Trước tình hình giao thông ở các đô thị hết sức phức tạp, thì việc học sinh đi học bằng xe đưa rước học sinh (ĐRHS) là một trong những giải pháp khá an toàn.
Trước tình hình giao thông ở các đô thị hết sức phức tạp, thì việc học sinh đi học bằng xe đưa rước học sinh (ĐRHS) là một trong những giải pháp khá an toàn. Thời gian gần đây, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, sự quan tâm của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh thì đa phần các xe ĐRHS trong tỉnh hoạt động theo đúng quy định; không còn những xe cũ kỹ, xuống cấp như trước đây. Tuy nhiên, chỉ cần một chút sơ sẩy, lơ là trong quản lý, điều khiển xe ĐRHS thì phải trả giá quá đắt bằng chính tính mạng của học sinh. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi xe ĐRHS cần được quan tâm thường xuyên, liên tục.
Thực tế hiện nay, vẫn còn không ít tồn tại, bất cập trong quản lý xe ĐRHS. Trong đó, phần lớn vẫn trông chờ vào sự ra quân kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông). Trong khi công tác kiểm tra này chỉ thực hiện vào một số thời điểm nhất định. Mặt khác không ít nhà trường giao hẳn việc thuê xe và quản lý xe ĐRHS cho giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh; thiếu sự nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến an toàn của học sinh. Một số trường học không có người tham gia điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông ở các cổng trường, khiến xe cộ (trong đó có cả xe ĐRHS) dừng, đậu lộn xộn gây mất an toàn giao thông.
Chính vì vậy, để hoạt động xe ĐRHS đảm bảo an toàn cần có sự chung tay của lực lượng chức năng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Theo đó, công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến xe ĐRHS cần được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm tạo thói quen trong chấp hành quy định pháp luật đối với những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động xe ĐRHS. Về phía các nhà trường cũng phải tham gia vào công tác quản lý xe ĐRHS bằng việc kiểm tra các hợp đồng xe ĐRHS, giám sát hoạt động xe ĐRHS trước cổng trường, yêu cầu chấn chỉnh những hạn chế, bất cập gây mất an toàn trong hoạt động xe ĐRHS.
Đặc biệt, các giáo viên được phụ huynh tin tưởng giao việc quản lý xe ĐRHS từ trường về nhà giáo viên (hoặc ngược lại) cần nâng cao trách nhiệm; không chủ quan, lơ là để học sinh tự đi xe ĐRHS mà thiếu sự giám sát, quản lý trực tiếp của người lớn đi cùng (giáo viên hoặc phụ xe). Các phụ huynh cũng cần giám sát hoạt động xe ĐRHS của con em mình để yêu cầu khắc phục ngay những bất cập có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh. Ngoài ra, việc dạy các kỹ năng phòng ngừa những nguy hiểm, tai nạn rủi ro khi đi xe ĐRHS cũng cần được nhà trường, giáo viên, phụ huynh quan tâm, đẩy mạnh triển khai tuyên truyền trong thời gian tới, nhất là trong trường tiểu học, THCS để các em chủ động phòng tránh những tai nạn rủi ro khi đi học bằng xe ĐRHS, không để xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc như thời gian qua.
Đặng Ngọc