Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch xứng tầm cho y tế và giáo dục

08:03, 21/03/2023

Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của bất cứ một quốc gia nào. Chỉ số đánh giá hạnh phúc của đất nước hay chất lượng sống của người dân cũng được nhìn nhận chủ yếu ở 2 lĩnh vực này, cho thấy ý nghĩa đặc biệt của nó, rất cần được đầu tư, quan tâm hàng đầu.

Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của bất cứ một quốc gia nào. Chỉ số đánh giá hạnh phúc của đất nước hay chất lượng sống của người dân cũng được nhìn nhận chủ yếu ở 2 lĩnh vực này, cho thấy ý nghĩa đặc biệt của nó, rất cần được đầu tư, quan tâm hàng đầu.

Là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung nhiều khu công nghiệp và di biến động về dân số lớn, những năm qua y tế và giáo dục của Đồng Nai đã có những bước phát triển cả về chất và lượng, đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Điều này được thể hiện rõ ở hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có những bệnh viện lớn với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế khá hiện đại đã và đang triển khai được các kỹ thuật điều trị tiên tiến, giúp người bệnh không phải đi xa, tiết kiệm được chi phí. Hay cơ sở trường lớp, mạng lưới giáo dục tại Đồng Nai phủ đều khắp, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, từng bước phục vụ yêu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, y tế và giáo dục của Đồng Nai vẫn chưa phát triển xứng tầm, ngay ở những địa phương trung tâm có tiềm năng phát triển mạnh như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Đặc biệt, tại TP.Biên Hòa, nhiều năm qua luôn diễn ra tình trạng quá tải trường lớp, thậm chí có thời điểm hàng ngàn học sinh ở P.Trảng Dài, P.Long Bình phải học ca ba. Thiếu trường, thiếu lớp học dẫn đến việc học sinh phải đi học nhờ lớp, dồn sĩ số/lớp lên cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học.

Hay ở tuyến y tế cơ sở hiện nay đang rơi vào vòng luẩn quẩn: cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực… nên muốn triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, những lỗ hổng của tuyến y tế cơ sở bộc lộ rất rõ nhưng đến thời điểm này, việc triển khai các giải pháp để “trám” những lỗ hổng ấy vẫn rất chậm chạp. Vì thế, nếu muốn củng cố lại tuyến y tế cơ sở cũng như đánh giá đúng thực lực của nó, không còn cách nào khác là phải có sự rà soát nghiêm túc cùng những chính sách đầu tư mang tính bền vững chứ không làm kiểu lấp đầy cho có như hiện nay.

Một trong những giải pháp được cho là hiệu quả nhằm gỡ rối cho vấn đề trường - trạm hiện nay là đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Thực tế thời gian qua ở Đồng Nai, xã hội hóa 2 lĩnh vực này đã có những bước tiến vượt bậc. Trong đó, việc ra đời hàng loạt bệnh viện hay trường học tư nhân đã góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục, y tế công lập. Chất lượng dịch vụ tốt đã và đang là ưu điểm vượt trội giúp những cơ sở này thu hút được sự quan tâm, tham gia chăm sóc sức khỏe, đầu tư cho giáo dục ngày càng lớn của người dân. Tuy nhiên, để xã hội hóa thực sự phát triển, cần những cơ chế, chính sách để kích thích mạnh mẽ hơn nữa chứ không dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích như hiện nay.

Trong khi chờ một quy hoạch tổng thể, xứng tầm cho giáo dục và y tế, rất cần những giải pháp thực sự hữu hiệu để gỡ từng khó khăn, vướng mắc, nhất là ở các địa phương đang là điểm nóng về trường lớp, y tế như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch...  

Minh Ngọc

Tin xem nhiều