Báo Đồng Nai điện tử
En

Không đánh đổi môi trường với phát triển

08:03, 16/03/2023

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, mà phải quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững là quan điểm của các cấp lãnh đạo trong nhiều năm qua.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, mà phải quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững là quan điểm của các cấp lãnh đạo trong nhiều năm qua. Ngành chăn nuôi cũng không phải ngoại lệ, bởi việc chăn nuôi phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường không khí, nguồn nước, thậm chí là dịch bệnh.

Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với đàn heo, gà lên đến hàng chục triệu con. Trong đó, có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn của các doanh nghiệp và rất nhiều trại chăn nuôi quy mô trung bình, nhỏ lẻ của các cơ sở, hộ dân chăn nuôi trong khu dân cư. Theo quy định, để đảm bảo môi trường, các cơ sở chăn nuôi lớn phải có giấy phép môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường; phải đầu tư hầm biogas, hồ lắng, hồ chứa để xử lý phân, nước thải; nước thải sau xử lý được sử dụng vệ sinh chuồng trại, tưới cây hoặc xả ra môi trường; phân thải được thu gom, tập kết vào nhà chứa, ủ rồi bán cho những người có nhu cầu… Và cũng từ rất lâu rồi, tỉnh đã có chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Thế nhưng, vì không muốn tốn một khoản tiền lớn để đầu tư và vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở chăn nuôi phớt lờ các quy định đảm bảo vệ sinh môi trường như: không đăng ký giấy phép, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; chưa có giải pháp xử lý nước, phân thải hiệu quả, chỉ thực hiện lắng lọc sơ kết hợp nuôi cá… Hậu quả là nước thải, phân thải phát sinh từ các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ở các sông, suối, ao, hồ gần nơi xả thải của cơ sở chăn nuôi…

Thực tế kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, trong 2 năm 2020 và 2021, có đến 129 cơ sở chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường, phổ biến là xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, chưa đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường… Riêng tại H.Long Thành, trong số 54 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động, chỉ có 8 cơ sở có giấy phép môi trường và việc này đã tồn tại từ khá lâu, việc di dời cơ sở chăn nuôi cũng gặp khó khăn do thiếu quỹ đất, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung.

Từ những bất cập trên, UBND tỉnh mới đây đã phê duyệt danh sách hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, sở, ngành có liên quan kiểm tra tất cả trang trại chăn nuôi trên địa bàn, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Quyết tâm bảo vệ môi trường lại được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương về xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi vào ngày 9-3. Theo đó, tỉnh không cấm nhưng việc chăn nuôi phải đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường. Tỉnh, huyện cần giám sát công tác bảo vệ môi trường; có chế tài đủ mạnh để xử lý các cơ sở vi phạm, coi nhẹ việc bảo vệ môi trường.

Với quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh, hy vọng tình trạng vi phạm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ được giải quyết, qua đó giữ gìn không gian sống trong lành cho cộng đồng, xã hội.       

Phạm Mai  

Tin xem nhiều