Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để học sinh chịu thiệt thòi

03:09, 30/09/2022

"Tốt nghiệp sư phạm Hóa nhưng hiện tại tôi được phân công dạy cả Vật lý và Sinh học. Đây là điều bất đắc dĩ khi nhiều kiến thức môn Vật lý, Sinh học được học từ thời phổ thông đã "rơi rụng" theo năm tháng do không sử dụng đến.

“Tốt nghiệp sư phạm Hóa nhưng hiện tại tôi được phân công dạy cả Vật lý và Sinh học. Đây là điều bất đắc dĩ khi nhiều kiến thức môn Vật lý, Sinh học được học từ thời phổ thông đã “rơi rụng” theo năm tháng do không sử dụng đến. Giáo viên không thể làm tròn vai khi dạy tích hợp “3 trong 1”, kể cả người giàu kinh nghiệm, bởi muốn dạy tốt thì phải được đào tạo bài bản, phải có thêm kinh nghiệm tích lũy từ quá trình đứng lớp… Nhiều khi tôi cảm thấy rất trăn trở vì kiến thức môn Vật lý và Sinh học của mình không đủ sâu để dạy cho học sinh” - lời chia sẻ thật lòng của một giáo viên THCS ở H.Trảng Bom khi phải “gồng gánh” dạy môn tích hợp ở các lớp 6-7 thêm một lần nữa chỉ ra những hạn chế trong việc dạy và học khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, một số môn học ở lớp 6-7 được chuyển thành môn tích hợp, như môn Lịch sử - Địa lý gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý; môn Khoa học tự nhiên gồm 3 phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Việc tích hợp 2-3 môn thành một môn học đòi hỏi một giáo viên THCS phải dạy 2-3 môn học, trong khi bản thân giáo viên đa phần chỉ được đào tạo để dạy một phân môn. Những phân môn còn lại chủ yếu vận dụng những kiến thức thời còn đi học, trong khi những kiến thức này họ đã dần quên theo thời gian vì không được đào tạo chuyên sâu. Trong khi đó, việc bồi dưỡng, tập huấn cho các giáo viên kiến thức của các phân môn khác khi dạy môn tích hợp không thể diễn ra một sớm một chiều, không phải giáo viên nào cũng có thể tiếp thu ngay được, nhất là với những giáo viên đã lớn tuổi. Đó là còn chưa nói để giảng dạy có chất lượng thì ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên còn cần có kỹ năng, kinh nghiệm được đúc rút qua quá trình đứng lớp.

Điều đó càng bộc lộ thêm hạn chế lâu nay của ngành Giáo dục là tình trạng thiếu giáo viên để dạy các môn tích hợp. Càng đáng quan tâm hơn nữa là sinh viên ngành sư phạm hiện nay cũng chỉ được đào tạo chuyên sâu một ngành học (môn học) nào đó chứ không phải là các môn tích hợp.

Đó là dưới góc độ của người thầy, còn với học sinh, những người đang “thụ hưởng” chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có nhiều vấn đề phải bàn.

Việc giáo viên bộ môn phải phụ trách giảng dạy 2-3 môn trong môn tích hợp khi kiến thức những môn “gồng gánh” thêm này chưa được đào tạo chuyên sâu rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh. Bản thân các giáo viên cũng cảm thấy áp lực và thiếu tự tin vì với những môn không phải sở trường, giáo viên sợ sai...

Điều đó cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bởi những phân môn giáo viên không được đào tạo bài bản, chỉ qua tập huấn rồi đứng lớp dạy sẽ khiến việc tiếp thu của học sinh bị hạn chế, dẫn đến hổng kiến thức ở một phân môn nào đó, nhất là khi các em học lên các lớp cao hơn với kiến thức các phân môn này phức tạp hơn, chuyên sâu hơn. Rõ ràng, phần thiệt thòi này học sinh là những người phải chịu.

Những hạn chế, bất cập khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thời gian qua đã được chỉ ra. Mong rằng ngành Giáo dục sẽ tiếp thu, sớm có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học, để các em học sinh không phải chịu thiệt thòi.

Phạm Mai

Tin xem nhiều