Liên tiếp các vụ cháy do điện đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, gây những hậu quả nặng nề về người và tài sản thời gian qua lại một lần nữa báo động về hiểm họa khó lường từ các sự cố do điện.
Liên tiếp các vụ cháy do điện đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, gây những hậu quả nặng nề về người và tài sản thời gian qua lại một lần nữa báo động về hiểm họa khó lường từ các sự cố do điện. Điều đáng quan tâm, nguyên nhân của các vụ cháy phần lớn xuất phát từ sự chủ quan, bất cẩn của doanh nghiệp (DN), người dân khi sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày.
Do đó, một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa các sự cố về điện là nâng cao nhận thức của DN, người dân trong an toàn sử dụng điện. Nhất là trong các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, vì khi có cháy, nổ xảy ra thì thiệt hại đối với DN rất nặng nề. Do đó, từng DN cần tuân thủ tất cả các biện pháp về an toàn điện công nghiệp cũng như nắm chắc các biện pháp hạn chế tai nạn điện công nghiệp, cách xử lý nếu xảy ra tai nạn điện khi có sự cố do điện xảy ra.
Muốn vậy, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng thì chủ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chủ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có nguy cơ cháy, nổ cao như: giày dép, dệt may, sơn, gỗ… cần chủ động kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác an toàn PCCC để hạn chế những rủi ro do điện có thể phát sinh.
Yêu cầu an toàn trong sử dụng điện không chỉ trong các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà còn trong các khu dân cư. Theo các cơ quan chức năng, phần lớn nguyên nhân chính trong các vụ cháy là do chập điện. Trong đó có những nguyên nhân rất đơn giản, xuất phát từ thói quen sinh hoạt hằng ngày như: quên tắt thiết bị điện khi không sử dụng, để vật dụng lên đường dây điện bị hở điện, sử dụng các thiết bị điện, đường dây điện quá cũ… Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức trong phòng, chống cháy, nổ do điện; nhớ tắt các thiết bị điện như: bếp điện, bếp từ, ấm nấu siêu tốc… khi ra khỏi nhà.
Để nâng cao ý thức của người dân, DN trong an toàn sử dụng điện, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các giải pháp phòng, chống cháy, nổ do điện trong hộ gia đình, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện. Tuy nhiên, tuyên truyền thôi là chưa đủ, bởi một khi cơ quan chức năng chưa có những biện pháp kiểm tra, xử lý, chế tài đủ mạnh sẽ không đủ sức răn đe, giáo dục. Sự kết hợp giữa tuyên truyền về an toàn điện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến an toàn điện, trong đó có vi phạm hành lang an toàn lưới điện sẽ góp phần giảm những nguy cơ tiềm ẩn cũng như những rủi ro cháy, nổ do điện, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn điện trong DN, khu dân cư.
Đ.N