Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động

08:03, 23/03/2023

Mức lương tối thiểu vùng (TTV) là mức lương thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ...

Mức lương tối thiểu vùng (TTV) là mức lương thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh lương TTV được NLĐ đặc biệt mong đợi, bởi sẽ góp phần nâng cao thu nhập, giảm bớt khó khăn, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1-7-2022. Đây được xem là một nỗ lực lớn của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc tăng thêm 6% lương TTV cho NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến “sức khỏe” của DN giảm sút.

Nghị định 38 cũng là nghị định đầu tiên ghi nhận về mức lương tối thiểu giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của NLĐ làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Với những lao động xa quê phải thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ… với nhiều thứ phải chi tiêu thì việc được tăng thêm vài trăm ngàn đồng/tháng trở nên đặc biệt có ý nghĩa. Điều này vừa giúp NLĐ có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống, vừa tạo động lực để họ yên tâm gắn bó với công việc. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt là đầu năm 2023, tình trạng khan hiếm đơn hàng của DN lan rộng khiến cho NLĐ bị mất việc hay phải giảm giờ làm tăng cao. Phần lớn NLĐ trong các DN không còn được tăng ca nên khoản thu nhập tăng thêm không còn. Nhiều DN chỉ còn khả năng chi trả mức lương cùng chế độ căn bản cho NLĐ, vì thế đời sống của NLĐ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều gia đình công nhân phải vất vả, chật vật xoay xở mới lo được cho con đến trường, chi trả tiền nhà trọ, phí sinh hoạt, ăn uống…

Mới đây, Bộ LĐ-TBXH có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương TTV để có căn cứ đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương TTV trong năm 2024. Đây là một tín hiệu vui, cho thấy việc ban hành chính sách ngày càng sát thực hơn với đời sống, bởi khi chính sách cũ không còn phù hợp, rất cần sự điều chỉnh để đối tượng được thụ hưởng một cách thực chất, ý nghĩa nhất. NLĐ đang rất trông chờ, việc đánh giá, rà soát tại các địa phương, trong đó có Đồng Nai, sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mức thu nhập thực tế của NLĐ. Đây là cơ sở để có những đề xuất tăng lương sát thực, giúp NLĐ đảm bảo được mức sống tối thiểu và cao hơn trong những năm tới.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều