế đều đã thành lập được phòng công tác xã hội để huy động nguồn lực cùng chăm lo cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Phục vụ cho những đối tượng này luôn có một đội ngũ giàu lòng nhân ái, làm việc bằng cái tâm và tinh thần độ lượng, bao dung. Họ xứng đáng được xã hội trân trọng và tôn vinh!
Minh Ngọc