Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng, nguồn vốn trung ương phân bổ lại cho tỉnh để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật lại rất thấp.
Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng, nguồn vốn trung ương phân bổ lại cho tỉnh để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật lại rất thấp. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi Đồng Nai là tỉnh đông dân, đất đai rộng nên nhu cầu về vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, công trình công cộng rất lớn. Với nguồn vốn phân bổ cho địa phương trước đây là 45% và năm 2023 được tăng lên 50% cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương. Bởi 5% được điều tiết thêm chỉ hơn 2 ngàn tỷ đồng.
Để có thể tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai, tỉnh cần nguồn vốn phân bổ lớn để đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối với sân bay và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thế nhưng, những năm qua, tổng chi ngân sách cho Đồng Nai lại thấp nhất trong 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu ngân sách. Tỉnh có diện tích hơn 5,9 ngàn km2 và dân số khoảng 3,2 triệu người, đông thứ 5 trong cả nước nên ngoài đầu tư cho giao thông cũng rất cần nguồn ngân sách lớn để thực hiện các công trình, cung cấp phúc lợi, an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao…
Đồng Nai là tỉnh có mức chi cho một người dân thấp nhất trong vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ và nhiều tỉnh, thành khác. Đơn cử, năm 2022, mức chi cho người dân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 6,7 triệu đồng/người dân, bằng 33% so với Quảng Ninh và 40% so với Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, thấp hơn 700 ngàn đồng/người so với Bình Dương và 2,4 triệu đồng/người so với TP.HCM.
Nguồn lực ngân sách được phân bổ hạn chế nên Đồng Nai gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, vùng Đông Nam bộ đóng góp 32% GDP của cả nước. Vì thế, nếu Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về cho ngân sách địa phương để có thêm nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật, tạo đột phá trong phát triển kinh tế sẽ đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai đang cần nguồn vốn hơn 60 ngàn tỷ đồng để thực hiện các tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát huy hiệu quả khi năm 2025, sân bay đi vào hoạt động giai đoạn 1. Nếu các dự án hạ tầng có vốn để đầu tư sớm sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào Đồng Nai cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, du lịch, bất động sản… Các lĩnh vực này phát triển sẽ đem lại nguồn thu lớn cho Đồng Nai và các tỉnh, thành khác trong khu vực.
Hương Giang