Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành "hot" nhưng có phù hợp?

08:03, 07/03/2023

Còn nhớ nhiều năm trước đây, làn sóng học sinh đua nhau đăng ký vào ngành quản trị kinh doanh tăng ồ ạt trong các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nguyên nhân được cho đây là ngành thời thượng, dễ kiếm việc làm, thu nhập cao, phù hợp với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

Còn nhớ nhiều năm trước đây, làn sóng học sinh đua nhau đăng ký vào ngành quản trị kinh doanh tăng ồ ạt trong các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nguyên nhân được cho đây là ngành thời thượng, dễ kiếm việc làm, thu nhập cao, phù hợp với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

Quản trị kinh doanh đúng là một ngành khá thời thượng, song không phải ai cũng phù hợp để theo học để sau đó gắn bó lâu dài. Bởi ngành này đòi hỏi người học phải có đam mê lĩnh vực kinh doanh, quan tâm đến những biến động của nền kinh tế; có tư duy nhạy bén, kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng thuyết phục và đàm phán giỏi; năng động, tự tin, quyết đoán và nhất là có khả năng chịu áp lực tốt, thích môi trường cạnh tranh.

Không phải học sinh lớp 12 nào thời điểm đó cũng hiểu về những yêu cầu của ngành nghề mình lựa chọn. Thậm chí, nhiều em thấy bạn bè trong lớp đăng ký nhiều cũng đăng ký theo mà không biết rằng cả năng lực và tính cách của bản thân không đáp ứng được yêu cầu mà ngành học đề ra. Vì thế, nhiều em sau những tháng đầu vui vẻ, phấn khởi do được trúng tuyển vào ngành “hot” đã tỏ rõ sự băn khoăn, lo lắng khi thấy những gì mình nghĩ với sự thật khác nhau quá xa. Tâm lý chán nản là có thật và không ít em đã dũng cảm lựa chọn con đường đi khác khi cảm thấy mình hoàn toàn không thể tiếp tục đồng hành với ngành nghề này. Một số khác chấp nhận học xong ra trường rẽ sang lĩnh vực không dính dáng gì đến quản trị kinh doanh.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về thị trường lao động, việc có quá nhiều sinh viên học cùng một nhóm nghề được xem là “hot” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho tương lai. Trong đó, nguy hiểm nhất là khi cung vượt quá cầu, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo buộc phải đi làm trái nghề. Các trường đại học, cao đẳng lại đua nhau mở mã ngành đào tạo này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, cơ sở giáo dục không đủ năng lực, uy tín vẫn tìm cách mở ngành để thu hút học sinh. Học sinh lại thiếu sự định hướng, lựa chọn ngành nghề theo cảm tính dẫn đến chất lượng đào tạo không được đảm bảo, thậm chí lãng phí.

Tình trạng “lệch pha” trong cơ cấu ngành nghề hiện vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học song chưa thực sự bám sát thực tiễn đời sống xã hội và xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp. Do đó, học sinh trước khi quyết định đăng ký nguyện vọng vào đại học cần nghiên cứu kỹ để tránh việc lựa chọn sai lầm. Bởi chưa chắc ngành học “hot” đã phù hợp với mình và khi đi làm sẽ có thu nhập cao như lời đồn…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều