Năm 2022, kinh tế của Việt Nam có nhiều bứt phá với mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng trên thế giới về phục hồi, ổn định và phát triển.
Năm 2022, kinh tế của Việt Nam có nhiều bứt phá với mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng trên thế giới về phục hồi, ổn định và phát triển. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kỷ lục mới với 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước đó. Điều này thể hiện sự linh hoạt của các doanh nghiệp (DN) trong ứng phó với khó khăn để vẫn giữ được sản xuất, đảm bảo doanh thu. Về phía Chính phủ đã đưa ra những quyết sách kịp thời, hỗ trợ các DN trong sản xuất, xuất khẩu.
Theo dự báo năm 2023, nền kinh tế thế giới sẽ khó khăn hơn năm trước và những quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc giảm bớt nhập khẩu hàng hóa do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Việc này sẽ khiến cho các DN tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác gặp khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm. Đơn hàng ít, DN Đồng Nai cũng như cả nước sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với DN cùng lĩnh vực đến từ những quốc gia khác. Trong cuộc cạnh tranh này, những DN nào đáp ứng được yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế sẽ có cơ hội nhận được nhiều đơn hàng hơn. Năm 2022, xuất khẩu Đồng Nai có mức tăng trưởng hơn 13%, cao hơn bình quân chung cả nước là do DN đã nhạy bén trong sản xuất, xuất khẩu có đủ những tiêu chí các nhãn hàng quốc tế cần.
Hậu dịch bệnh Covid-19, yêu cầu của người tiêu dùng các nước đòi hỏi khắt khe hơn, buộc các nhãn hàng phải có những cam kết trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Vì thế, hầu hết các nhãn hàng đều đưa ra lộ trình yêu cầu các nhà máy sản xuất theo hướng xanh để xuất khẩu xanh, tiến đến phát triển bền vững. Cụ thể, các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thân thiện với môi trường, quá trình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải nhà kính, đảm bảo môi trường tốt cho người lao động, chất lượng hàng hóa đảm bảo sẽ được các nhãn hàng ưu tiên đơn hàng nhiều hơn.
Do đó, các nhà máy tham gia vào quy trình sản xuất xanh sẽ dễ dàng tìm đối tác hơn và có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Đây là xu hướng chung các DN Việt Nam cũng như trên toàn cầu đang hướng đến trong cuộc đua giành thị phần. Trong buổi làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam vào cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, năm 2022, dù tình hình kinh tế toàn cầu rơi vào suy giảm, những tháng cuối năm các DN nhận được ít đơn hàng nhưng xuất khẩu cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt ngành dệt may đã xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm trước đó, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Sở dĩ xuất khẩu năm 2022 đạt kỷ lục mới là do các DN đã kịp thời nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng ở các quốc gia và đáp ứng tiêu chuẩn của nhãn hàng trong sản xuất, xuất khẩu. Vì thế, sản xuất xanh sẽ giúp DN xuất khẩu thuận lợi hơn và sẽ không lo bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tìm và giữ đơn hàng để ổn định, mở rộng sản xuất.
Hương Giang